Lai Châu: Cần siết chặt quản lý khoáng sản chưa khai thác

13/08/2019 15:23

(TN&MT) – Với nguồn khoáng sản phong phú, đa dạng, hoạt động khai thác khoáng sản có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Lai Châu. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu nguồn ngân sách nhà nước, nguy cơ tác động đến môi trường.

Lai Châu là địa phương có nguồn khoáng sản tương đối phong phú.
Lai Châu là địa phương có nguồn khoáng sản  tương đối phong phú

Lai Châu là địa phương với nguồn khoáng sản phong phú, đa dạng, từ khoáng sản nguyên liệu (vật liệu xây dựng, đá trang trí mỹ nghệ, gốm sứ...) đến khoáng sản quý hiếm (vàng, bạc, thiếc), một số khoáng sản có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực phát triển công nghiệp luyện kim (sắt, đồng, chì, kẽm...), công nghiệp điện hạt nhân (đất hiếm, uran, thori) và tài nguyên nước khoáng, nước nóng.

Ông Ngô Xuân Hùng, Trưởng phòng Khoáng sản, Tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường Lai Châu cho biết: Nhằm khai thác một cách hiệu quả khoáng sản phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đến nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã có 30 giấy phép khai thác khoáng sản. Trong đó, 3 dự án khai thác khoáng sản kim loại (Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 2 giấy phép khai thác; UBND tỉnh Lai Châu cấp 1 giấy phép khai thác); 23 giấy phép khai thác đá làm vật dụng xây dựng thông thường và 4 giấy phép khai thác cát. Cùng với đó, có 25 giấy phép thăm dò khoáng sản (trong đó có 6 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp).

Những năm qua, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Lai châu. Một số đơn vị được cấp phép thăm dò đã tự ý khai thác khoáng sản trái phép. Một số mỏ khoáng sản không thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường… Việc khai thác bừa bãi đưa đến nhiều hệ lụy khôn lường, ngoài việc làm thất thoát tài nguyên quốc gia còn gây ra những hệ lụy khác như môi trường sinh thái bị ô nhiễm; sản xuất, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn…

Hiện trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 4 đơn vị được cấp phép khai thác cát. Trong ảnh: Điểm khai thác cát tại huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
Hiện trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 4 đơn vị được cấp phép khai thác cát. Trong ảnh: Điểm khai thác cát tại huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu

Để bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, UBND tỉnh đã ban hành nhiều các văn bản quản lý khoáng sản trên địa bàn. Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Lai Châu được phê duyệt tại Quyết định 1351/QĐ-UBND ngày 02/11/2018 nhằm chấn chỉnh, lập lại trật tự, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tỉnh Lai Châu đã thực hiện ký kết các Quy chế bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại các khu vực giáp ranh giữa tỉnh Lai Châu với 4 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Sơn La và Điện Biên.

Song song với công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, tỉnh Lai Châu đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh khoáng sản trái phép. Hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường lập kế hoạch cụ thể thanh tra, kiểm tra về việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản của các tổ chức cá nhân; công tác bảo vệ khoáng sản tại các khu vực chưa cấp phép hoạt động được tăng cường, tỉnh thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về khoáng sản.

Cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Than Uyên kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản.
Cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Than Uyên kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản.

UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu UBND cấp huyện, cấp xã chủ động tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản, khi phát hiện hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép phải chủ động huy động, tổ chức ngay lực lượng để giải tỏa, ngăn chặn; lập biên bản hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân và xử lý theo thẩm quyền.

Nếu địa phương nào để hoạt động khai thác khoáng sản trái phép kéo dài trên địa bàn quản lý, gây bức xúc trong dư luận, tác động xấu đến cảnh quan môi trường, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và đời sống của người dân địa phương phải nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Trường hợp phát hiện cán bộ, công chức bao che, tiếp tay cho các hoạt động khoáng sản trái phép, trái pháp luật phải xử lý kịp thời, nghiêm minh để việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Lai Châu mang lại hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lai Châu: Cần siết chặt quản lý khoáng sản chưa khai thác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO