Đất đai

Lai Châu: Tháo "nút thắt" trong quản lý đất đai

Trần Hương 12/03/2024 - 13:03

(TN&MT) - Thực trạng "đụng đâu vướng đó" về công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án là một trong những nguyên nhân làm mất cơ hội thu hút đầu tư ở Lai Châu.

Để khắc phục, tỉnh đề ra một số giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện tốt công tác quản lí đất đai; vừa phục vụ cho việc kêu gọi thu hút đầu tư, vừa nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước về đất đai, tránh làm thất thoát nguồn lực.

Đánh giá tồn tại để đề ra giải pháp

Tiếp cận đất đai là 1 trong 10 chỉ số thành phần đánh giá khả năng thu hút đầu tư, năng lực cạnh tranh của Lai Châu và tính ổn định trong quá trình quản lý, sử dụng đất. Đây cũng chính là một trong những "nút thắt" được Lai Châu xác định cần tháo gỡ để tạo cơ sở, tiền đề thu hút đầu tư và phát triển hạ tầng xây dựng, hạ tầng giao thông.

Thực trạng đất đai của Lai Châu trong những năm qua còn nhiều bất cập như: Nhiều diện tích đất chưa được quy chủ, chưa được cấp sổ, các hộ dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp; Công tác kiểm tra chấp hành thủ tục đất đai còn nhiều chồng lấn, dẫn đến xảy ra tình trạng tranh chấp khó thu hồi khi các dự án Nhà nước được đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh chưa xác định được tổng diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng. Chính vì vậy, một số dự án phát triển nông lâm đòi hỏi tỉnh phải có quỹ đất, mặt bằng sạch để giao thực hiện dự án là rất khó.

4d.jpg
Dự án mở rộng khu của khẩu Ma Lù Thàng, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại này, ông Mai Văn Thạch - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lai Châu cho biết: Công tác quản lý đất đai ở một số huyện, thành phố chưa chặt chẽ, vẫn còn tình trạng người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp không đúng đối tượng... Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chồng lấn. Bên cạnh đó, một số cán bộ chưa thực sự sâu sát, quan tâm, kiên quyết, chủ động trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Nhất là việc cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính hàng năm tại cấp xã, phường; nhiều dự án cấp đất tái định cư mới nhưng vẫn chưa được cập nhật kịp thời. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân còn hạn chế hiểu biết pháp luật về đất đai. Sự thay đổi thường xuyên về nhân sự của phòng TN&MT cấp huyện khiến việc giải quyết đơn, hồ sơ đất đai bị chuyển qua nhiều thời kỳ với những quy định khác nhau, gây khó khăn trong quá trình giải quyết. Hiện, Lai Châu còn nhiều thôn bản chưa được đo đạc địa chính, dẫn đến hồ sơ quản lý chất lượng chưa đạt yêu cầu... Tất cả những yếu tố đó làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý đất đai tại địa phương.

Những khó khăn nội tại đó đang được Lai Châu dần khắc phục, công tác quản lý nhà nước về đất đai dần đi vào nền nếp và siết chặt ở từng bộ phận, từng khâu, đảm bảo tính minh bạch.

Những giải pháp căn cơ và đồng bộ

Những tồn tại trên đã được ngành tài nguyên và môi trường nhìn nhận và phân tích rõ, đó cũng là cơ sở để Lai Châu đưa ra những giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý đất đai của địa phương.

Một trong những giải pháp đó là Lai Châu đang tập trung rất nhiều nguồn lực để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Tính từ năm 2019 đến nay, Lai Châu đã chi khoảng trên 100 tỷ đồng để phục vụ cho công tác đo đạc bản đồ địa chính chính quy, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.

Ông Mai Văn Thạch - Giám đốc Sở TN&MT cho biết thêm: Việc xây dựng hệ thống thông tin về đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai là một trong những yêu cầu cơ bản để xây dựng hệ thống quản lý đất đai, hiện đại hóa hệ thống quản lý và cập nhật, chỉnh lý biến động nguồn dữ liệu đất đai, thông tin đảm bảo chính xác. Chính vì vậy, nhiều năm qua, Sở đã tham mưu UBND tỉnh Lai Châu bố trí nguồn lực để xây dựng, chuẩn hóa dần dữ liệu đất đai. “Trước mắt, chúng tôi yêu cầu các địa phương thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các thời kỳ và có tầm nhìn chiến lược. Đồng thời, nâng cao năng lực, chất lượng trong công tác thẩm định hồ sơ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời tập trung nêu cao vai trò công tác tham mưu, chỉ đạo trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường. Nhất là tới đây khi Luật Đất đai 2024 được áp dụng đưa vào cuộc sống” - ông Thạch cho biết.

Năm 2023, tỉnh Lai Châu cho 30 tổ chức thuê đất, diện tích 1.002,84ha; giao đất cho 12 tổ chức, diện tích 6.152,43ha; thu hồi đất của 50 tổ chức, diện tích 7.088,46ha; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất 16 tổ chức, diện tích 4,5ha.

Từ những giải pháp đó, năm 2023, các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số thành phần PCI cấp tỉnh về tiếp cận đất đai đạt kết quả tốt. Sở TN&MT Lai Châu đã chủ động hướng dẫn và thực hiện các thủ tục về đất đai cho các loại hình kinh doanh và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời chủ động tham mưu, phối hợp giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đất đai như: lồng ghép thủ tục hành chính giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào một thủ tục hành chính cho các tổ chức thực hiện. Kết quả: tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đồng thời với việc cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho 33 tổ chức, diện tích 1.009,19ha để thực hiện 39 dự án đầu tư tại địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lai Châu: Tháo "nút thắt" trong quản lý đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO