Lai Châu: Quyết liệt phòng, chống bệnh Cúm gia cầm và vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua biên giới

Hà Thuận| 22/01/2021 14:35

(TN&MT) - Ngày 21/1, UBND tỉnh Lai Châu ban hành Công văn số 173/UBND-KTN về việc tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh Cúm gia cầm và vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua biên giới.

Tỉnh Lai Châu yêu cầu các địa phương chủ động trong phòng chống Cúm gia cầm.

Để chủ động phòng chống kịp thời, hiệu quả bệnh Cúm gia cầm và ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới, UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh; Cục quản lý thị trường tỉnh; Sở Nông nghiệp & PTNT; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị có liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai tổ chức phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn theo đúng quy định của Luật Thú y và các hướng dẫn, chỉ đạo của UBND tỉnh tại các văn bản: Quyết định số 320/QĐ-UBND ngày 04/4/2019 về việc phê duyệt Kế hoạch phòng chống Cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2019-2025; Quyết định số 1668/QĐ-UBND ngày 23/11/2020 về việc phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật, thủy sản trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm 2021; Công văn số 2740/UBND-KTN ngày 27/11/2019 về việc tập trung ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vận chuyển lợn, sản phẩm lợn qua biên giới; Công văn số 3046/UBND-KTN ngày 28/12/2021 về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Cùng với đó, tập trung chỉ đạo triển khai tiêm vắc xin Cúm gia cầm đảm bảo tỷ lệ theo quy định, nhất là những khu vực có nguy cơ cao như: Thị trấn, thị tứ, trung tâm các xã, nơi chăn nuôi tập trung, nơi có trục đường giao thông chính, khu vực biên giới... Lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán bệnh và giám sát sự lưu hành của vi rút trong môi trường, tại các chợ buôn bán gia cầm sống, gia cầm nhập lậu qua biên giới (nếu có) nhằm phát hiện sớm ổ dịch để xử lý kịp thời; hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất; chủ động tổ chức Tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để tiêu diệt, hạn chế các loại mầm bệnh.

Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị chức năng, UBND các huyện, thành phố để kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, gia cầm và các sản phẩm của chúng ra, vào Việt Nam; trường hợp bắt được các lô hàng vi phạm phải lấy mẫu xét nghiệm và xử lý tiêu hủy theo quy định; chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cơ quan thú y các cấp; cung cấp đầy đủ thông tin, nguồn cung, giá các sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn; phối hợp chỉ đạo tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.

Tiếp tục thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại, nguy cơ, tính chất lây lan và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là nguy cơ về các loại dịch bệnh nguy hiểm xâm nhiễm từ nước ngoài thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép. Tuyên truyền vận động nhân dân khu vực biên giới không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trái phép; không cho, tặng, biếu và nhận quà, tặng, biếu là động vật và sản phẩm động vật qua biên giới.

Tổ chức hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh Cúm gia cầm và ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép gia cầm, lợn và các sản phẩm của chúng qua biên giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lai Châu: Quyết liệt phòng, chống bệnh Cúm gia cầm và vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO