Khơi thông dòng vốn cho tăng trưởng xanh
(TN&MT) - Cần ban hành danh mục phân loại xanh quốc gia nhằm tạo cơ chế pháp lí rõ ràng, thuận lợi để khơi thông dòng vốn cho tăng trưởng xanh.
Nhiều rào cản trong phát triển tín dụng xanh
Sáng 26/11, tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp cùng Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh - Hướng tới mục tiêu Net Zero".
Chia sẻ tại hội thảo TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho biết, giai đoạn 2017 - 2022 dư nợ cấp tín dụng xanh của hệ thống đối với các ĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 23%/năm.
Dẫn ví dụ cụ thể, ông Bình cho biết, nếu như năm 2017, tại Việt Nam mới chỉ có 5 tổ chức tín dụng tham gia tín dụng xanh thì đến nay con số này đã tăng lên 50 tổ chức tín dụng, phát sinh dư nợ tín dụng xanh đạt khoảng 650 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt dư nợ tín dụng mà các tổ chức tín dụng khi cấp tín dụng đánh giá về các rủi ro môi trường đã tăng lên khoảng 3,2 triệu tỷ đồng trong tổng số dư nợ của cả hệ thống là 15 triệu tỷ đồng. “Đây là những tín hiệu đang mừng trong việc tăng trưởng tài chính xanh tại Việt Nam. Các ngân hàng, định chế tài chính đang dần quan tâm đến thị trường tín dụng xanh”, ông Bình nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Bình, tỷ trọng tín dụng xanh vẫn còn rất khiêm tốn. Dư nợ tín dụng xanh chỉ chiếm 4,32% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Các khoản vay tín dụng xanh chủ yếu được tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, lĩnh vực quản lý bền vững.
Trong giai đoạn gần đây, tín dụng có xu hướng dịch chuyển sang một số lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu như quản lý chất thải, giao thông và xây dựng bền vững vẫn còn rất hạn chế.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, ông Bình cho rằng, hiện nay tính thanh khoản trên thị trường tài chính xanh Việt Nam còn thấp do nhận thức về tài chính xanh còn hạn chế, nhiều nhà đầu tư chưa quan tâm tới sản phẩm này.
Trong khi đó, nguồn cung của thị trường còn hạn chế do thiếu các dự án xanh và chưa có nhiều tổ chức phát hành. “Động lực tăng trưởng của thị trường tài chính xanh tại Việt Nam giai đoạn 2015 đến nay chủ yếu đến từ định hướng chính sách của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, chưa xuất phát từ thị trường”, ông Bình nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Phương Nam – Đánh giá viên quốc tế Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (UNFCCC) cho biết, tính đến giữa năm 2024, dư nợ tín dụng xanh chiếm 4,7% tổng dư nợ của cả nền kinh tế. Trong giai đoạn 2018 - 2023, dư nợ tín dụng xanh có xu hướng tăng trưởng cao hơn so với tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng xanh hiện ở mức 12-14%. Đáng chú ý, giai đoạn 2018 - 2021 dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng lên tới 30%.
Mặc dù vậy, ông Nam cho rằng, hiện nay việc triển khai tín dụng xanh trong nước vẫn đang gặp nhiều rào cản như thiếu xác định, phân loại và hướng dẫn về dự án xanh. Cùng với đó, các khung hướng dẫn quản lý rủi ro ESG vẫn chưa đẩy đủ. Năng lực của cán bộ về quản lý rủi ro ESG còn hạn chế; Việc xác định các tổ chức độc lập đáng tin cậy để chứng nhận còn khó khăn. Ngoài ra là các vấn đề về chính sách và quy định, tiếp cận các nguồn vốn trong nước.
Khơi thông dòng vốn xanh
Để khơi thông dòng vốn xanh, ông Nam cho rằng cần sự chung tay của Ngân hàng Nhà nước, các định chế tài chính, tổ chức tín dụng. Theo đó, Ngân hàng nhà nước cần phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện và ban hành danh mục phân loại xanh quốc gia nhằm tạo cơ chế pháp lí rõ ràng, thuận lợi để triển khai các công cụ kinh tế hỗ trợ hoạt động tài trợ xanh của các tổ chức tín dụng.
Song song cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lí hướng dẫn thực hiện ngân hàng xanh, tín dụng xanh cho các tổ chức tín dụng.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực xây dựng, hoạch định và triển khai chính sách tín dụng xanh, tài chính xanh. Cùng với đó là đàm phán tìm kiếm các nguồn tài trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước để triển khai các hoạt động tín dụng xanh; xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực và dự thảo điều khoản tham chiếu hỗ trợ thực hiện JETP.
Với các Ngân hàng thương mại, cần hoàn thiện và đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng xanh phù hợp với nhu cầu của từng doanh nghiệp. Đồng thời huy động nguồn vốn dài hạn cho các dự án xanh bền vững thông qua phát hành trái phiếu xanh phù hợp với thông lệ quốc tế.
Xây dựng khung quản lý rủi ro ESG tuân theo các tài liệu tham khảo quốc tế và các công ty tư vấn độc lập. Nâng cao năng lực trong thẩm định, đánh giá, quản lý rủi ro môi trường cũng như báo cáo thông tin trong hoạt động cấp tín dụng.
TS. Lại Văn Mạnh - Trưởng ban Kinh tế tài nguyên và môi trường Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường nhìn nhận, để thúc đẩy tài chính xanh và kinh tế tuần hoàn một cách hiệu quả, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm. Trước hết, cần nâng cao nhận thức và kiến thức của cộng đồng thông qua các chương trình truyền thông và giáo dục. Đây là nền tảng quan trọng để xã hội hiểu rõ vai trò của tài chính xanh và kinh tế tuần hoàn trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật là điều cần thiết. Cần xây dựng danh mục phân loại các lĩnh vực xanh, cùng với đó là các chính sách ưu đãi và hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức tài chính tham gia. Một lộ trình thực thi phù hợp cũng cần được thiết lập, đảm bảo khả năng triển khai linh hoạt theo điều kiện cụ thể của từng vùng miền, lĩnh vực và địa phương.
Ngoài ra, cho phép thử nghiệm các cơ chế, chính sách mới, tạo đột phá cho tín dụng xanh, tài chính xanh. Đồng thời, ban hành thêm các biện pháp hỗ trợ tài chính và tổ chức các ủy ban, nhóm công tác liên ngành để phối hợp thực hiện các chương trình một cách đồng bộ và hiệu quả.