Kinh nghiệm quản lý thu hồi và tiêu hủy các chất F-Gas

Trung Dũng| 15/01/2021 15:57

(TN&MT) - Được sự hỗ trợ của Bộ Môi trường Nhật Bản, Trung tâm Phát triển xanh, phối hợp với Tập đoàn Marubeni, Công ty E&E Solutions tổ chức hội thảo theo hình thức trực tuyến với chủ đề “Quản lý , thu hồi và tiêu hủy các chất F-Gas - Kinh nghiệm quốc tế và dự án thử nghiệm ở Việt Nam".

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến

Phát biểu khai mạc, ông Mai Văn Huyên giám đốc Trung tâm phát triển xanh cho biết: Trong những năm qua, Việt Nam đã chủ động tham gia bảo vệ tầng ozone và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ ngày 1/1/2010 Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ozone CFC, Halon và CTC; loại trừ hoàn toàn tiêu thụ HCFC-141b nguyên chất được sử dụng trong sản xuất xốp và cấm sử dụng Methyl Bromide cho các ứng dụng ngoài mục đích kiểm dịch hàng xuất khẩu từ ngày 1/1/2015. Qua đó đáp ứng nghĩa vụ loại trừ 10% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC.

Thực tế, bên cạnh những nỗ lực loại trừ thành công các chất làm suy giảm tầng ozone, Việt Nam vẫn phải đối mặt với thách thức mới đó là xu hướng gia tăng sử dụng các chất có tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao như hydro-fluoro-carbon (HFC). Theo lộ trình đã được thông qua, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, sẽ ngưng tiêu thụ các chất HFC từ năm 2024 ở mức cơ sở và loại trừ các chất HFC. Đến năm 2045 lượng tiêu thụ các chất HFC sẽ giảm 80% so với lượng tiêu thụ cơ sở.

Được biết, Việt Nam là một trong những nước sớm gia nhập Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone, cam kết tuân thủ các quy định của Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal. Mặc dù việc tiêu hủy R22 đã được thực hiện tại Việt Nam vào năm 2016 trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy xây dựng Bệnh viện xanh thông qua nâng cao sử dụng năng lượng hiệu quả và môi trường tại Việt Nam”, việc này vẫn chưa được nhận rộng và Việt Nam hiện vẫn thiếu các quy định về thu gom và tiêu hủy F-gas, do đó một lượng lớn F-gas được sử dụng cho các thiết bị như điều hòa, tủ lạnh, xe ô tô… đều thải vào khí quyển, gây ảnh hưởng đến môi trường.

Hội thảo sẽ là nơi các nhà quản lý, chuyên gia về môi trường chia sẻ các kinh nghiệm, công nghệ và chính sách thu hồi/ tiêu huỷ các chất F-gas trên thế giới; chính sách và định hướng quản lý, tiêu huỷ các chất F-gas của Việt Nam.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm quản lý thu hồi và tiêu hủy các chất F-Gas
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO