Ra quân đồng bộ
Huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương có 4 con sông lớn bao bọc với chiều dài khoảng 85 km, gồm các sông Kinh Môn, Kinh Thầy, Đá Vách và Hàn Mấu, giáp với 6 huyện, thành phố trong và ngoài tỉnh. Dưới lòng các con sông có trữ lượng lớn cát vàng, cát trắng, cát đen, sỏi cuội, đây là nguồn khoáng sản dồi dào, có giá trị kinh tế cao.
Những năm gần đây, tình trạng KTCTP diễn ra khá đa dạng trên khắp các tuyến sông của Kinh Môn. Những khu vực nổi cộm như địa bàn các xã Lê Ninh, Lạc Long, Minh Hòa, Hiến Thành và Thị trấn Kinh Môn. Các tàu KTCTP với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Rất nhiều tầu từ nhiều địa phương khác đến đây khai thác trộm. Kinh Môn là một trong những địa bàn trọng điểm của tỉnh thường xuyên xảy ra nạn KTCTP. Những điểm nổi cộm trong KTCTP Ở Kinh Môn đó là khu vực gần bến cảng, bãi neo đậu trên sông Kinh Thầy của Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương. Tại điểm này do nạo vét xuống quá sâu và dòng chảy biến đổi đã làm sạt lở bãi sông nguy hiểm, cách chân đê chỉ còn 10m; điểm bãi mầu ngoài đê thuộc thôn Phương Quất, xã Lạc Long, nơi những năm qua đã bị KTCTP với diện tích 45.000 m3. Nơi đây nhiều năm là điểm nóng trong phòng chống KTCTP.
Trung tá Phạm Chí Hiếu, Trưởng Công an huyện Kinh Môn cho biết, thực hiện Đề án “Phòng, chống khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Hải Dương” của UBND tỉnh năm 2016, UBND huyện Kinh Môn sớm thành lập Ban chỉ đạo phòng chống khai thác cát trái phép, đồng thời chủ động giao cho Công an huyện là lực lượng nòng cốt trong công tác này. Công an huyện Kinh Môn Tích cực tham mưu cho lực lượng liên ngành để kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi KTCTP; tăng cường kiểm tra phát hiện xử lý tình trạng KTCTP và hoạt động của các bến bãi trên địa bàn; điều tra, xác minh làm rõ vi phạm về quản lý đê điều, thủy lợi có dấu hiệu của tội phạm.
Huyện Kinh Môn đã triển khai thực hiện Đề án của tỉnh tới tất cả các xã có đê sông, yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng canh giữ, phòng chống nạn KTCTP trên địa bàn. Địa phương nào để xảy ra tình trạng KTCTP, lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm.
Trong năm 2018, Công an huyện phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức trên 90 cuộc tuần tra, đã phát hiện, lập hồ sơ 32 vụ việc, xử lý 32 đối tượng KTCTP trên sông với tổng số tiền phạt 504,5 triệu đồng. Công an huyện thường xuyên phối hợp với Cảnh sát giao thong tỉnh, bắt giữ một số tàu KTCTP, bàn giao cho Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh Hải Dương) đề nghị UBND tỉnh xử phạt theo quy định. Có những ngày lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý tới 4 tầu KTCTP, cả 4 tầu đều ở TP Hải Dương. Có nhiều đêm, chúng hoạt động ở nhiều điểm khác nhau, nhưng lực lượng và phương tiện có hạn, không thể triển khai đồng thời các điểm.
Còn đó những khó khăn
Trong những tháng đầu năm 2019, tình hình KTCTP vẫn còn nhiều phức tạp. Các đối tượng KTCTP khá đa dạng, đó là lực lượng ngay trong huyện, các huyện, thành phố trong tỉnh và các tỉnh bạn như Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Đêm 12-4, trên sông Kinh Môn, khu vực giáp ranh Kinh Môn với Nam Sách và Kim Thành, lực lượng Cảnh sát đường thủy tuần tra phát hiện 4 tàu thép đang khai thác cát lòng sông trái phép.Những người điều khiển phương tiện được xác định gồm: ông Đặng Văn Cường (SN 1968, quê phường Đáp Cầu, TP. Bắc Ninh), điều khiển tàu BN-1458, công suất 410cv, trọng tải 900 tấn(đang có 194 m3 cát); ông Đỗ Văn Biển (SN 1985, quê huyện Tiên Yên, Bắc Giang), điều khiển tàu BN-1138, công suất 300cv, trọng tải 927 tấn(125 m3 cát); ông Nguyễn Văn Huy (SN 1976, quê phường Kim Châu, TP. Bắc Ninh), điều khiển tàu BN-1383, công suất 410cv, tải trọng 700 tấn (99 m3 cát); ông Nguyễn Văn Tuyên (SN 1989, quê huyện Lạng Giang, Bắc Giang), điều khiển tàu BN-1397, công suất 410cv, trọng tải 700 tấn(14 m3 cát). Lực lượng chức năng kiểm tra, cả 4 người điều khiển phương tiện đã thừa nhận hành vi khai thác cát trái phép, nhưng đều không xuất trình được các giấy tờ theo yêu cầu.
Các đối tượng tới địa bàn Kinh Môn KTCTP thường thực hiện vào ban đêm và gần sáng. Chúng sử dụng nhiều hình thức như hút trực tiếp lên tầu; dùng tàu hút nhưng không chứa cát mà sang mạn một tàu khác hoặc đi rà để hút cát dưới đáy sông. Các tàu hút cát trái phép sử dụng nhiều người quan sát dọc hai triền đê. Có lực lượng tuần tra là báo cho tầu dừng hút, cơ động sang địa phương khác, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Chúng còn cho người trực điểm neo đậu ca nô của Công an, khi ca nô di chuyển hướng tới các điểm KTCTP chúng thông tin cho các tàu di chuyển sớm. Một số địa phương trong huyện chưa thực sự quyết liệt trong công tác phòng chống KTCTP.
Trong thời gian tới, tình hình KTCTP trên địa bàn huyện Kinh Môn dự báo còn nhiều diễn biến phức tạp, đặt ra những thách thức với cơ quan quản lý tài nguyên, khoáng sản và lực lượng chức năng trong việc phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh xử lý hành vi KTCTP.
Trước tình hình đó, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án “Phòng chống khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Kinh Môn” đã chỉ đạo và đưa ra nhiều giải pháp để phòng chống và ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi KTCTP. Công an huyện Kinh Môn tiếp tục tham mưu cho UBND các xã, thị trấn tổ chức các đợt phát động phong trào nhân dân tham gia phòng chống KTCTP; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm pháp luật, tích cực phát hiện, tố giác và đấu tranh với hành động KTCTP.
Tổ chức thực hiện thường xuyên công tác rà soát, thống kê bổ sung chủ phương tiện, các phương tiện KTCTP trên địa bàn. Điều tra các tuyến, địa bàn trọng điểm thường xảy ra KTCTP; vận động quần chúng nhân dân phát hiện, thông tin kịp thời quy luật, thời gian, địa điểm, cách thức các đối tượng KTCTP.
Lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra nhằm kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên các tuyến sông, không để hình thành điểm nóng trong KTCTP. Gắn trách nhiệm của chủ tịch UBND xã nếu để xảy ra tình trạng KTCTP diễn ra liên tục. Tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án khai thác mỏ hoặc dự án nạo vétthu hồi cát để chấn chỉnh, xử lý sai phạm; tăng hình thức xử phạt để đủ sức răn đe, rút giấy phép nếu dự án vi phạm, áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu phương tiện, vật dụng để khai thác cát trái phép. Tổ chức lực lượng kiểm tra, tổ chức, cá nhân vận chuyển, tàng trữ kinh doanh cát không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Có hành vi xử lý thích đáng với những người có chức năng nhưng có hành vi tiếp tay, bao che cho “cát tặc”.