Kiên quyết nói không với đồ nhựa dùng một lần

Mai Chi| 08/08/2019 12:32

(TN&MT) - Chiến dịch nói không với đồ nhựa dùng một lần đang lan rộng  mạnh mẽ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước và được nhiều người ủng hộ.

DSC 5876
Người dân sử dụng chai thủy tinh thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần. Ảnh: Hoàng Minh

Thêm những cảnh báo

Theo các nhà khoa học Mỹ và Canada, các loại cốc nhựa dùng một lần được sản xuất từ loại nhựa Polystyrene (thường gọi là PS), khi gặp nhiệt độ thấp hoặc nhiệt độ cao có thể giải phóng ra chất Styrene vô cùng độc hại. Đây là một chất gây ung thư, có thể phá hủy DNA trong cơ thể người, gây dị tật thai nhi, rối loạn hệ thần kinh (mệt mỏi, căng thẳng, mất ngủ), ảnh hưởng đến nồng độ máu (lượng tiểu cầu thấp, gây đột qụy)… Đặc biệt, chất Styrene là rất dễ xâm nhập vào cơ thể. Và dù nhiễm độc với nồng độ nhỏ, cũng có thể để lại hậu quả xấu đối với sức khỏe.

Ngoài ra, trong các sản phẩm nhựa còn chứa chất BPA được chứng minh có khả năng gây ung thư, tác động đến não làm chậm phát triển, gây viêm gan, rối loạn nội tiết và vô sinh. Nếu đựng thực phẩm nóng ở nhiệt độ 100oC, trong nhựa sẽ được giải phóng, ngấm vào thức ăn, gây tổn hại nghiêm trọng cho gan và gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho con người.

Không chỉ dùng cốc nhựa, túi ni lông, hiện nay, ở Việt Nam còn phổ biến tình trạng dùng hộp xốp để đựng thức ăn. Một nhà nghiên cứu về sức khỏe - ông Effa Baffo Gyamfi cho biết, chất hóa học trong các hộp xốp có thể làm giảm lượng tinh trùng ở nam giới. Những người đàn ông trẻ tuổi liên tục ăn đồ ăn trong các hộp xốp hàng ngày có thể mắc chứng sưng tiến tiền liệt sau này.

Điều đáng nói là các chai nhựa, túi ni lông, hộp xốp sau khi thải ra môi trường sẽ bị phân hủy thành những hạt Microplastic và phân tán vào đất, vào nguồn nước và sẽ hấp thụ những hạt nhựa micromet trong rau, củ quả, động vật hoặc gia súc, hải sản, chúng ăn vào cũng bị nhiễm.

Theo quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, những vật dụng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm dùng trong ăn uống nói chung và đồ nhựa dùng một lần nói riêng thuộc diện phải kiểm soát chặt chẽ về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy vậy, cho đến nay, chất lượng mặt hàng này vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Mặt hàng đồ nhựa dùng một lần được bày bán tràn lan với giá rẻ. Tại một số làng nghề thủ công truyền thống vẫn còn tình trạng sử dụng công nghệ lạc hậu để tinh chế nhựa, sau đó, nấu thành hạt nhựa để bán cho người sản xuất. Trong khi đó, công nghệ này không thể giúp loại bỏ được tạp chất độc hại có trong nhựa.

Trong tháng 8, nhiều nơi triển khai  chống rác thải nhựa

Trước những hiểm họa nêu trên, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ, mục tiêu đến năm 2025, sẽ không sử dụng đồ nhựa dùng một lần trên cả nước. Với quyết tâm từ Chính phủ, nhiều địa phương, Bộ, ngành đã hưởng ứng Chiến dịch Chống rác thải nhựa khá quyết liệt.

Địa phương đi đầu và sớm nhất trong chiến dịch nói không với đồ nhựa dùng một lần một cách quy mô có thể kể đến tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từ ngày 17/5, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát động Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” và buộc các cán bộ, công chức, viên chức ký cam kết “nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”.

Ngày 1/8, kế hoạch “Chống rác thải nhựa” giai đoạn 2019 - 2021 của UBND TP.HCM cũng chính thức có hiệu lực. Theo đó, các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn thành phố phải có kế hoạch cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong cuộc họp, hội nghị, hội thảo và hoạt động khác. Cụ thể là hạn chế sử dụng nước uống đóng chai trong công sở, hội họp, chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn (trên 20 lít), hoặc tự đun nấu, sử dụng các vật dụng chứa đựng sử dụng nhiều lần, thân thiện môi trường. Đặc biệt, không dùng ly nhựa, ống hút nhựa... sử dụng một lần trong tất cả hoạt động hằng ngày của cơ quan Nhà nước.

Tại TP. Hải Phòng, từ đầu tháng 8, các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Văn phòng UBND TP. Hải Phòng đã không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần như chai đựng nước, ly, ống hút trong các hội nghị, hội thảo và hoạt động hằng ngày. Ngoài ra, UBND huyện đảo Cát Hải đã vận động 300 tiểu thương buôn bán trong chợ Cát Bà không sử dụng túi ni lông khi bán hàng; triển khai cho các khách sạn, nhà hàng thực hiện việc không sử dụng túi ni lông; thí điểm không sử dụng đồ nhựa dùng một lần ở một số khách sạn. Ở khách sạn Sea Pearl, nhiều sản phẩm thay thế đồ nhựa dùng một lần như ống hút giấy, cốc làm từ tre đã được đưa vào sửa dụng.

Từ đầu tháng 8/2019, Sở Công Thương Hà Nội triển khai kế hoạch “chống rác thải nhựa” trong sản xuất công nghiệp, phân phối giai đoạn 2019  - 2020. TP. Hà Nội đề ra chỉ tiêu 100% doanh nghiệp sản xuất và phân phối trên địa bàn thành phố cam kết phòng chống rác thải nhựa đến cuối năm 2020. Với doanh nghiệp sản xuất, tỷ lệ nguyên liệu nhựa dùng trong sản xuất sẽ giảm dần và bảo đảm được việc rác thải phát sinh từ nhà máy phải được thu gom, phân loại từ nguồn... Sở Du lịch Hà Nội cũng ban hành Công văn 435 yêu cầu các đơn vị, cá nhân kinh doanh du lịch triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông, ống hút nhựa, cốc nhựa dùng một lần…

Tới đây, sẽ có thêm một địa phương quyết liệt trong việc nói không với các sản phẩm nhựa. Tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu, từ ngày 1/9, tất cả các loại hình dịch vụ trên vịnh Hạ Long gồm tàu du lịch, chèo thuyền kayak, xuồng cao tốc, điểm bán hàng trên vịnh Hạ Long... sẽ ngừng bán, sử dụng đồ uống, ống hút được đóng bằng nhựa, nhất là loại dùng một lần. Ngoài doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tại Hạ Long phải cam kết nói không với "rác thải nhựa", du khách cũng được khuyến cáo không nên mang vật dụng có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường khi đến tham quan, lưu trú tại vịnh Hạ Long.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên quyết nói không với đồ nhựa dùng một lần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO