Khuyến khích phát triển phương tiện giao thông “xanh”

Khánh Ly| 20/05/2020 18:09

(TN&MT) - Bộ TN&MT vừa báo cáo Thủ tướng về giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí (ÔNKK) và giảm phát thải khí nhà kính (KNK) thông qua chính sách hỗ trợ phát triển phương tiện giao thông sử dụng năng lượng tái tạo. Theo đó, Bộ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; phân công các bộ, ngành liên quan thực hiện các quy định mới về kiểm soát ÔNKK, giảm phát thải KNK, hỗ trợ phát triển sản xuất và sử dụng các phương tiện giao thông

Thực hiện nhiệm vụ giảm phát thải bắt buộc

Theo Báo cáo kỹ thuật kiểm kê quốc gia KNK của Việt Nam năm 2014 (Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2018), lĩnh vực năng lượng (bao gồm hoạt động GTVT) chiếm phần lớn lượng phát thải KNK tại Việt Nam. Báo cáo quốc gia cập nhật lần thứ ba lên Công ước khung Liên Hợp quốc về Biến đổi Khí hậu của Việt Nam cũng chỉ ra, ngành GTVT đã và sẽ tiếp tục là nguồn phát thải khí nhà kính đáng kể, thải ra 30,6 triệu tấn CO2tđ, tương ứng với 10,76% tổng lượng phát thải CO2tđ. Trong đó, giao thông đường bộ chiếm gần 90% lượng phát thải toàn ngành.

Để kiểm soát ÔNKK, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 1/6/2016 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 phê duyệt Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu của Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Nếu giai đoạn 2016 – 2020, giảm nhẹ phát thải KNK là hoạt động được ngành GTVT “khuyến khích” thực hiện thì sang giai đoạn 2021 – 2030, đây sẽ là nhiệm vụ “bắt buộc”.

Việt Nam cần bắt nhịp xu hướng chuyển đổi sang sử dụng phương tiện dùng điện hoặc nhiên liệu là khí tự nhiên

Đồng bộ với các giải pháp kiểm soát, Chính phủ, Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và các địa phương đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ sửa đổi Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Trong đó, bổ sung chủng loại xe ô tô thân thiện môi trường được áp dụng chương trình ưu đãi thuế đối với linh kiện ô tô nhập khẩu giai đoạn 2018-2022.

Bộ TN&MT đã ban hành theo thẩm quyền các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường không khí; thiết lập hệ thống thông tin, tổng hợp số liệu quan trắc, đánh giá chất lượng không khí qua trang thông tin điện tử chính thức và phần mềm ứng dụng Envisoft. Từ đó đưa ra cảnh báo, khuyến nghị để người dân biết và phòng tránh, bảo vệ sức khỏe. Bộ GTVT đã xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành các chính sách, tiêu chuẩn và quy chuẩn về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật cho xe điện. Bộ Tài chính đã ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường…

Từ năm 2019, Bộ TN&MT tập trung sửa đổi và cụ thể hóa các nội dung quản lý chất lượng không khí, chính sách thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét trong kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra. Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đã bổ sung một số điều khoản quy định chi tiết về trách nhiệm của các bộ, ngành trong công tác quản lý môi trường không khí; ưu đãi, hỗ trợ phát triển sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm sản phẩm thân thiện với môi trường để cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống cho cộng đồng.

“Trải đường” cho phương tiện xanh

Chính phủ và các bộ, ngành đã xác định rõ những vấn đề hạn chế trong việc sử dụng phương tiện dùng nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu diesel) và sự cần thiết chuyển đổi sang sử dụng phương tiện dùng điện hoặc nhiên liệu là khí tự nhiên. Đây cũng là giải pháp của rất nhiều quốc gia từ hơn hai thập kỷ qua, nhằm giảm thiểu ÔNKK và giải quyết vấn đề năng lượng, khi trữ lượng nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt.

Xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ dần bị thay thế

Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về quản lý và định hướng phát triển phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, phương tiện giao thông sử dụng năng lượng tái tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo nhằm kiểm soát chất lượng môi trường không khí, giảm phát thải khí nhà kính do các hoạt động của các phương tiện GTVT.

Cụ thể, Bộ TN&MT đề xuất trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; phân công các bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện các quy định mới về kiểm soát ÔNKK, giảm phát thải khí nhà kính và hỗ trợ phát triển sản xuất và sử dụng các phương tiện GTVT thân thiện với môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi. Trên cơ sở đó, ban hành Nghị quyết của Chính phủ về kiểm soát ÔNKK, trong đó có nội dung các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích các phương tiện GTVT thân thiện với môi trường như xe điện, phương tiện sử dụng nhiên liệu tái tạo.

Bộ cũng kiến nghị giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển các phương tiện giao thông thân thiện môi trường. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT khẩn trương rà soát, chỉnh sửa và tham mưu, trình Chính phủ bổ sung đối tượng xe ô tô thân thiện môi trường gồm: xe ô tô chạy điện, xe hybrid, xe sử dụng hoàn toàn nhiên liệu sinh học, xe chạy bằng khí nén thiên nhiên CNG vào chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô; sửa đổi, bổ sung Thông tư số 212/2015/TT-BTC ngày 31/12/2015 và Thông tư số 128/2016/TT-BTC ngày 09/8/2016 phù hợp với Khoản 22, Điều 2 của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường; xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường như xe điện, phương tiện sử dụng nhiên liệu CNG.

Kiến nghị giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng kế hoạch đảm bảo nhu cầu nguồn điện để sạc cho các phương tiện giao thông chạy điện; quy hoạch hệ thống trạm sạc điện các phương tiện giao thông chạy điện; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu đề xuất các chính sách khai thác, chế biến nguyên liệu (lithium, coban…) phục vụ cho sản xuất pin xe điện.

Giao Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải và lộ trình áp dụng đối với phương tiện giao thông lắp ráp, nhập khẩu mới, phương tiện nhập khẩu đã qua sử dụng và phương tiện đang lưu hành; xây dựng, ban hành tiêu chí thân thiện môi trường và chứng nhận nhãn sinh thái đối với sản phẩm xe điện; xây dựng và ban hành quy trình, kế hoạch thu hồi, tái chế, xử lý thiết bị, ắc quy từ xe điện.

Những chính sách này nếu được xây dựng có thể “trải đường” cho việc phát triển các loại phương tiện giao thông thân thiện với môi trường tại Việt Nam một cách mạnh mẽ trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khuyến khích phát triển phương tiện giao thông “xanh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO