Làm chủ không gian Pha Đin

21/03/2019 09:02

(TN&MT ) - Chúng tôi lên Tây Bắc vào những ngày giữa tháng Ba, qua những cung đường uốn lượn như dải lụa giữa trập trùng đèo dốc. Tây Bắc mùa này ngút ngàn ẩn hiện trong mỏng manh sắc trắng hoa ban, đỏ thắm hoa gạo chờn vờn trong sương. Dừng chân trên đỉnh Pha Đin, giữa chơi vơi núi đồi hoang hoải, chúng tôi gặp những người đang lặng lẽ bắt mạch trời…

Anh bai pha din
Vàng A Phía - Trạm trưởng Trạm Khí tượng Pha Đin đi “ốp” lúc 1 giờ sáng. Ảnh: Việt Hùng

Đếm gió, đo mưa giữa lưng chừng trời

Trạm Khí tượng Pha Đin nằm biệt lập trên một trong những đỉnh cao nhất tại Đèo Pha Đin, thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, ở độ cao so với mực biển là 1.377.7 m. Đón chúng tôi trong chiều vàng nhạt nắng, những chàng trai người Mông bẽn lẽn pha trà, rót nước, làm cơm mời khách. Nụ cười hiền lành, ánh mắt lấp lánh niềm vui, vì hình như, cũng lâu lâu rồi, trạm mới đón nhiều người như thế.

“Bình thường, chỉ có 5 anh em thay nhau trực. Trạm xa nhà dân, đôi lúc cũng buồn. Buồn quá, anh em xuống nhà dân nói chuyện rồi lại lên… lâu dần thành quen…” - Vàng A Phía - Trưởng Trạm Khí tượng Pha Đin tâm sự với chúng tôi như vậy.

Năm nay, A Phía 28 tuổi, đã làm trong ngành khí tượng được 6 năm. Về cơ duyên đến với nghề, Phía kể, sau khi học xong lớp 12, từ tháng 10/2010, Phía thuộc diện cử tuyển, đi học hệ Trung cấp Ngành KTTV ở Trường Đại học TN&MT Hà Nội. Sau 2 năm học, ngày 1/4/2013, Phía nhận công tác tại Trạm. “Em xác định ngay từ đầu đã chọn ngành này để học thì học xong, ra trường, xin việc, em gắn bó với công việc mình đã chọn” - Phía nói.

Cũng như anh Thào A Pháo (sinh năm 1969), Vàng A Tùng (1985) và nhiều quan trắc viên khác ở nhiều nơi trên cả nước, một ngày Phía đi “ốp” 4 lần, vào các khung giờ: 1 giờ, 7 giờ, 13 giờ, 19 giờ. Trước khi đi “ốp”, Phía phải kiểm tra máy móc, chuẩn bị sổ sách và phương tiện thông tin, sau đó, đúng giờ, Phía ra vườn khí tượng, làm việc với các thiết bị đo, ghi chép các thông số về mây, gió, nhiệt độ, độ ẩm, thời gian nắng, mưa, bốc hơi, hiện tượng thời tiết, tầm nhìn ngang… rồi mã hóa dữ liệu, chuyển về Đài Khí tượng Thủy văn Tây Bắc.

“Vất vả nhất là đi ốp lúc 1giờ sáng, lúc mưa to gió lớn bất thường, quãng từ tháng 5 đến hết tháng 11. Càng mưa gió bao nhiêu, bọn em lại càng phải quan trắc nhiều hơn để cung cấp thông tin chính xác về đài, có khi 30 phút, khi 1 tiếng đã đi “ốp”, Phía chia sẻ.

Trong ký ức của Phía và Tùng, những chàng trai quan trắc viên người Mông vẫn nhớ như in về đợt rét đậm xảy ra vào tháng 1/2016. Khi ấy, nhiệt độ xuống thấp -4,3oC. Nước sinh hoạt đóng băng, mất điện suốt 1 tuần, dầu trong máy bị đông khiến máy không chạy được. Anh em cố gắng chuyển thông tin về đài bằng điện thoại.

Trên đỉnh Pha Đin, nhiệt độ bao giờ cũng thấp hơn nhiều so với đồng bằng. Trong cái lạnh thấm tháp vào da thịt khi theo chân Phía đi “ốp” lúc 1 giờ đêm, chúng tôi mới cảm hiểu được sự khắc nghiệt của thời tiết vùng cao và sự dũng cảm, vượt khó của những chàng trai vùng núi.

Vàng A Tùng - người cùng xã với Phía, bén duyên với nghề khí tượng từ năm 2013, sau khi hoàn thành việc học Trung cấp KTTV (2010 - 2012). Trước đó, Tùng học công nghệ thông tin ở Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức nên máy móc ở Trạm có sự cố, Tùng đều tự sửa chữa. “Mình sẽ gắn bó với nghề này. Cả vợ con đều bằng lòng cho mình đi làm, cũng hiểu đặc thù công việc của chồng nên chấp nhận. Con gái mình nếu sau này thích theo nghề của bố, mình sẽ ủng hộ ” - chàng trai người Mông cười hiền lành.

Khi mặt trời dần khuất, bóng tối bao trùm cả không gian núi rừng Tây Bắc. Xung quanh đồi tối om. Những cánh rừng im lìm tịch mịch. Có tiếng gió mang theo hơi sương lạnh quẩn trong không khí. Tiếng côn trùng rỉ rả. Vườn khí tượng nửa đêm hắt lên ánh sáng leo lét từ chiếc đèn pin trên đầu quan trắc viên “đi ốp”. Chúng tôi như nghe được cả tiếng bước chân khẽ khàng của Phía. Trong không gian ấy, dáng hình nhỏ bé của người quan trắc viên như một nét khắc chạm vào núi, cần mẫn, lặng thầm “bắt mạch trời”.

Làm chủ công nghệ mới

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ “đếm gió, đo mưa”, các quan trắc viên của Trạm Khí tượng Pha Đin còn quán xuyến luôn cả việc vận hành Trạm quan trắc, giám sát khí hậu toàn cầu. Trạm được đầu tư từ năm 2014, trong khuôn khổ thực hiện Chương trình GAW, Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ cho Dự án: “Tiếp nhận, quản lý và vận hành hệ thống quan trắc, giám sát khí hậu toàn cầu” (CATCOS)”. Trạm Giám sát khí hậu Pha Đin góp phần nâng cao năng lực giám sát, ứng phó biến đổi khí hậu ở Việt Nam, hội nhập với thế giới về quan trắc, đánh giá biến đổi khí hậu và tăng cường, hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn và môi trường phục vụ công tác điều tra cơ bản, dự báo, cảnh báo phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Cũng ở vị trí này, bên cạnh vườn khí tượng là Trạm Ra đa thời tiết Pha Đin cao ngút. Trạm Rada Pha Đin được đầu tư theo Quyết định số 1450/QĐ-BTNMT ngày 27/6/2016 của Bộ trưởng Bộ TN&MT về việc phê duyệt điều chỉnh Dự án “Nâng cấp khả năng đo mưa, dự báo bão và giông sét của Trung tâm KTTV Quốc gia”. Ngày 27/2/2019 Tổng cục KTTV bàn giao hệ thống thời tiết Ra đa Pha Đin cho Đài KTTV khu vực Tây Bắc đưa vào sử dụng.

Đảm nhận vai trò Tổ trưởng Tổ Vận hành Trạm Ra đa hiện đại nhất tại Việt Nam hiện nay, anh Trần Anh Tuấn (sinh năm 1973) cho biết, Ra đa sẽ tự động quét thời tiết trong bán kính 400km thuộc các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Phú Thọ, Hòa Bình, sau đó, số liệu được truyền về Trung tâm KTTV ở số 8, Pháo Đài Láng, Hà Nội, giúp các tỉnh Tây Bắc và một phần Việt Bắc có được số liệu thời tiết chính xác. Việc vận hành và duy trì đường truyền tương đối phức tạp, nhất là tùy từng loại thời tiết mà có góc quay radar thích hợp, bởi vậy, những nhân viên phụ trách Trạm Radar như anh Tuấn luôn nỗ lực học tập để làm chủ công nghệ mới.

Ngồi ở chân Trạm Ra đa, anh Tuấn nói với chúng tôi: “Mình chẳng ngại học hỏi đâu. Phải học để còn biết mà làm nhà báo ạ. Biến đổi khí hậu giờ phức tạp thế. Thiên tai ngày càng nghiêm trọng. Các thiết bị hiện đại được đầu tư để cảnh báo, con người cũng phải nhanh nhạy để điều khiển máy móc, giúp ích cho bà con”.

Giữa nền trời tối thẫm quang mây, theo kinh nghiệm của những người làm khí tượng, đêm nay sẽ lạnh hơn, ngọn ra đa mang dáng vẻ rất đỗi “yêu kiều”, như tòa lâu đài trong chuyện cổ tích phong cách Ba Tư với tòa tháp có đỉnh tròn. Tôi cũng hình dung nó còn như một ngọn hải đăng trên điệp trùng núi rừng Tây Bắc, để chỉ ở phía xa, khi nhìn thấy nó, người ta đã biết ấy là ngọn đồi duy nhất ở Pha Đin có “ba trong một”.

Chúng tôi rời Trạm khi đã quá nửa đêm. Quốc lộ 6 uốn lượn theo từng triền núi lên TP. Điện Biên tối thẫm. Những ngôi nhà úp xúp bên đường vẫn chìm trong giấc ngủ. Bất giác, tôi nghĩ đến những chàng trai người Mông làm quan trắc viên trên đỉnh Pha Đin trong sương giá đi “ốp” khi mọi người còn đang say giấc. Tôi nhớ lại cuộc trò chuyện với Phía: “Nghề này có gì thú vị mà khiến em gắn bó?” “Có chứ chị. Trước mỗi trận mưa, thông tin bọn em gửi về chính xác, giúp bà con tránh được nhiều thiệt hại, sau trận mưa ấy, cảm xúc như vỡ òa chị ạ!”.

Hóa ra niềm vui, niềm hạnh phúc và nguyên cớ khiến những chàng lính ngự lâm giữ trạm, bám trạm là vì công việc ấy có ý nghĩa đối với cộng đồng. Tình yêu với công việc luôn thắm đỏ trong trái tim những chàng trai trên đỉnh Pha Đin chính là ánh lửa hồng xua tan hơi giá buốt trên rẻo cao Tây Bắc.

Tây Bắc mùa này, rưng rưng những cánh hoa ban, bạt ngàn màu xanh cây lá như vấn vít bước chân người đến, đi qua mà lòng vẫn đau đáu nhớ về:

“Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc?

Khi lòng ta đã hóa những con tàu

Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát

Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu.”

(“Tiếng hát con tàu” - Chế Lan Viên)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm chủ không gian Pha Đin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO