Khát vọng xa khơi

20/10/2016 00:00

(TN&MT) -  Đời ngư phủ lắm bất trắc, hiểm nguy... song với họ, biển cả là Tổ quốc, là chủ quyền thiêng liêng. 

(TN&MT) - Biển cả luôn ồn ào và giận dữ, nhưng cũng rất hào phóng ban tặng cho con người nhiều nguồn lợi. Đời ngư phủ lắm bất trắc, hiểm nguy... song với họ, biển cả là Tổ quốc, là chủ quyền thiêng liêng. Sau “cơn mưa” trời lại sáng, niềm vui mới lại tràn về, ngoài kia biển như bừng sáng lên, ngư dân miền Trung đang kỳ vọng mùa biển mới tưng bừng.
 
Niềm vui đã trở lại và sẽ nối dài với đời ngư phủ
Niềm vui đã trở lại và sẽ nối dài với đời ngư phủ
 
Khi chân mây ửng hồng
 
Tháng 10 lũ về, miền Trung trắng xóa. Những chái nhà cắt nóc liêu xiêu theo dòng nước bạc, những tấm lưng trần ngư phủ phơi gió sương, bốn bề lồng lộng liêu trai. Xa khơi, phù sa đổ đầy theo đàn cá lội. Biển đã vẫy gọi ngư dân miền Trung sau bao nỗ lực làm sạch biển của con người. Và chính họ - những ngư dân trần với nắng, gió lại tiếp tục hành trình “theo đàn cá lội”…
 
Có mặt tại cảng cá Nghi Thủy (Cửa Lò, Nghệ An) khi trời còn tối đen. Đồng hồ mới điểm 3h sáng nhưng cảng cá đã nhốn nháo tiếng nói cười của ngư dân cũng như thương lái. Ngoài cảng, hàng trăm tàu thuyền lớn nhỏ đèn sáng trưng đang tiến vào bờ để bốc dỡ hải sản vào bờ.
 
Bước xuống từ tàu cá xa bờ mang số hiệu NA 87967, anh Hoàng Văn Huế - ngư dân ở khối 1, phường Nghi Thủy hồ hởi cho biết: “Chuyến này trúng nhà báo ạ. Tàu chúng tôi ra khơi 10 ngày rồi, tính ra chuyến này được khoảng 20 tấn cá các loại, tính sơ sơ trừ chi phí anh em thợ thuyền cũng bỏ túi khoảng gần 10 triệu đồng”. Nói xong, anh Huế cùng anh em thuyền viên và thương lái cùng nhau đưa thành quả chuyến đi vào bờ. Từng chiếc xe tải nhỏ nối đuôi nhau vào cảng cá để cân và bốc xếp hải sản lên xe đưa đi tiêu thụ.
 
Là một trong những ngư dân mạnh dạn đầu tư phương tiện công suất lớn để vươn khơi, ông Hoàng Ngư Thủy, ở Khối 5, phường Nghi Thủy cho biết, nếu như trước đây, khai thác trong lộng nhiều lắm cũng chỉ được 2 - 4 tấn, nay, với ngư trường lớn, trung bình mỗi chuyến tàu về được 5 - 10 tấn, thậm chí 15 tấn hải sản. “Trước đây khai thác gần bờ với phương tiện tho sơ nên năng suất thấp, chỉ làm đủ nuôi thợ thuyền đã may. Nay nhờ Nhà nước hỗ trợ đóng tàu to, thuyền lớn để đánh bắt xa bờ, vừa có hải sản “sạch” lại cho năng suất cao. Mấy tháng nay ra khơi “trúng quả”, đầu ra cũng đang khởi sắc nên anh em rất phấn khởi” - ông Thủy vui vẻ tâm sự.
 
Và niềm vui đó lan tỏa cùng với hàng ngàn ngư dân miền Trung tiếp tục hành trình ra khơi bám biển. Những ngày tháng 10 hối hả, cảng cá Thuận Phước và âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) luôn nhộn nhịp tàu cá ra vào. Trên bến cảng, đủ loại hải sản đang được những người phân loại, chỗ này là cá cơm, chỗ kia là ghẹ, nơi khác là các loại mực... Những bịch, cần xé đựng cá, mực, tôm, cua, ghẹ lớn nhỏ liên tục được móc lên từ trong những hầm chứa trên các khoang tàu rồi nhanh chóng chuyển xuống sân bến cảng.
 
Ống cao, ống thấp quần vội xắn, tôi bước lên tàu ĐNA 90189 của “anh hùng bão Chan chu” Phạm Văn Xinh (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) vừa cập cảng. Gặp lại các ngư phủ trên thân tàu, tiếng cười vỡ òa, cùng cái bắt tay, liếc mắt nhìn những khoang tàu chở đầy ắp cá, mực. “Vui quá anh ơi! Tàu về, mang theo 2 tấn mực cùng 1 tấn cá ngừ, có tiền xài  rồi các anh ạ...” - anh Xinh vui vẻ nói.
 
Thuyền trưởng tàu QNG 98308 TS Văn Đức Trai không giấu được niềm vui: “Tàu tui về cảng Thuận Phước sáng nay với 6 tấn cá ngừ. Chuyến này, 10 anh em trên tàu chúng tôi chia nhau số tiền lời gần 150 triệu đồng rồi về quê nghỉ ngơi rồi”. Bên cạnh, tàu QNG 98159 TS đã bắt đầu thu xếp ngư cụ để nghỉ ngơi, chờ tiếp dầu lại ra khơi. Chủ tàu Ngô Đức Chín nói: “Với 5 tấn cá ngừ và một vài tấn tôm, mực, 14 thành viên trên tàu, ai cũng mang tiền triệu về quê”.
 
Tại âu thuyền Thọ Quang, hàng chục tàu công suất lớn của ngư dân Quảng Ngãi, Bình Định, Đà Nẵng tấp nập vào bờ giao cá cho chủ hàng. Ngoài bến cảng, nhiều tàu đánh bắt “no” cá, mực vào giao hàng nhưng cũng nhiều tàu công suất lớn đang chuẩn bị cho chuyến ra khơi. Với ngư dân, không gì vui bằng ra khơi tàu no cá, về cảng tiêu thụ nhanh. Hàng trăm cây đá từ các nhà máy đá Văn Thông, Sơn Trà… “chảy” xuống các tàu. Nước uống, lương thực, thực phẩm cũng được các chủ tàu đưa lên tàu một cách khẩn trương để chuẩn bị cho chuyến biển dài ngày tại các ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. 
 
Những ngày tháng 10, cảng cá Thuận Phước và âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) tấp nập tàu cá ra vào
Những ngày tháng 10, cảng cá Thuận Phước và âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) tấp nập tàu cá ra vào
Thách thức và khát vọng
 
Thường ngày, hoạt động nghề biển vốn dĩ gặp nhiều khó khăn với sóng gió, bão bùng. Nhưng ngư dân miền Trung vẫn hướng ra biển. Ở đó không chỉ là nguồn lợi kinh tế mà còn là vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Chính vì vậy, “cơn bão biển” vừa qua, sau sự cố mất an toàn môi trường vào tháng 4/2016 của Nhà máy thép Hưng Nghiệp Formosa đóng trên địa bàn Hà Tĩnh, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng ngư dân miền Trung vẫn đều đặn ra biển xa, tìm nguồn cá sạch, duy trì, phát triển nghề truyền thống.
 
Thời gian qua, theo quan trắc hàng ngày ở vùng biển Cửa Lò và vùng lân cận cho thấy, biển Nghệ An không bị ảnh hưởng từ sự cố ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra. Nhưng sự cố đó vẫn làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ hải sản của ngư dân Nghệ An. Tâm lý lo ngại của người tiêu dùng đối với hải sản làm giảm mạnh sức mua, mặc dù chất lượng cũng như sản lượng cá ở vùng biển Nghệ An được cơ quan chức năng về môi trường, an toàn thực phẩm khẳng định đảm bảo “sạch” như trước đây.
 
Ông Nguyễn Chí Lương - Chi Cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nghệ An cho biết: “Sự cố môi trường biển hồi đầu năm dù không phải ở Nghệ An nhưng cũng ảnh hưởng vô cùng lớn đến ngành đánh bắt thủy sản ở tỉnh. Hiện nay, sau nhiều nỗ lực các ngư trường đã tấp nập trở lại. Hơn nữa, trong gần 4 nghìn tàu thuyền của toàn tỉnh, hiện có 1.300 khai thác xa bờ công suất trên 90CV. Vì thế sản lượng khai thác không ngừng tăng, 8 tháng đầu năm nay tổng sản lượng hải sản Nghệ An đạt gần 80 nghìn tấn, giá trị ước đạt gần 1.500 tỷ  đồng. Đồng thời, nhờ việc chuyển đổi nghề, đầu tư thuyền to máy lớn mà tỷ trọng sản lượng khai thác vùng khơi chiếm gần 60% với nhiều sản phẩm có giá trị như mực, tôm, cá thu...”.
 
Trước khó khăn của ngư dân, Đà Nẵng đã nhanh chóng có những quyết sách giúp ngư dân tháo gỡ như việc đóng mới tàu đánh bắt xa bờ từ 400 - 600 CV được hỗ trợ vay vốn 500 triệu đồng, từ 600 - 800 CV được vay 800 triệu đồng từ ngân sách thành phố hoặc bằng nguồn vốn khác. Tin vui cũng đã đến với bà con ngư dân, đó là việc Chính phủ ban hành Nghị định số 67 về “Một số chính sách phát triển thủy sản”, hỗ trợ các hoạt động đầu tư nâng cấp, đóng mới các phương tiện đánh bắt cũng như đội ngũ tàu hậu cần nghề cá phục vụ đánh bắt xa bờ hiệu quả.
 
Ông Nguyễn Phú Ban - Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Đà Nẵng cho biết, ngoài cấp phát sổ hành trình nhật ký, các tàu, thuyền được lực lượng chức năng kiểm soát bằng hệ thống định vị. Sở NN&PTNT cũng như lực lượng Bộ đội Biên phòng đã thường xuyên tuyên truyền, vận động ngư dân đánh bắt tại các vùng biển không bị ảnh hưởng từ vụ cá chết dọc biển miền Trung với mong muốn là những chuyến tàu về đầy cá có chất lượng, bảo đảm an toàn để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.
 
Lúc khó khăn nhất cũng là lúc ngư dân cho thấy bản lĩnh của mình. Cùng sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, để tích cực bám biển trong điều kiện khó khăn chồng chất, ngư dân miền Trung đã có nhiều phương cách, đồng lòng cùng nhau trong những chuyến biển xa bờ. Chất lượng cũng như sản lượng đánh bắt được nâng cao thông qua việc đóng tàu lớn hơn có sức vươn khơi xa cũng như sức chứa lớn. Đời ngư phủ phải đối mặt với nhiều bất trắc, hiểm nguy... song với họ, biển cả là Tổ quốc, là chủ quyền thiêng liêng. Niềm vui mới lại tràn về, ngoài kia biển như bừng sáng lên, ngư dân vùng biển đang kỳ vọng mùa biển mới.
 
Xuân Lam - Đình Tiệp
 
 
 
 
 
Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khát vọng xa khơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO