Tài nguyên nước

Kịch bản nguồn nước: Chủ động để phục vụ dân sinh

Nguyễn Thủy - Việt Khang - Việt Anh 29/11/2024 - 08:51

(TN&MT) - Kịch bản nguồn nước là cơ sở để các ngành có khai thác, sử dụng nước và các địa phương trong lưu vực sông xây dựng, điều chỉnh kế hoạch khai thác, sử dụng nước, từ đó sẽ chủ động ứng phó với tình trạng thiếu nước, thừa nước từ sớm, từ xa và hạn chế được các thiệt hại.

kich-ban-nuoc.png

Kịch bản nguồn nước là cơ sở để các ngành có khai thác, sử dụng nước và các địa phương trong lưu vực sông xây dựng, điều chỉnh kế hoạch khai thác, sử dụng nước, từ đó sẽ chủ động ứng phó với tình trạng thiếu nước, thừa nước từ sớm, từ xa và hạn chế được các thiệt hại.

kich-ban-nuoc-1-.png

Theo quy định tại khoản 5 Điều 35 của Luật Tài nguyên nước năm 2023 thì “Hằng năm, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh, tổ chức lưu vực sông và tổ chức khác có liên quan xây dựng và công bố kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông thuộc danh mục lưu vực sông liên tỉnh phải lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh". Việc xây dựng kịch bản nguồn nước cho 13 lưu vực sông tại Việt Nam là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, lần đầu tiên được triển khai thực hiện.

kich-ban-nuoc-2-.png

Báo cáo “Hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn” của Ngân hàng Thế giới vừa qua đã chỉ ra việc sử dụng nước ở Việt Nam còn kém hiệu quả, lãng phí. Theo đó, tổng lượng nước sử dụng cho nông nghiệp chiếm hơn 80%, nhưng mỗi đơn vị mét khối nước chỉ tạo ra 2,37 USD GDP, thấp hơn cả mức trung bình của Lào là 2,53 USD, trong khi mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD.

Khi hiệu quả sử dụng nước thấp thì lượng nước dùng cho sản xuất sẽ phải nhiều hơn và chi phí sản xuất sẽ cao hơn. Vì thế, việc chưa chú trọng tới nâng cao hiệu quả sử dụng nước ở các cơ sở sản xuất nói chung, đặc biệt là ở các cơ sở sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy - hải sản nói riêng sẽ khiến giá thành sản phẩm làm ra cao hơn. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới tính cạnh tranh về hàng hóa và lợi nhuận của cơ sở sản xuất, người dân.

2991610769425(1).jpg
Công trình thuỷ điện A Lưới (Thừa Thiên-Huế)

Bên cạnh đó, việc sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả còn góp phần khiến an ninh nguồn nước của nước ta bị thách thức nghiêm trọng hơn. Sự thiếu nước trầm trọng vào mùa khô ở Tây Nguyên một phần rất lớn là do khai thác nước quá mức, sử dụng nước lãng phí và thiếu hiệu quả trong trồng trọt.

Mặt khác, mặc dù Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã có quy định về điều hòa, phân phối tài nguyên nước nhưng còn chung chung, mang tính nguyên tắc và không quy định các hành động cụ thể, chưa phân định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương, tổ chức cá nhân khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, đặc biệt là còn có sự giao thoa trong công tác điều hòa, phân bổ nguồn nước giữa Bộ TN&MT và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong Luật Tài nguyên nước và Luật Thủy lợi.

Theo đó, khi xảy ra hạn hán thiếu nước như năm 2015 - 2016 và năm 2019 - 2020 thì bộ, ngành, địa phương nào cũng thực hiện các giải pháp ứng phó cho ngành, lĩnh vực, địa phương của mình mà không có sự phối hợp và không có bộ nào chủ trì, đồng thời, các giải pháp thực hiện vẫn còn mang tính ứng phó, khắc phục mà chưa có những giải pháp từ sớm, từ xa để phòng tránh, chủ động thích nghi với điều kiện hạn hán thiếu nước trên lưu vực. Đây là một trong những vấn đề tồn tại lớn nhất đã được các chuyên gia chỉ ra trong quá trình tổng kết Luật Tài nguyên nước năm 2012.

kich-ban-nuoc-3-.png

Để công tác điều hòa, phân phối tài nguyên nước hiệu quả, chủ động các giải pháp từ sớm, từ xa để phòng tránh tác hại do hạn hán, thiếu nước gây ra, điểm mấu chốt của Luật Tài nguyên nước năm 2023 đã quy định việc thống nhất việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước. Trong đó giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh và tổ chức khác có liên quan xây dựng, công bố kịch bản nguồn nước làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước phù hợp với kịch bản nguồn nước. Trường hợp có dự báo nguồn nước ở trạng thái thiếu nước, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để xây dựng và tổ chức thực hiện phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước góp phần giải quyết cơ bản mâu thuẫn, chồng chéo trong quản lý, điều hòa phân phối và khai thác tài nguyên nước.

Ông Châu Trần Vĩnh - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, việc xây dựng kịch bản nguồn nước cho 13 lưu vực sông tại Việt Nam là nhiệm vụ lần đầu tiên được triển khai thực hiện.

Thực hiện nhiệm vụ được Bộ TN&MT giao, thời gian qua, Cục Quản lý tài nguyên nước đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc Bộ TN&MT tổ chức nhiều cuộc họp để nghiên cứu, thống nhất các phương pháp tiếp cận, xây dựng Kịch bản nguồn nước cho 13 lưu vực sông liên tỉnh. Đồng thời, lãnh đạo Cục Quản lý tài nguyên nước đã thống nhất phân công cụ thể các nội dung, phạm vi thực hiện cho từng cơ quan, đơn vị có liên quan để bảo đảm tiến độ theo kế hoạch đã được Bộ ban hành.

01-cong-trinh-thuy-loi.jpg
Công trình thuỷ lợi trên sông Cái Lớn, Kiên Giang – Siêu công trình thủy lợi lớn nhất Việt Nam.

Theo ông Châu Trần Vĩnh, kịch bản nguồn nước được xây dựng trên cơ sở hiện trạng nguồn nước trên các lưu vực sông, dự báo khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước và các dữ liệu về hiện trạng nguồn nước mặt, nước dưới đất, hiện trạng tích trữ nước trong các hồ chứa trên lưu vực sông, mực nước trong các tầng chứa nước; nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước; dự báo xu thế diễn biến lượng mưa, lượng dòng chảy, lượng nước tích trữ tại các hồ chứa, mực nước trong các tầng chứa nước trong năm; đánh giá mức độ hạn hán, thiếu nước trên các lưu vực sông.

kich-ban-nuoc-5-.png

Theo đó, kịch bản nguồn nước là cơ sở để các ngành có khai thác, sử dụng nước (như: Nông nghiệp, công thương, cấp nước,...) và các địa phương trong lưu vực sông xây dựng, điều chỉnh kế hoạch khai thác, sử dụng nước, từ đó sẽ chủ động được cơ cấu mùa vụ, cây trồng,... chủ động ứng phó với hạn mặn từ sớm, từ xa và hạn chế được các thiệt hại.

Cũng theo ông Châu Trần Vĩnh, điểm mấu chốt đặc biệt quan trọng của kịch bản nguồn nước là xác định được trạng thái của nguồn nước, trạng thái của nguồn nước phản ánh khả năng của nguồn nước và mức độ đáp ứng các nhu cầu khai thác, sử dụng nước trên lưu vực sông. Theo đó, trạng thái nguồn nước được xác định, công bố trong kịch bản nguồn nước hằng năm và là cơ sở để cảnh báo, định hướng, xây dựng phương án và thực hiện việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông, tiểu lưu vực sông.

Cùng với đó, căn cứ kịch bản nguồn nước được công bố, hiện trạng và diễn biến nguồn nước, dự báo khí tượng thủy văn, Bộ TN&MT quyết định việc cập nhật kịch bản nguồn nước để phục vụ xây dựng kịch bản nguồn nước của các bộ, UBND cấp tỉnh.

Nguyễn Thủy

kich-ban-nuoc-7-.png

Theo quy định tại khoản 4 Điều 35 của Luật Tài nguyên nước và khoản 1 Điều 42 Nghị định 53/2024/NĐ-CP, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh và tổ chức khác có liên quan xây dựng, công bố kịch bản nguồn nước trên 13 lưu vực sông. Thực hiện nhiệm vụ được giao, đến nay, Bộ TN&MT đã hoàn thành việc xây dựng kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình và Cửu Long với kỳ công bố kịch bản được tính toán, đánh giá trong mùa cạn 2024 - 2025 (từ tháng 12/2024 đến tháng 6/2025).

Đây là cơ sở quan trọng để giúp các bộ, ngành, địa phương đưa ra cảnh báo, định hướng, xây dựng phương án và thực hiện việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên các lưu vực sông.

kich-ban-nuoc-8-.png

Dựa vào số liệu tính toán, phân tích, ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết, tổng nhu cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình từ tháng 12/2024 đến tháng 6/2025 vào khoảng 9.701 triệu m3 (nước dưới đất chiếm khoảng 7,2% nước mặt chiếm khoảng 92,8%), trong đó lưu vực sông Đà là 811 triệu m3, lưu vực sông Thao khoảng 665 triệu m3, lưu vực Cầu - Thương khoảng 1.580 triệu m3, lưu vực Lô - Gâm 1.016 triệu m3 và đồng bằng Sông Hồng khoảng 5.630 triệu m3.

Theo tính toán, so với năm 2024, nhu cầu khai thác sử dụng nước của các ngành trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình trong năm 2025 cũng như trong kỳ công bố kịch bản có xu thế giảm khoảng 0,34%. Trong các vùng sử dụng nước, vùng đồng bằng sông Hồng - Thái Bình vẫn là khu vực có khả năng sử dụng nhiều nước nhất.

17b03020-tckt-02.jpg

Về mặt cơ cấu sử dụng nước, không có sự thay đổi đáng kể nào giữa các ngành dùng nước, trong đó nhu cầu cho tưới vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất khoảng 65% tổng nhu cầu sử dụng nước, tiếp đến là thủy sản với 20% tổng nhu cầu và thấp nhất là chăn nuôi với khoảng 1% tổng nhu cầu dùng nước. Trên cơ sở kết quả dự báo xu thế diễn biến nguồn nước mặt, nguồn nước dưới đất, khí tượng thủy văn trên các lưu vực sông Hồng - Thái Bình, nhu cầu sử dụng nước, yêu cầu về nguồn nước trên lưu vực phục vụ cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp, thủy điện, công nghiệp,… và các yêu cầu về đảm bảo an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, theo kịch bản, dự báo các tháng cuối năm 2024 và đến tháng 6/2025, về tổng thể nguồn nước các hồ chứa lớn, quan trọng, nguồn nước trên các lưu vực sông, tiểu lưu vực sông cơ bản sẽ đáp ứng đủ các nhu cầu sử dụng nước và nguồn nước sẽ ở trạng thái bình thường, lượng nước có thể khai thác đảm bảo đủ cho các nhu cầu sinh hoạt, an sinh xã hội; đảm bảo đầy đủ lượng nước cho các ngành kinh tế, bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, theo dự thảo kịch bản, hiện vẫn còn một số tiểu vùng, tiểu lưu vực, một số xã, huyện thuộc các địa phương như Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang và Bắc Giang vẫn có khả năng xảy ra thiếu nước cục bộ và nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ có khả năng thiếu nước ở các tiểu vùng là năng lực lấy nước và số lượng của các công trình khai thác, công trình, hệ thống công trình thủy lợi còn thiếu, chưa đồng bộ. Đối tượng chịu ảnh hưởng các vùng này chủ yếu đến sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân.

kich-ban-nuoc-9-.png

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Hà, nếu như kịch bản nguồn nước trên sông Hồng - Thái Bình được xây dựng dựa trên các biến số về hiện trạng nguồn nước, lượng nước tích trữ tại các hồ chứa lớn trên lưu vực; dự báo diễn biến các yếu tố khí tượng thủy văn và nhu cầu sử dụng nước cho các ngành thì trái lại kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Cửu Long tiếp cận chủ yếu dựa vào việc đánh giá, dự báo lượng nước từ thượng nguồn về, kết hợp thông tin, số liệu về mức độ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đã xảy ra của các năm điển hình trong quá khứ để nhận định trạng thái nguồn nước, định hướng việc khai thác, sử dụng nước của các ngành trên vùng ĐBSCL.

Theo tính toán trong dự thảo kịch bản, tổng nhu cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành trên lưu vực sông Cửu Long từ tháng 11/2024 đến tháng 5/2025 vào khoảng 24.912 triệu m3, trong đó sinh hoạt và công nghiệp khoảng 1.110 triệu m3, tưới cho cây trồng khoảng 19.084 triệu m3, sử dụng nước cho thuỷ sản 4.701 triệu m3 và chăn nuôi khoảng 17,1 triệu m3.

So với năm 2024, nhu cầu khai thác sử dụng nước của các ngành trên lưu vực sông Cửu Long trong năm 2025 cũng như trong kỳ công bố kịch bản có xu thế tăng khoảng 0,83%. Trong các vùng sử dụng nước, vùng N3 (Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long) có nhu cầu sử dụng nước nhiều nhất tập trung vào các tháng 1, 2.

tai-nguyen.jpg

Về mặt cơ cấu sử dụng nước, không có sự thay đổi đáng kể nào giữa các ngành dùng nước: nhu cầu cho tưới vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất khoảng 77% tổng nhu cầu sử dụng nước, tiếp đến là thủy sản với 19% tổng nhu cầu, sinh hoạt và công nghiệp khoảng 4,5% và thấp nhất là chăn nuôi với khoảng dưới 1 % tổng nhu cầu dùng nước.

Trên cơ sở hiện trạng, dự báo xu thế diễn biến nguồn nước, khí tượng, thủy văn trên lưu vực sông, nhu cầu sử dụng nước, đặc thù khai thác, sử dụng nước của các ngành sử dụng nước lớn trên lưu vực như sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp,… và các yêu cầu về đảm bảo an ninh nguồn nước, an ninh lương thực. Về tổng thể nguồn nước đến trên vùng ĐBSCL cơ bản sẽ đáp ứng đủ các nhu cầu sử dụng nước và nguồn nước trong kỳ công bố sẽ ở Trạng thái bình thường, lượng nước có thể khai thác đảm bảo đủ cho các nhu cầu sinh hoạt, an sinh xã hội; đảm bảo đầy đủ lượng nước cho các ngành kinh tế, bảo vệ môi trường.

kich-ban-nuoc-10-.png

Tuy nhiên, nguy cơ thiếu nước cục bộ vẫn có thể xảy ra tại một số tỉnh như: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang với nguyên nhân chủ yếu do xâm nhập mặn và hệ thống các công trình thủy lợi, hệ thống các công trình cấp nước tập trung chưa được hoàn thiện đồng bộ; ngoài ra còn có tình trạng một số khu vực chưa được đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng để phục vụ nước cho sản xuất, sinh hoạt do nằm tại vùng sâu, vùng xa, các hộ dân sống phân tán như tại các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, Tịnh Biên của tỉnh An Giang.

Dựa vào kịch bản nguồn nước, Bộ TN&MT cũng đưa ra khuyến nghị để đưa ra cảnh báo, định hướng, xây dựng phương án và thực hiện việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông Cửu Long cho các bộ, ngành, địa phương.

Việt Khang

kich-ban-nuoc-11-.png

Với quan điểm phát triển thủy lợi vùng ĐBSCL là phục vụ chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; Lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, nước ngọt, nước mặn, nước lợ đều là tài nguyên; Tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, chủ động sống chung với lũ, nước lợ, nước mặn, thời gian tới, các địa phương cần xây dựng kế hoạch sử dụng nước phù hợp, chủ động “hành động sớm” các kịch bản ứng phó.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, ĐBSCL đã, đang và vẫn là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước, với nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, có lợi thế cạnh tranh cao. Tuy nhiên, Đồng bằng đang chịu các tác động ngoại biên, không thể đảo ngược, bao gồm việc phát triển thượng lưu sông Mê Công làm suy giảm phù sa và thay đổi quy luật dòng chảy; biến đổi khí hậu, nước biển dâng và cuối cùng là tác động do phát triển nội tại gây sụt lún đất, hạ thấp lòng dẫn các dòng sông ở mức độ rất nghiêm trọng.

Trước những tác động kép tiêu cực, đề xuất các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước cho vùng ĐBSCL, PGS.TS Nguyễn Phú Quỳnh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nhấn mạnh, việc phát triển vùng ĐBSCL cần theo hướng thích nghi có kiểm soát. Chủ động tạo ra chế độ nước hợp lý trên nền chế độ tự nhiên, làm giảm mức độ rủi ro, bấp bênh trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Hướng đến một đồng bằng thịnh vượng, bền vững và giàu bản sắc.

song-vam-co-tay.png

Với quan điểm phát triển thủy lợi vùng ĐBSCL là phục vụ chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; Lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, nước ngọt, nước mặn, nước lợ đều là tài nguyên; Tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, chủ động sống chung với lũ, nước lợ, nước mặn; để đảm bảo an ninh nguồn nước, PGS.TS Nguyễn Phú Quỳnh đề xuất, thời gian tới, các địa phương cần xây dựng kế hoạch sử dụng nước phù hợp, chủ động “hành động sớm” các kịch bản ứng phó.

Trong đó, các giải pháp phi công trình mang yếu tố quyết định được PGS.TS Nguyễn Phú Quỳnh xác định là công tác điều hành phải phù hợp với điều kiện nguồn nước như tăng cường công tác dự báo, tuyên truyền về sản xuất phù hợp với tình hình nguồn nước, đẩy sớm thời vụ để né hạn mặn…

Đối với giải pháp công trình, PGS.TS Quỳnh nhấn mạnh đến các giải pháp công trình trữ nước trong hệ thống kênh, rạch các cấp của các hệ thống thủy lợi hiện nay có. Do đó, giải pháp trữ nước cần được các địa phương quan tâm trong thời gian tới. Có thể trữ nước trong mương vườn bằng cách lên liếp, tạo mương trữ nước giữa các hàng cây, đào ao, bể phân tán quy mô hộ, nhóm hộ gia đình. Hay trữ nước trên ruộng (đối với lúa) trước thời điểm dự báo có đợt xâm nhập mặn, bơm nước lên ruộng ở mức tối đa khả năng cho phép của cây trồng. Trữ nước trong lu, bể, các dụng cụ trữ nước phục vụ sinh hoạt cho các hộ dân phân tán, nguồn nước khó khăn trong mùa khô.

Riêng với giải pháp thủy lợi nội đồng, trong bối cảnh vùng ĐBSCL đang triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao, cần hình thành các ô thủy lợi hoàn thiện, đồng bộ để chủ động cấp nước, tiêu thoát nước, trữ nước, đáp ứng được các yêu cầu hiện đại hóa trong sản xuất.

Việt Anh

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kịch bản nguồn nước: Chủ động để phục vụ dân sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO