Lai Châu: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về TN&MT

08/02/2018 15:55

(TN&MT) – Năm 2017, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh Lai Châu.

Tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường
Tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường

Đánh giá kết quả thực hiên nhiệm vụ, ông Vũ Văn Lương, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lai Châu, cho biết: Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch và nhiệm vụ được giao năm 2017, Sở TN&MT Lai Châu đã tập trung kiện toàn tổ chức, bộ máy của Sở; tiến hành rà soát, xây dựng, bổ sung bộ thủ tục hành chính đồng bộ ở cả 3 cấp. Từ đó, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực.

Cụ thể, ngành TN&MT Lai Châu đã hoàn thành công tác thống kê đất đai 2016; tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016 -2020, trình Chính phủ xét duyệt. Phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2017 các huyện, thành phố; tổng hợp danh mục dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất phát sinh trong năm 2017; ban hành bảng giá đất cụ thể cho 71 công trình, dự án; tổ chức thu hồi đất, giao đất cho thuê đất với diện tích 757,22ha. Cấp 5.072 GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; phê duyệt 67 phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư; tổ chức đấu giá thành công 6 cuộc đấu giá quyền sử dụng đất cho 53 thửa đất, thu nộp ngân sách gần 40 tỷ đồng.

Tổ chức đấu giá thành công phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường với 6 khu vực khai thác khoáng sản; cấp và cho phép khai thác 10 điểm mỏ khoáng sản, phê duyệt trữ lượng khoáng sản 2 điểm mỏ. Phê duyệt 9 báo cáo đánh giá tác động môi trường; 1 phương án cải tạo phục hồi môi trường. Xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường cho 271 dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh; đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản cho 25 dự án. Cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại cho 7 công trình. Cấp 9 giấy phép xả thải vào nguồn nước…. Tổ chức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghệp của 25 đơn vị, thu tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường trên 244 triệu đồng.

Phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, bảo vệ và giải tỏa các khu vực khai thác khoáng sản, tài nguyên nước trái phép; tích cực triển khai kế hoạch thanh, kiểm tra và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về môi trường, đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước trên địa bàn; kịp thời giải quyết dứt điểm 209 đơn kiến nghị của công dân.

Thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, bảo vệ môi trường sinh thái, tham gia hưởng ứng mít tinh kỷ niệm các ngày lễ; chủ động phối hợp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về nông thôn mới; chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu trên địa bàn.

Lai Châu tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020
Lai Châu tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020

Xác định công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh trong năm 2018 tiếp tục còn những khó khăn, vướng mắc. Để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, thời gian tới Sở TN&MT tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục kiện toàn, cơ cấu lại một số phòng, đơn vị thuộc sở theo hướng chuyển đổi mô hình hoạt động và giảm đầu mối theo tinh thần Nghị quyết TW 6 khóa XII.

Ở từng lĩnh vực cụ thể, tập trung hoàn thành điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016 – 2020 cấp huyện. Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; xây dựng kế hoạch sử dụng đất năm 2019 đối với các huyện, thành phố… Tổ chức xác định giá đất cụ thể phục vụ công tác thu hồi đất, giao đất, tính đơn giá thuê đất và giao đất có thu tiền sử dụng đất; giá khởi điểm để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất… Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm để kịp thời phát hiện, đề xuất biện pháp xử lý các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường theo thẩm quyền.

Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là rà soát, bổ sung bộ thủ tục hành chính ở các cấp, đảm bảo thống nhất, đơn giản, cắt giảm thời gian thực hiện; cung cấp các dịch vụ công trực tuyến về tài nguyên môi trường ở mức độ 3 và 4. Phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố quản lý chặt chẽ các điểm mỏ khai thác khoáng sản theo giấy phép được cấp; các đơn vị được cấp phép xả nước thải vào nguồn nước; kịp thời phát hiện, giải quyết dứt điểm nếu có vi phạm.

Đẩy mạnh thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên, bảo vệ môi trường, trong đó tập trung kiểm tra việc thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất với các dự án đầu tư công; các dự án sau khi được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; các cơ sở gây ô nhiễm; công tác kiểm tra, nghiệm thu kết quả đo đạc bản đồ...

Cùng với đó, tăng cường trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật công vụ và tinh thần phục vụ nhân dân với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành. Duy trì tốt việc tiếp công dân, xử lý dứt điểm các đơn thư khiếu nại, tố cáo và tổ tư vấn pháp luật thủ tục hành chính về tài nguyên và môi trường để kịp thời tiếp nhận những phản ánh, vướng mắc, kiến nghị và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lai Châu: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về TN&MT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO