Khánh Hòa: Triển khai có hiệu quả công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo

Xuân Lam - Khương Trung| 11/12/2021 17:25

(TN&MT) - Tại Diễn đàn “Nhà Quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường” lần thứ V - năm 2021 tổ chức tại tỉnh Khánh Hòa ngày 11/12, bà Nguyễn Thị Lan, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hoà đã có những chia sẻ về hiệu quả trong công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Bà Nguyễn Thị Lan, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hoà đã chia sẻ về hiệu quả trong công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo

Khánh Hòa là tỉnh ven biển ở khu vực Nam Trung Bộ với diện tích tự nhiên là 5199,6 km2, có chiều dài bờ biển hơn 385km, từ xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh đến xã Cam Lập, thành phố Cam Ranh. Diện tích vùng biển rộng lớn gấp nhiều lần phần đất liền với hơn 200 đảo lớn nhỏ ven bờ và xa bờ, trong đó quần đảo Trường Sa có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội cũng như an ninh quốc phòng không chỉ với Khánh Hòa mà với cả nước Việt Nam. Khu vực ven bờ có 02 đầm và 03 vịnh đẹp, nước sâu có giá trị lớn về mặt kinh tế, quốc phòng là: vịnh Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh và đầm Nha Phu, đầm Thuỷ Triều.

Trong những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường trách nhiệm, triển khai có hiệu quả công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh như: tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cộng đồng và doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách pháp luật; thực hiện các nhiệm vụ điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học phù hợp với nhu cầu thực tế, giải quyết được các vấn đề bức xúc của địa phương; quan trắc, giám sát môi trường theo mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường đã quy hoạch; nâng cao trách nhiệm phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường, thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin, đánh giá chất lượng môi trường; thực hiện công tác giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển, tổ chức thẩm định kế hoạch ứng phó sự cố môi trường theo quy định...

Trong công tác sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, tỉnh Khánh Hòa đã ban hành chương trình hành động và kế hoạch thực hiện để triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW).

Khánh Hòa là tỉnh ven biển ở khu vực Nam Trung Bộ với diện tích tự nhiên là 5199,6 km2, có chiều dài bờ biển hơn 385km, từ xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh đến xã Cam Lập, thành phố Cam Ranh

Tổ chức triển khai Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW; chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu phương án thành lập Ban chỉ đạo Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển tỉnh Khánh Hòa trên cơ sở sáp nhập Ban chỉ đạo Quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ và Ban Chỉ đạo Biển Đông, Hải đảo tỉnh Khánh Hòa; Triển khai Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. 

Cạnh đó, hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo tỉnh Khánh Hòa được triển khai, thực hiện lồng ghép trong các dự án, đề án, nhiệm vụ có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; bảo đảm cung cấp thông tin, dữ liệu, cơ sở lý luận để hoạch định chính sách, cơ chế nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, phát triển kinh tế biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Trong những năm qua, Tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện nhiều nhiệm vụ, dự án về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các đề tài nghiên cứu khoa học về tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Kết quả các nhiệm vụ, dự án, nghiên cứu là cơ sở tỉnh Khánh Hòa đề xuất cách chính sách quản lý hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo Khánh Hòa.

Về công tác quản lý hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo. Về du lịch: trước tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến ngành du lịch của tỉnh, các cơ sở kinh doanh du lịch phải đóng cửa, hoạt động trong lĩnh vực này chủ yếu là ưu trú cho các công dân nhập cảnh vào Việt Nam và cách ly các công dân là F1.

Về thủy sản: toàn tỉnh hiện có 9.810 tàu cá với gần 1.000 tàu cá khai thác xa bờ, trong đó có gần 100 tàu vật liệu vỏ Composite với trang thiết bị khai thác và bảo quản sản phẩm hiện đại đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Các hoạt động nghề khai thác chính của Khánh Hòa tại vùng biển khơi gồm: nghề câu cá ngừ đại dương, nghề lưới cản, nghề vây, mành chụp… tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, DK1, vùng biển khơi Khánh Hòa và vùng biển Đông Nam Bộ; trong đó, khai thác cá ngừ là một trong những nghề khai thác chủ lực của ngư dân Khánh Hòa đem lại sản lượng và giá trị cao cho tỉnh. Bên cạnh đó, nuôi trồng thủy sản cũng là thế mạnh của tỉnh và là trung tâm sản xuất giống thủy sản tại khu vực miền Trung; đối tượng giống thủy sản sản xuất chủ yếu là tôm sú, tôm chân trắng…. Tập trung các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Trong những năm qua, Tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện nhiều nhiệm vụ, dự án về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các đề tài nghiên cứu khoa học về tài nguyên môi trường biển và hải đảo

Cũng tại Diễn đàn, từ những kết quả đạt được và những khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, hạn chế những thiếu sót trong quá trình triển khai thực hiện.

Sớm hoàn thành công tác xây dựng và ban hành Quy hoạch không gian biển; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ…làm cơ sở cho các địa phương ven biển thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và môi trường biển, công tác giao khu vực biển và quản lý hoạt động nhận chìm ở biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khánh Hòa: Triển khai có hiệu quả công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO