Khi người dân thực sự vào cuộc, tiêu chí môi trường mới bền vững

Tống Minh - Tuyết Chinh| 10/12/2019 18:11

(TN&MT) - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) Hoàng Văn Thức cho rằng: “Ở đâu người dân thực sự vào cuộc thì môi trường và nông thôn mới thành công một cách bền vững, ở đâu chính quyền còn làm thay thì phong trào sẽ sớm bị đi xuống”.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức phát biểu

Tại Hội nghị toàn quốc về môi trường trong xây dựng nông thôn mới được tổ chức tại Hưng Yên, ông Hoàng Văn Thức khẳng định: Kết quả 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2020 là một thành tựu to lớn, trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, trong đó, đặc biệt là nội dung môi trường.

Bức tranh môi trường nông thôn khởi sắc

Ông Hoàng Văn Thức cho rằng, với sự xác định rõ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 là xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn, hình thành các mô hình sản xuất, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống và bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn, việc thực hiện tiêu chí môi trường mang lại những kết quả thiết thực.

Dẫn chứng cho nhận định này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường nêu lên những con số: Trong công tác chỉ đạo điều hành, 100% (63/63) địa phương đã ban hành hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường cấp xã, huyện; 51/63 địa phương đã ban hành hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường xã nông thôn mới nâng cao; 23/63 địa phương đã ban hành quy định, hướng dẫn về xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Đến hết tháng 11/2019, cả nước đã có 4.806 xã (chiếm 54% tổng số xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Cả nước có 5.835 xã đạt chuẩn Tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm (chiếm 65,5%). Nhiều địa phương đã có 100% số xã đạt tiêu chí môi trường như: Nam Định, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bình Dương, Thái Bình, Vĩnh Phúc…Đối với cấp huyện, đến hết tháng 11/2019, có 111 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Đáng ghi nhận, các địa phương sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, các xã, thị trấn đã chuyển trọng tâm sang xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao và các mô hình NTM kiểu mẫu. Trong đó, Hà Tĩnh và Quảng Ninh cũng là hai tỉnh tiên phong của vùng cũng như của cả nước trong xây dựng vườn mẫu, đến nay, Hà Tĩnh đã có 3.382 vườn mẫu, Quảng Ninh có 1.526 vườn mẫu (trong tổng số 4.913 vườn mẫu của cả vùng); phấn đấu đến năm 2020, cả vùng có 10.303 vườn mẫu.

Theo ông Hoàng Văn Thức, để tạo nên bước chuyển lớn trong công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, sự quyết tâm mạnh mẽ từ địa phương, còn nhờ sự đầu tư nguồn lực cho các hoạt động về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng các công trình BVMT, cải tạo cảnh quan; khắc phục, xử ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề.

“Giai đoạn 2016-2019, kinh phí sự nghiệp đầu tư này khoảng 131 tỷ đồng, nguồn đầu tư phát triển khoảng 944 tỷ đồng, trong đó cao nhất là vùng Trung du miền núi phía Bắc (293,5 tỷ đồng);  vùng Tây Nguyên: chỉ có khoảng 76 tỷ đồng. Ngoài ra còn có nguồn sự nghiệp hỗ trợ thực hiện tiêu chí môi trường để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới“, ông Thức chỉ rõ.

Các đại biểu đều ghi nhận kết quả công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng NTM

Hoàn thiện Bộ tiêu chí môi trường cho giai đoạn sau năm 2020

Dựa trên các kết quả đạt được, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho rằng, trong giai đoạn sau năm 2020, cần hoàn thiện Bộ Tiêu chí (chỉ tiêu môi trường) theo hướng kế thừa, bảo đảm tính ổn định; phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội mới; tính đến tác động của biến đổi khí hậu; bổ sung và nâng cao chất lượng; phù hợp với năng lực thực hiện của các vùng miền.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn thông qua việc tổ chức mạng lưới phân loại và thu gom hợp lý, tăng tần suất và biện pháp để thu gom triệt để lượng rác thải các loại phát sinh trên địa bàn (từ sinh hoạt, sản xuất, chăm sóc sức khoẻ…); quản lý chặt chẽ các điểm tập kết, trung chuyển, khu xử lý chất thải tập trung; tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục và tiến tới áp dụng các chế tài đủ mạnh để hình thành ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường cho cộng đồng dân cư.

Quản lý chặt chẽ về môi trường đối với các cơ sở sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, chế biến nông, lâm, thuỷ sản; khu, cụm công nghiệp, làng nghề; khu vực canh tác nông nghiệp, chăn nuôi tập trung; khu vực nuôi trồng thuỷ sản nhằm duy trì sự cân bằng bền vững của hệ sinh thái nông thôn.

Sẽ nhân lên những "miền quê đáng sống"

Xây dựng các khu, cụm dân cư nông thôn sinh thái (sáng - xanh – sạch – đẹp – văn minh), tăng tỷ lệ cây xanh trên một đơn vị diện tích khu dân cư nông thôn; tăng mật độ và đa dạng hoá các mô hình trồng cây xanh ven đường (duy trì tác dụng làm mát, hành lang an toàn giao thông, ngăn bụi và tiếng ồn, hạn chế ô nhiễm không khí…), tăng cường trồng hoa tại các khu vực công cộng (nhất là các khoảng đất trống có nguy cơ hình thành các điểm tập kết rác thải);

Hoàn thiện hệ thống thoát nước, xây dựng kế hoạch và lộ trình đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt (tập trung và phân tán); lập kế hoạch và triển khai thực hiện công tác cải tạo môi trường và xây dựng cảnh quan tại các khu vực ao, hồ, kênh, mương… phục vụ mục tiêu xây dựng cảnh quan nông thôn đa mục đích (điều hoà tiểu khí hậu, tiêu thoát nước, sinh hoạt văn hoá cộng đồng, khu vui chơi trẻ em…).

Nâng cao tỷ lệ cấp nước sinh hoạt đối với các xã, huyện chưa đảm bảo yêu cầu của tiêu chí; tiếp tục cải thiện điều kiện vệ sinh hộ gia đình; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ xử lý nước sạch, nước mặn; công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi; xử lý môi trường...

“Cần tiếp tục xác định xác định tiêu chí môi trường, cảnh quan là trọng tâm ưu tiên (cả mảng xanh và mảng nâu) để phát huy các thành quả đã đạt được và tiếp tục phát triển một cách bền vững, trong đó cần đưa vào tiêu chí về định mức, tiêu chuẩn thiết kế đối với các công trình thoát nước, xử lý nước thải nông thôn. Quy định tỷ lệ nước thải được thu gom phù hợp với từng vùng miền. Quy định yêu cầu vệ sinh môi trường trong việc tái sử dụng nước thải cho mục đích tưới tiêu. Xây dựng mô hình mẫu về xử lý nước thải tại hộ gia đình và cụm dân cư tập trung cũng như các chính sách phát triển mô hình”, ông Hoàng Văn Thức đề xuất.

Mục tiêu đạt tiêu chí môi trường đến năm 2025:

Với cấp xã: Có 85% số xã đạt tiêu chí môi trường (theo chuẩn tiêu chí mới)

Với cấp huyện: Có không ít hơn 40% số huyện đạt chuẩn về tiêu chí môi trường (theo chuẩn tiêu chí mới).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi người dân thực sự vào cuộc, tiêu chí môi trường mới bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO