Khuất tất của Công ty Bảo Long (Hải Dương): Bài 3: Ngang nhiên xây dựng và hoạt động cảng không phép

Trần Tuấn - Xuân Vũ| 26/11/2019 10:13

(TN&MT) - Chưa có phép xây dựng bến cảng, chưa có giấy chứng nhận đầu tư chế biến than, chưa có quyết định giao đất, Công ty Cổ phần Sản xuất, Kinh doanh và Dịch vụ Bảo Long (Công ty Bảo Long) đã tự ý xây dựng bến cảng, lắp ráp dây chuyền chế biến than và đi vào vận hành từ hơn 1 năm qua, bất chấp sự vào cuộc xử phạt của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Xây dựng, vận hành cảng không phép

Theo Đại diện Tổ Phú Thái (Cảng vụ Cống Câu) thì Bến cảng thủy của Công ty Bảo Long là bến cảng hoạt động chưa có phép, nên Cảng vụ chưa quản lý. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, Tổ Phú Thái chứng kiến doanh nghiệp này xây dựng mố cảng, nhiều tàu thuyền cập cảng bốc dỡ hàng hóa. Cảng vụ chỉ quản lý khi các cảng thủy, bến thủy nội địa khi có phép của cơ quan chức năng. Thời gian qua, Cảng vụ có tham gia cùng đoàn liên ngành kiểm tra các hoạt động của các bến bãi trên địa bàn.

 Công ty Bảo Long xây dựng và vận hành cảng không phép, chính quyền tỉnh Hải Dương ở đâu?

Khi Phóng viên hỏi, Công ty Bảo Long mới có Quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh, chưa có giấy phép xây dựng cảng thủy nội địa đã xây dựng bến cảng; chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý đã triển khai hoạt động dây chuyền chế biến than, tổ chức kinh doanh than và có những vi phạm, vì sao Kinh Môn để doanh nghiệp tự tung tự tác, phải chăng chính quyền bất lực? Ông Bùi Xuân Lộc, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Kinh Môn phản ứng ngay: Làm gì có chuyện chính quyền Kinh Môn bất lực trước doanh nghiệp!

Đại diện Tổ Phú Thái (Cảng vụ Cống Câu) làm việc với phóng viên Báo TN&MT.

Huyện Kinh Môn (nay là thị xã) đã thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra toàn bộ bến bãi, trong đó có khoảng 50 bến kinh doanh than, chỉ có gần 20 bến bãi hoạt động có phép. Chính quyền đã xử phạt các doanh nghiệp vi phạm trên 1,5 tỷ đồng, trong đó có Công ty Bảo Long bị xử phạt 50 triệu đồng.

Không phải xử phạt để cho qua, cho tồn tại. Công ty Bảo Long phải hoàn thiện về mặt thủ tục pháp lý của trong việc chế biến than, về xây dựng cảng, về thủ tục đất đai… Huyện phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật. UBND huyện (nay là thị xã) đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với lực lượng Cảnh sát Biển, kiểm tra làm rõ các hoạt động chế biến, kinh doanh than của 3 doanh nghiệp Công ty Bảo Long, Công ty TNV Hải Dương và Công ty TNHH Phạm Trường HD liên quan tới vụ việc tàu Nam Vỹ 79 bị bắt giữ hồi tháng 6/2019.

Kinh Môn chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra làm rõ hoạt động chế biến kinh doanh than của các doanh nghiệp liên quan tới vụ việc tàu Nam Vỹ 79

Ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng phòng Kinh tế Thị xã Kinh Môn, Trưởng đoàn liên ngành kiểm tra bến bãi của Thị xã Kinh Môn cho biết Công ty Bảo Long có nhiều vi phạm về môi trường, về thủ tục xây dựng, thủ tục chế biến than và nhiều vi phạm, thiếu sót khác, chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương khắc phục. Ông Nguyễn Xuân Hạ cũng cho biết thêm: Công ty TNHH TNV Hải Dương cũng không có trong danh sách hoạt động bến bãi ở xã Duy Tân.

Ông Trần Văn Tuyên, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị Thị xã Kinh Môn cho biết, Công ty Bảo Long đề xuất dự án từ 2017, trên cơ sở các dự án lò gạch thủ công cũ. Các ngành đã để họp phê duyệt chủ trương đầu tư, thực hiện quy hoạch xây dựng cảng, xử lý đất sản xuất gạch sang đất bến bãi chế biến, kinh doanh than. Tuy nhiên, thủ tục về đất đai của doanh nghiệp này chưa hoàn thiện. Việc xây dựng mố cảng, bến cảng phòng chưa nắm rõ, việc chế biến than cũng chưa nắm được. Về mặt hồ sơ pháp lý, công ty mới dừng ở quy hoạch, chưa được cấp phép xây dựng cảng, chế biến than, chưa chính thức giao đất thì doanh nghiệp chưa đủ điều kiện hoạt động.

Cần xử lý nghiêm vi phạm

Việc các doanh nghiệp vào xin dự án, đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Hải Dương có rất nhiều và hầu hết các dự án cứ triển khai khi thủ tục pháp lý chưa xong. Việc để doanh nghiệp hoạt động trước khi đủ thủ tục như Công ty Bảo Long, chính quyền tỉnh Hải Dương không kiểm soát các hoạt động của doanh nghiệp này, cũng như các doanh nghiệp liên quan là sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm. Chỉ trong vụ tàu Nam Vỹ 79, cả 3 doanh nghiệp liên đới là Công ty Bảo Long, Công ty TNV Hải Dương và Công ty TNHH Phạm Trường HD đều có nhiều vi phạm, chính quyền Thị xã Kinh Môn và tỉnh Hải Dương không kiểm soát nổi, thể hiện năng lực, trách nhiệm của chính quyền các cấp (!?).

Bến cảng thủy của Công ty Bảo Long là bến cảng hoạt động chưa có phép, nên Cảng vụ chưa quản lý, tiềm ẩn các hoạt động phi pháp, cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý đảm bảo an ninh trật tự địa bàn.

Doanh nghiệp đăng ký rồi hoạt động ở đâu, làm gì, câu kết với nhau thế nào để tiêu thụ than không rõ nguồn gốc, nhập nhèm hồ sơ, hợp đồng để lừa đảo, qua mắt lực lượng chức năng hòng trốn thuế. Rõ ràng những hệ lụy của nó có nguyên nhân chính trong việc quản lý hoạt động của doanh nghiệp, mà đó là việc để doanh nghiệp hoạt động không tuân thủ theo quy dịnh của pháp luật. Cấp xã không biết doanh nghiệp cần có các thủ tục gì mới được hoạt động, mới là hợp pháp; Cấp huyện không nắm được toàn bộ hồ sơ của doanh nghiệp; cấp tỉnh không sát sao chỉ đạo, phối hợp quản lý, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp “qua mặt” với chính quyền và cơ quan chức năng, coi thường kỷ cương phép nước.

Khi phóng viên tới làm việc, ông  Phạm Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Long Xuyên hết lời ca ngợi Công ty Bảo Long hoạt động tốt, chấp hành tốt các quy định, “ủng hộ” các hoạt động của địa phương. Ông Giang thông tin: Đây là doanh nghiệp hoạt động từ năm 2018 trên địa bàn, hoạt động có phép, có quy hoạch có đánh giá tác động môi trường, hồ sơ đầy đủ. Nhưng liệu ông Phạm Văn Giang có biết, Công ty Bảo Long khi đi vào hoạt động đã được tỉnh giao giấy chứng nhận quyền sở hữu đất chưa, đã có quyết định cho phép xây dựng bến cảng chưa, đã có quyết định cho phép chế biến than chưa…?

Đã tới lúc UBND Thị xã Kinh Môn, các địa phương, các ngành chức năng trên địa bàn thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải dương khẩn trương kiểm tra, rà soát lại hoạt động của 3 doanh nghiệp Công ty Bảo Long, Công ty TNV Hải Dương và Công ty TNHH Phạm Trường HD theo yêu cầu của Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam trong việc chế biến, kinh doanh than vụ tàu Nam Vỹ 79 cũng như hoạt động thực tại; việc thực hiện nghĩa vụ thuế và các khoản nộp ngân sách; lợi dụng việc buông lỏng trong quản lý, bất chấp pháp luật câu kết làm các thủ tục giấy tờ cho các lô hàng không rõ nguồn gốc, hòng trốn thuế của Nhà nước. Nếu các doanh nghiệp vi phạm cần xử lý nghiêm theo pháp luật hiện hành; làm rõ những người bao che cho doanh nghiệp hoạt động trái phép, không đủ phép, mượn cớ thành lập doanh nghiệp rồi tự tung tự tác "làm xiếc" qua mặt chính quyền.

Thị xã Kinh Môn cũng cần xem xét lập lại trật tự hoạt động doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh tài nguyên khoáng sản, sử dụng bến bãi kinh doanh nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu xây dựng.

Báo Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thông tin vụ việc.                                       

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khuất tất của Công ty Bảo Long (Hải Dương): Bài 3: Ngang nhiên xây dựng và hoạt động cảng không phép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO