Khoa học hỗ trợ đắc lực cho phòng chống thiên tai

22/11/2018 15:33

(TN&MT) - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) tổ chức Diễn đàn khoa học chuyên nghiệp “Khoa học công nghệ phục vụ ứng phó thiên tai tại Việt Nam”, nhằm chia sẻ các kết quả nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khoa học công nghệ trong công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai.

an 2
GS.TSKH Nguyễn Đình Công - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát biểu tại diễn đàn

Phát biểu tại diễn đàn, GS.TSKH Nguyễn Đình Công - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: Việt Nam là một trong 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Điều này đã thúc đẩy các hiện tượng cực đoan diễn ra ngày càng khố liệt hơn, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Do đó, Việt Nam cần quan tâm đến công tác chuẩn hóa số liệu để có thể tham gia mạng quan trắc toàn cầu và khu vực, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về động đất sóng thần, khí tượng thủy văn và động lực biển, thường xuyên cập nhật số liệu điều tra, số liệu viễn thám và chia sẻ thông tin phục vụ nghiên cứu đa mục tiêu một cách công bằng trong hợp tác nghiên cứu khoa học.

Hội nghị đã giới thiệu nhiều đề tài khoa học của các đơn vị trực thuộc Viện thuộc khối khoa học Trái Đất, khoa học biển, khoa học toán – cơ – tin. Từ các nghiên cứu cơ bản về thực trạng, nguyên nhân xuất hiện thiên tai dựa trên số liệu của hệ thống quan trắc địa chất, địa vật lý, địa lý đến xây dựng các hệ thống dự báo cảnh báo thiên tai. Viện cơ học, Viện Địa lý đã áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ vũ trụ vào xây dựng mô hình số dự báo lũ, hạn mặn, cảnh báo trượt lở, lũ quét…; Viện Toán học, Viện Vật lý, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Công nghệ Vũ trụ xây dựng hệ thống giám sát cảnh báo thên tai từ vệ tinh, hệ thống giám sát bằng máy đo tại chỗ được xử lý qua hệ thống IoT, big data. Ngoài ra còn có hệ thống kè chống sạt lở của Viện Cơ học, Trung tâm phát triển Công nghệ cao…

Quang cảnh Diễn đàn
Quang cảnh Diễn đàn

Báo cáo kết quả báo tin động đất, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết: Theo thống kê từ năm 2007 đến nay, Trung tâm đã thông báo khoảng 360 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 5.3 ảnh hưởng đến Việt Nam, điển hình là trận động đất xảy ra tại Vân Nam - Trung Quốc vào ngày 8/9/2018 với độ lớn 5.3 độ richter. Trong đó, động đất lớn nhất ghi nhận được xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam có độ lớn 4.7- 4.8 tại một số tỉnh như Điện Biên, Lai Châu, Quảng Nam (Bắc Trà My), Huế (A Lưới) và ngoài khơi vùng biển Vũng Tàu.

Các nhà khoa học cũng trình bày nhiều nghiên cứu điển hình khác như: Dữ liệu vệ tinh quan sát Trái đất phục vụ ứng phó thiên tai; Những vấn đề liên quan đến tài nguyên nước và rủi ro thiên tai ở ĐBSCL; Nghiên cứu xây dựng hệ thống giả lập BTS phục vụ cứu hô, cứu nạn, Tai biến tự nhiên dải ven biển Việt Nam và khu vực quần đảo Trường Sa; hệ thống hỗ trợ ra quyết định phục vụ ứng phó thiên tai liên quan đến tài nguyên nước khu vực sông Vu Gia – Thu Bồn…

Trong những năm tới, ứng phó thiên tai vẫn là một nhiệm vụ nghiên cứu hàng đầu của giới nghiên cứu khoa học, cần có những định hướng chiến lược tham gia phòng chống thiên tai để góp phần bảo đảm an ninh, từng bước xây dựng một xã hội an toàn hơn trước thiên tai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khoa học hỗ trợ đắc lực cho phòng chống thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO