Môi trường

Kỳ 2: Nhiều thách thức về môi trường đối với miền Trung- Tây Nguyên

Lan Anh - Hoàng Hiệp 06/03/2024 - 14:06

(TN&MT) - Thiên tai dị thường, cực đoan, khó lường do biến đổi khí hậu (BĐKH) không chỉ gây nhiều thiệt hại, mà còn là nguyên nhân trực tiếp gây các sự cố về môi trường. Bên cạnh đó là áp lực phát triển kinh tế- xã hội, đô thị hóa... đang đè nặng lên môi trường. Đây là những thách thức lớn và gây nguy cơ ô nhiễm môi trường ở khu vực miền Trung.

Nguy cơ xảy ra sự cố môi trường liên tỉnh, trên diện rộng

Với đặc thù địa hình và thời tiết, cứ sau mùa mưa bão các bãi biển dọc miền Trung lại ngập đầy rác thải từ đại dương tấp vào và rác trôi về từ các dòng sông, kênh, rạch, gây ô nhiễm môi trường, đe dọa sức khỏe của người dân. Điển hình tại khu vực đầm nước mặn Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, rất nhiều rác thải sinh hoạt, trong đó phần lớn là rác thải nhựa bị ùn ứ biến đầm nước mặn thành “đầm rác”. Đáng nói, rác bị tích tụ đã 5 năm, sau khi nhà máy xử lý rác trên địa bàn ngừng hoạt động.

hinh5.jpg
Rác thải sinh hoạt bủa vây trên đầm nước mặn Sa Huỳnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi)

Các tỉnh, thành phố miền Trung cũng là nơi có nhiều cảng biển, cảng cá và ngoài khơi là một trong những tuyến đường biển “bận rộn” nhất thế giới, nên khu vực này thường bị ảnh hưởng bởi các sự cố tràn dầu có nguy cơ ảnh hưởng trên diện rộng. Vào mùa gió đông bắc hoạt động mạnh, thỉnh thoảng xuất hiện dầu vón cục nhỏ, li ti, không rõ nguồn gốc tấp vào các bãi biển, nhất là bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng).

Kết quả quan trắc môi trường nước biển trong giai đoạn 2020- 2022 cho thấy, tại một số khu vực, chất lượng nước biển bị ô nhiễm, chất lượng nước biển ven bờ vượt quy chuẩn đối với thông số TSS tập trung tại các bãi biển Bắc Trung Bộ (Cảnh Dương, Nhật Lệ, Triệu Lăng, Mỹ Thủy); một số khu vực chịu tác động của các hoạt động du lịch, hoat động cảng cá và cửa biển của tỉnh Bình Thuận (Cảng cá Lagi, Phan Thiết, Phan Rí Cửa) và Ninh Thuận (Khu du lịch Ninh Chữ, Cà Ná, Bình Tiên)….

hinh6.jpg
Cứ sau mùa mưa bão vùng biển xã Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi) lại ngập đầy rác thải trôi về từ thượng nguồn gây ô nhiễm môi trường và đe dọa sức khỏe của người dân

Ông Phan Xuân Hào, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Bình nhìn nhận, môi trường tỉnh Quảng Bình vẫn đang đứng trước những thách thức to lớn và vấn đề cấp bách cần được tập trung giải quyết, xử lý. Sự cố môi trường biển miền Trung tháng 4/2016 diễn ra trên diện rộng vẫn có nguy cơ xảy ra. Áp lực về chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt ngày một gia tăng…

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động kinh tế-xã hội, đô thị hóa, tăng dân số... đang đè nặng lên sức chịu tải của các dòng sông, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường dọc lưu vực sông liên tỉnh. Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam cho rằng, suy thoái, ô nhiễm môi trường nước trên lưu vực sông cũng là một trong những thách thức lớn mà hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam xác định phải ứng phó trong thời gian đến. Ô nhiễm nguồn nước xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân chính là do phải tiếp nhận chất thải từ các nguồn xả thải vào sông, suối...

kiem-tra-dakmi-1.jpg
Cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm tra chất lượng nguồn nước sông Vu Gia Thu Bồn trước lo ngại ô nhiễm từ hoạt động khai thác vàng ở thượng nguồn Quảng Nam

Bên cạnh đó, tình trạng hạ thấp mực nước các sông và xâm nhập mặn có chiều hướng cực đoan không những gây thiếu nước sinh hoạt, sản xuất cục bộ mà còn làm thay đổi rõ rệt hệ sinh thái ở hạ lưu các sông, cạn kiệt nguồn lợi thủy sản bản địa và ô nhiễm môi trường đất, đe dọa nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp dọc sông Vu Gia - Thu Bồn. Đặc biệt, mực nước sông Vu Gia tại trạm thủy văn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) và sông Yên tại đập dâng An Trạch (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) hạ thấp kỷ lục với 2 mốc kiệt lịch sử chỉ cách nhau đúng 6 tháng (xảy ra vào tháng 8/2023 và tháng 2/2024) là minh chứng rõ nét về những tác động của BĐKH và cả “nhân tai”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho rằng, Chính phủ cần có đề án tổng thể phòng, chống thiên tai cho khu vực miền Trung với trọng điểm là Quảng Nam và Đà Nẵng. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục có những nghiên cứu, đề xuất các giải pháp trong công tác phòng, chống thiên tai; quản lý tổng hợp tài nguyên nước; bảo vệ môi trường... để bảo đảm đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Thách thức của thiên tai, biến đổi khí hậu và “nhân tai”

Mưa nhiều, mưa cực đoan không chỉ gây ra nhiều thiệt hại về tính mạng, tài sản, mà còn phát sinh khối lượng rác thải lớn do nhiều vật dụng sinh hoạt trong nhà dân, cành lá cây bị biến thành rác bất đắc dĩ vì bị ngâm nước lụt. Đồng thời, còn gây những sự cố về vệ sinh, môi trường, nhất là tình trạng tràn nước rỉ rác, nước thải cũng như tình trạng rác tấp đầy các bãi biển như đã đề cập.

hinh7.jpg
Các lực lượng ra quân thu dọn rác ngập vào bờ biển miền Trung sau mỗi đợt mưa lũ

Mưa nhiều cũng làm cuốn trôi và phát tán nhiều chai lọ, bao bì đựng hóa chất bảo vệ thực vật do không được thải bỏ, thu gom đúng quy định. Ông Phan Xuân Hào cũng cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Bình còn nhiều điểm ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật từ thời kỳ hợp tác xã sản xuất nông nghiệp tập trung chưa được xử lý, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống nhân dân.

Tại tỉnh Lâm Đồng, hơn 6 năm qua, tỉnh đã thu gom được hơn 130,5 tấn bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, nhưng tỉnh chưa có đơn vị có chức năng để thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại theo quy định nên phải trả kinh phí tiêu hủy bao bì thuốc bảo vệ thực vật cao do phải vận chuyển ra xử lý ngoại tỉnh.

hinh8.jpg
Là đô thị loại I, thế nhưng đến nay Đà Nẵng vẫn chưa có nhà máy xử lý rác sinh hoạt hiện đại

Tương tự, tuy thành phố Đà Nẵng bố trí kinh phí cao để đầu tư các công trình và thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, nhưng đến nay, vẫn chưa có nhà máy xử lý chất thải nguy hại, nên phải thuê một đơn vị từ tỉnh khác thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại. Đà Nẵng vẫn chưa có nhà máy xử lý rác sinh hoạt hiện đại.

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, khu vực miền Trung và Tây Nguyên có 191 cơ sở xử lý rác sinh hoạt, trong đó chỉ có 50 bãi chôn lấp hợp vệ sinh, 105 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, 26 lò đốt, 12 cơ sở dùng công nghệ compost, 6 cơ sở dùng công nghệ xử lý khác. Bên cạnh đó, toàn khu vực chỉ có 9 cơ sở xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại với tổng công suất xử lý khoảng 169.000 tấn/năm, nên các cơ sở khác tại miền Bắc và miền Nam đang tham gia thu gom và xử lý chất thải nguy hại tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

hinh9.jpg
Bộ TN&MT đầu tư, trang bị trạm quan trắc chất lượng môi trường không khí tại Đà Nẵng.

Nguồn lực thực hiện và đầu tư cho công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường còn hạn chế; Số lượng trạm quan trắc tự động, liên tục tại khu vực đang còn ít; Nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường từ ngân sách và vốn đầu tư từ các chương trình, dự án đầu tư mặc dù đã được bố trí nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu; Việc huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, xã hội hóa bảo vệ môi trường chưa đủ mạnh… đang là những thách thức không nhỏ đối với công tác bảo vệ môi trường ở khu vực miền Trung.

Cùng với đó, vẫn còn tình trạng lợi dụng thiên tai, đặc biệt là trời mưa để xả thải. Mới đây nhất, vào ngày 4/1/2024, Công ty TNHH Sức Trẻ bị các cơ quan chức năng thành phố Đà Nẵng phát hiện dòng nước đục và có mùi hôi chảy từ hệ thống thoát nước của công ty vào hệ thống thoát nước mưa của Khu công nghiệp Liên Chiểu. Trước đó, vào tháng 12/2010, công ty này cũng bị bắt quả tang đang xả trộm nước thải trực tiếp ra môi trường và bị UBND thành phố Đà Nẵng xử phạt 225 triệu đồng.

anh.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh lưu ý các đơn vị trực thuộc các tổng cục, cục, cơ quan, đơn vị của Bộ tại miền Trung kịp thời dự báo, cảnh báo thiên tai, kiểm soát môi trường...

Vào tháng 8/2023, tại buổi thăm, động viên các cán bộ, công chức, viên chức 8 đơn vị trực thuộc các tổng cục, cục, cơ quan, đơn vị của Bộ TN&MT tại miền Trung đang đóng trụ sở ở Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh đã lưu ý các đơn vị kịp thời dự báo, cảnh báo thiên tai, kiểm soát môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về môi trường.

“Khu vực miền Trung và Tây Nguyên là địa bàn mưa lắm, nắng nhiều, thường xuyên chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai. BĐKH đã thể hiện rất rõ, thiên tai không còn đúng quy luật tự nhiên. Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, Chi cục Địa chất tại miền Trung phải dự báo sớm, chuẩn xác về thiên tai; chủ động cảnh báo thiên tai cho các địa phương,

Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường phải tăng cường kiểm tra và xử lý ô nhiễm ngay từ khi phát hiện. Cơ quan Thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại miền Trung phải xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm và có sự nhạy bén để đánh giá, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm về môi trường”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Từ năm 2016 đến 2022, Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Trung và Tây Nguyên tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường đối với hơn 400 cơ sở trên địa bàn 16 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên, đã tham mưu ban hành xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường với tổng số tiền xử phạt là gần 18 tỷ đồng.

Kỳ 3: Cần liên kết phòng chống nguy cơ ô nhiễm môi trường và ứng phó với BĐKH

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ 2: Nhiều thách thức về môi trường đối với miền Trung- Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO