Khu tái định cư Nà Sài - Minh Ngọc - huyện Bắc Mê (Hà Giang): Những khó khăn cần tháo gỡ

24/09/2013 00:00

Đã bao mùa rẫy xa quê cũ, về cơ bản các hộ dân nơi đây đã có cuộc sống tương đối ổn định.

(TN&MT) - Sau 8 năm rời "chốn cũ" để dành phần đất của mình cho lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, 105 hộ dân thôn Kim Thạch được chuyển về nơi tái định cư mới, thôn Nà Sài, xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê. Đã bao mùa rẫy xa quê cũ, về cơ bản các hộ dân nơi đây đã có cuộc sống tương đối ổn định. Tuy nhiên, những khó khăn hiện tại đã và đang là những trăn trở của chính quyền xã Minh Ngọc cũng như huyện Bắc Mê về đời sống của người dân khu tái định cư này.
   
  Đây là nơi ở của 105 hộ dân khu tái định cư vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, thôn Nà Sài, xã Minh Ngọc. Thoạt tiên, khi đi qua tuyến đường này, nhìn dãy nhà sàn kiên cố bắt mắt, chạy dọc tuyến huyện lộ vào Bắc Mê rất đẹp và ấn tượng. Bởi, đây đã từng là khu tái định cư "kiểu mẫu" của huyện Bắc Mê trong chiến dịch di dân vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. 8 năm sinh sống tại đây, đã qua bao mùa rãy, từ "làng lên phố" người dân tái định cư không khỏi ngỡ ngàng và rồi cuộc sống đông đúc cũng đã dần quen với đồng bào. Hình ảnh về cuộc sống nơi quê cũ giờ chỉ là những hoài niệm trong ký ức mỗi người dân.
   
  Và đây là hình ảnh chúng tôi ghi lại được, những căn nhà đóng im ỉm, cửa khóa, không bóng dáng chủ nhà, tường mốc xanh, mốc đỏ, phía dưới gầm sàn nhà không có hoạt động gì của một gia đình. Đem những thắc mắc này hỏi ông Bí thư Chi bộ thôn Nà Sài thì được biết: Một số hộ dân tại khu tái định cư này do thiếu đất sản xuất nên đã trở lại quê cũ để canh tác, sản xuất mong kiếm thêm thu nhập nuôi sống gia đình. Nếu ở đây thì không có đất sản xuất và hiện tượng các hộ gia đình trở lại quê cũ dựng lều sản xuất đã mấy năm nay đã thành quen thuộc, chỉ khi nào họp thôn thì trưởng thôn điện thoại gọi họ về họp!. Điều này lý giải vì sao mà nhà của một số hộ dân luôn cửa đóng, then cài. 105 hộ với 432 khẩu, nhưng lại có đến gần một nửa số hộ trở lại quê cũ để sản xuất do thiếu đất canh tác. Khu tái định cư bề thế như vậy, lại không có trụ sở thôn, hạ tầng cống rãnh thoát nước, nhà ở đang xuống cấp khiến mỗi hộ dân không tránh khỏi những băn khoăn, lo lắng về cuộc sống của gia đình mình.
   
  Chia sẻ với phóng viên, ông Lã Văn Đồng - Bí thư Chi bộ thôn Nà Sài, xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê cho biết: "Thiếu đất sản xuất, hạ tầng xuống cấp, các ngôi nhà tái định cư thì chật hẹp, không phù hợp với đời sống nông thôn đang là những khó khăn đang hiện hữu đối với các hộ dân thôn Nà Sài. Toàn thôn có 15 hộ nghèo và khoảng 30% hộ cận nghèo".
   
   
   
  Thay đổi môi trường sống khi từ làng lên phố khiến cho sự hòa nhập rất khó khăn. Nằm ở vị trí trung tâm của xã nhưng các hộ dân nơi đây vẫn sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi nhỏ lẻ là chính. Các hoạt động dịch vụ không phát triển đang là trở ngại đối với bà con. Các hộ nghèo đã cố gắng nhưng vẫn không thể thoát nghèo do thiếu vốn, thiếu đất canh tác. Anh Lã Văn Giang là một ví dụ điển hình. Anh cho biết: Gia đình được cấp 270m2 đất ở gần 1000m2 đất sản xuất dù đã cố gắng nhưng năm nào nhà anh cũng thiếu lương thực từ 3- 4 tháng, dù được hưởng các chính sách an sinh xã hội nhưng cơ hội thoát nghèo đối với gia đình mình quả là khó do không có đất sản xuất.
   
  Ông Nguyễn Văn Xoan - Chủ tịch UBND xã Minh Ngọc cho biết: Dù được về nơi tái định cư này gần 8 năm nhưng hiện tại đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn, do quỹ đất sản xuất nông nghiệp còn ít, hạ tầng thiếu đồng bộ nên một số hộ dân đã trở lại quê cũ tìm đất canh tác. Hiện Nà Sài có 28,5 ha đất lúa, 12 ha đất mầu với diện tích đất canh tác như thế này thì đem chia bình quân đầu người chẳng được là bao. Thế nên, hiện tượng các hộ nghèo và cận nghèo khó có thể giảm được nếu tính theo tiêu chí chuẩn nghèo mới.
   
  Còn ông Nguyễn Thế Nghiệp - Trưởng phòng Dân tộc huyện Bắc Mê cho hay: Với mức hỗ trợ bình quân 400 triệu đồng/hộ khi về khu tái định cư Nà Sài, ngoài tiền đền bù, trong định mức hỗ trợ gồm nhà ở và 270 - 300 m2 đất ở; được hỗ trợ 7 triệu tiền mua đất sản xuất; hỗ trợ gạo trong 2 năm đầu mỗi khẩu 30kg/tháng; hỗ trợ 2 năm tiền điện thắp sáng/hộ. Thì đến thời điểm hiện nay khi mà những hỗ trợ đã hết thì cuộc sống của người dân phải tự lực là chính. Nhân khẩu tăng, đất canh tác thì ít, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước khiến nhiều hộ không tự năng động tìm hướng đi cho gia đình mình thoát nghèo. Các chính sách an sinh xã hội của nhà nước chỉ hỗ trợ những năm đầu, còn người dân vẫn phải tự lực là chính. Một nghịch lý xảy ra, ở hầu hết các hộ dân tái định cư không riêng gì Nà Sài, là khi nhận được một khoản tiền lớn người dân không biết làm gì để đồng tiền sinh sôi, thường là các hộ dân mua sắm vật dụng, chi tiêu không có kế hoạch dẫn đến khi hết tiền lại trở về điểm xuất phát ban đầu. Và bài toán xóa nghèo luôn là bài toán khó giải. Người lớn không có việc làm, trẻ em, thanh niên thì chơi bi a đang là hiện tượng phổ biến tại Nà Sài. Do vậy, tư tưởng dựa vào chính sách an sinh xã hội của người dân đang là sự cản trở trong ý thức vươn lên thoát nghèo của họ.
   
  Đem những câu hỏi về những khó khăn hiện tại của người dân khu tái định cư thôn Nà Sài xã Minh Ngọc, chúng tôi được ông Triệu Trung Hiệp - Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê lý giải. "Việc người dân nhường phần đất nơi mình gắn bó bao đời nay, để cho thủy điện Tuyên Quang hoạt động. Những hộ dân tại 4 xã của huyện Bắc Mê gồm Ngọc Minh; Thượng Tân; Lạc Nông; Thị trấn Yên Phú đã phải hy sinh rất nhiều. Với 399 hộ, 2.307 nhân khẩu phải di dời đến nơi ở mới, như thôn Nà Sài là ví dụ điển hình. Dù đã được Nhà nước quan tâm, nhưng nơi này, nơi kia hạ tầng, đất sản xuất còn thiếu cũng còn do nhiều yếu tố khách quan về quỹ đất sản xuất có hạn, nguồn vốn đầu tư chưa đồng bộ phần nào ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân. Việc này huyện Bắc Mê đã có nhiều nỗ lực và những khó khăn, vướng mắc trên cần từng bước tháo gỡ mới có thể vơi đi những khó khăn cho người dân".
   
  Chính sách dân tộc, chính sách an sinh cho người dân tái định cư rõ ràng cần thực hiện cụ thể và thực thi đồng bộ, thì mới phát huy hiệu quả. Hy vọng, bằng những nỗ lực của mình huyện Bắc Mê sẽ linh hoạt giải quyết để người dân vùng lòng hồ yên tâm sinh sống, lao động sản xuất tại nơi ở mới.
 Trường Giang
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khu tái định cư Nà Sài - Minh Ngọc - huyện Bắc Mê (Hà Giang): Những khó khăn cần tháo gỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO