Tổ chức khám sàng lọc bệnh bạch hầu tại xã Hải Yang, huyện Đăk Đoa, Gia Lai |
Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Sở Y tế thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bạch hầu tại xã Hải Yang, huyện Đăk Đoa; khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan ra ngoài địa bàn; tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; lấy mẫu xét nghiệm đối với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh và mang trùng bệnh; triển khai tốt công tác vệ sinh môi trường tại địa phương có ca bệnh theo quy định và khuyến cáo của Bộ Y tế…
UBND tỉnh Kon Tum cũng ban hành Văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc, khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ nhằm kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh bạch hầu, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Sở Y tế Kon Tum đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp khống chế các ổ dịch: Hạn chế đi lại vùng dịch, cách ly điều trị các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh; điều tra dịch tễ, lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần, lấy mẫu xét nghiệm; vệ sinh môi trường, phun hóa chất xử lý ổ dịch…
Cả 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum đã tổ chức khám sàng lọc để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; rà soát, đẩy mạnh công tác tiêm chủng cho các đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng tại các xã có ổ dịch; truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch bệnh bạch hầu cho người dân trên địa bàn...
Tính tới ngày 6/7, trên địa bàn tỉnh Gia Lai phát hiện 10 trường hợp dương tính với bạch hầu, trong đó có 01 người tử vong. Tại tỉnh Kon Tum, ngành Y tế đã phát hiện 22 trường hợp dương tính với bạch hầu, trong đó 12 người đã xuất hiện các dấu hiệu của bệnh, 10 người mang trùng bệnh. Hiện, tất cả các ca nhiễm bệnh bạch hầu tại 2 tỉnh đều đang được cách ly theo quy định.
Trước diễn tiến của dịch bệnh bạch hầu, ngày 5/7, UBND huyện Đăk Đoa đã thống nhất chủ trương cho toàn bộ học sinh tại xã Hải Yang nghỉ học 01 tuần, bắt đầu từ ngày 6/7. Đồng thời tuyên truyền để học sinh hạn chế đi ra ngoài, đối với giáo viên thì tiến hành vệ sinh, khử khuẩn, đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch.
Tại Kon Tum, từ ngày 3/7, 37 trường học trên địa bàn từ bậc Mầm non đến THCS cũng đã nghỉ học để phòng, chống bệnh bạch hầu. Trong thời gian này, các trường tổ chức tổng dọn vệ sinh, khử trùng. Đồng thời, hướng dẫn các em học sinh cách phòng bệnh bạch hầu trong quá trình nghỉ học; tránh gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho phụ huynh và học sinh về dịch bệnh.