Agribank thúc đẩy tăng trưởng xanh, hướng tới phát triển bền vững
Với vị thế ngân hàng chủ lực trong phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank xác định thúc đẩy tăng trưởng xanh, hướng tới phát triển bền vững là nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm phát triển kinh tế xanh từ “Tam nông”.
Tính đến hết Quý III/2024, dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực xanh của Agribank đạt hơn 28.000 tỷ đồng, tài trợ vốn xanh cho hơn 42.000 khách hàng hiện hữu. Trong đó, các lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất là năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; lâm nghiệp bền vững và nông nghiệp xanh.
Dư nợ lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đạt hơn 15.000 tỷ đồng, chiếm 54% tổng dư nợ tín dụng xanh, tiếp đến là lĩnh vực lâm nghiệp bền vững với dư nợ hơn 6.800 tỷ đồng, chiếm 24,3% tổng dư nợ tín dụng xanh và lĩnh vực chủ lực thứ ba là nông nghiệp xanh với dư nợ hơn 5.800 tỷ đồng, chiếm 20,8% tổng dư nợ tín dụng xanh.
Nhiều năm liền, Agribank dành nguồn vốn ưu đãi tài trợ các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực xanh đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện thành công các dự án xanh mang lại nguồn lợi cho đất nước, hướng đến phát triển bền vững. Agribank ưu tiên cấp tín dụng tài trợ các dự án năng lượng mới, năng lượng tái tạo như dự án điện gió, điện mặt trời và thủy điện nhỏ. Những dự án này không chỉ góp phần giảm phát thải khí nhà kính, tiến tới mục tiêu Net Zero của Chính phủ mà còn tạo động lực phát triển kinh tế xanh tại địa phương.
Xác định cho vay nông nghiệp, nông dân, nông thôn là trọng tâm với dư nợ cho vay chiếm gần 65% tổng dư nợ nền kinh tế, Agribank nhận định thúc đẩy tăng trưởng xanh hiệu quả chính là thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững. Agribank đã chủ động đồng hành tư vấn sản phẩm dịch vụ tài chính phù hợp và cấp tín dụng linh hoạt đối với hộ nông dân và doanh nghiệp áp dụng mô hình nông nghiệp xanh, sạch, chất lượng cao tại các địa phương. Hơn 40,000 mô hình xanh trên cả nước đang được tài trợ bởi nguồn vốn từ Agribank.
Ngân hàng dành nguồn vốn ưu đãi cũng khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư công nghệ tiên tiến vào quy trình sản xuất, giúp tiết kiệm tài nguyên, giảm tác động tiêu cực tới môi trường và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tại Agribank, khách hàng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP được vay vốn không có đảm bảo bằng tài sản lên tới 1 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại hoặc tối đa 80% tổng mức đầu tư dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Được sự tin tưởng giao nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước, Agribank là ngân hàng chủ lực triển khai cho vay Đề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn thí điểm từ nay đến hết năm 2025 và tiếp tục triển khai chương trình đến hết năm 2030. Ngân hàng sẽ giảm lãi suất tối thiểu 1%/năm so với lãi suất cho vay của kỳ hạn tương ứng đáp ứng nhu cầu vốn ngắn, trung, dài hạn của tất cả các khâu (sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ) trong liên kết lúa gạo, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam trong việc phát triển nông nghiệp xanh, bền vững…
Tiếp tục thúc đẩy tăng trường tín dụng xanh, cuối năm 2024, Agribank chính thức triển khai chương trình cho vay Tín dụng xanh dành cho cá nhân vay vốn sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm có nhãn sinh thái, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, phát triển điện mặt trời tự tiêu thụ... có quy mô 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi. Chương trình sẽ mở ra cơ hội để các hộ kinh doanh cá thể tiếp cận được vốn giá rẻ phát triển các mô hình kinh tế xanh, thân thiện với môi trường ngay từ bước đầu triển khai phương án sản xuất kinh doanh.
Tháng 12/2024, lần đầu tiên Chính phủ Luxembourg hợp tác với một ngân hàng tại Việt Nam song hành vì mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Chính phủ Luxembourg chính thức hợp tác với Agribank để triển khai các dự án tài chính về thích ứng và chống chịu với biển đổi khí hậu, thúc đẩy nông nghiệp nông thôn và tăng tiếp cận tài chính nhằm phát triển sinh kế cho người dân gắn với phát triển kinh tế bền vững tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bên cạnh tập trung vào tín dụng xanh, tích cực chuyển đổi số là một bước đi nằm trong chiến lược phát triển bền vững của Agribank nhằm giảm thiểu tác động môi trường trong hoạt động ngân hàng. Agribank đã đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ thông tin để thúc đẩy các giao dịch số, đơn giản hóa thủ tục để giảm giảm tiêu thụ tài nguyên và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Agribank cũng phối hợp Ngân hàng Nhà nước và Đài truyền hình Việt Nam thực hiện các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong năm qua, chương trình đã chia sẻ, lan tỏa nhiều câu chuyện làm kinh tế xanh của bà con nông hộ, các chủ doanh nghiệp trên cả nước với những ý tưởng ấn tượng và mong mỏi phát triển kinh tế xanh
Với những nỗ lực đó, Agribank tiếp tục được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s chấm điểm tín dụng ESG (CIS) ở mức CIS 2. Ông Swami Venkataraman - Giám đốc toàn cầu phụ trách tài chính bền vững và các chuyên gia cao cấp của Moody’s Ratings đánh giá đây là mức điểm cao so với các ngân hàng thương mại trên thế giới có cùng kết quả xếp hạng tín nhiệm từ Moody’s.
Những bước đi chiến lược và hoạt động thực tế của Agribank trong năm 2024 là nền tảng tiếp tục đầu tư thúc đẩy tăng trưởng xanh, hướng tới phát triển bền vững trong năm 2025. Agribank sẽ tiếp tục chủ động hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế xanh của Đảng và Nhà nước, cùng ngành Ngân hàng khẳng định vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển bền vững quốc gia.