b1(1).jpg

Trước thực trạng môi trường vịnh Nha Trang nói chung, rạn san hô tại khu vực biển Hòn Mun nói riêng có biểu hiện suy thoái, ngày 21/6/2022, Tỉnh ủy Khánh Hòa ban hành Thông báo số 347 yêu cầu phải giữ gìn và phục hồi vịnh Nha Trang, bao gồm rạn san hô trong khu vực biển Hòn Mun, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng vừa mang tính cấp thiết, vừa lâu dài. Tháng 11/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030. Sau hơn một năm rưỡi triển khai kế hoạch, đã đạt được nhiều kết quả tích cực; huy động được cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, sự đồng hành của người dân trong việc chung tay bảo vệ vịnh Nha Trang bền vững, lâu dài.

1a(1).jpg

Phục hồi rạn san hô ở vịnh Nha Trang là nhiệm vụ mang tính lâu dài, kết hợp nhiều giải pháp từ thay đổi nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường biển đến công tác nghiên cứu khoa học. Sau hơn một năm rưỡi triển khai Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang với nhiều hành động cụ thể, bước đầu đã mang đến những thay đổi tích cực.

a1(1).jpg

Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi theo chuyên viên Phòng Bảo tồn thuộc Ban Quản lý (BQL) vịnh Nha Trang đến Khu Bảo tồn biển Hòn Mun. Hòn Mun là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang, với tổng diện tích 16.000ha, có hệ sinh thái rạn san hô đẹp, đa dạng bậc nhất vịnh Nha Trang. Trái với những khu vực có hoạt động du lịch ở vịnh Nha Trang, nơi đây được bảo vệ nghiêm ngặt, ít có tác động của con người.

anh-29.jpg
San hô ở vịnh Nha Trang

Vịnh Nha Trang có tổng diện tích gần 250km2, bao gồm gần 212km2 mặt biển và 37,8km2 các đảo trong vịnh, là vùng biển ven bờ có mức độ đa dạng sinh học cao nhất ở Việt Nam; một trong những vùng có mức độ đa dạng sinh học cao của thế giới. Các rạn san hô ở vịnh Nha Trang có hơn 350 loài san hô (chiếm 40% san hô tạo rạn trên thế giới). Hiện nay, tình trạng rạn san hô ở Hòn Mun có dấu hiệu phục hồi, nhưng rất chậm. Tại khu vực Hòn Chồng, hệ sinh thái san hô đang phát triển tốt, độ phủ san hô tạo rạn trung bình toàn vùng là 32,4%. Trong đó, khu vực có độ phủ cao nhất ở tây bắc Hòn Chồng với 65,7%, tiếp đến là nam Đặng Tất với 50,3% và thấp nhất tại bắc Đặng Tất chỉ với 15,7%. Các loài cá rạn cũng đã xuất hiện khá nhiều tại vùng biển này.

Từ trên ca nô nhìn xuống, làn nước trong xanh, có thể thấy rõ những cụm san hô, đàn cá tung tăng bơi lội tuyệt đẹp. Ông Nguyễn Đức Minh Tân - Phó Trưởng phòng Bảo tồn chia sẻ: “Những năm qua, khu vực này bị tác động bởi loài sao biển gai ăn san hô và lưới, ngư cụ đánh bắt thủy sản giăng mắc, khiến san hô không phát triển được. Do đó, hàng tuần, chúng tôi đều thực hiện lặn biển để bắt sao biển gai, nhặt rác thải, lưới… để san hô phát triển tốt, giúp cân bằng sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học”.

Giữa không gian yên tĩnh và không khí trong lành ở Hòn Mun, 3 thợ lặn nhẹ nhàng hòa vào dòng nước. Mỗi người có 1 nhiệm vụ riêng như: Bắt sao biển gai, nhặt rác khôi phục hiện trạng san hô để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học. Sau hơn 2 giờ ngụp lặn ở Hòn Mun, các thợ lặn đã bắt được hàng chục con sao biển, nhiều kilôgam rác thải, lưới bị mắc ở các cụm san hô mang về đất liền xử lý.

anh-12.jpg
Các nhà khoa học khảo sát, nghiên cứu san hô ở Hòn Mun (vịnh Nha Trang)

Ông Đàm Hải Vân - Phó Trưởng BQL vịnh Nha Trang cho biết, để phục hồi rạn san hô ở Hòn Mun, từ cuối tháng 6/2022 đến nay, UBND TP. Nha Trang đã chỉ đạo tạm dừng hoạt động bơi, lặn biển và một số hoạt động khác trong vùng nước đảo Hòn Mun; chỉ bố trí điểm lặn tạm thời khu vực đông bắc Hòn Rơm với số lượng khách hạn chế. Đồng thời, thành phố đã di dời đầm đăng Lam Dự của Hợp tác xã Đoàn Kết ra khỏi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun. Việc tổ chức kiểm tra, giám sát hệ sinh thái rạn san hô, bắt sao biển gai và nhặt rác ở đáy biển Hòn Mun được BQL vịnh thực hiện thường xuyên; đồng thời, vận động người dân, du khách không sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần khi qua bến tàu du lịch tham quan vịnh Nha Trang. Qua thống kê cho thấy, lượng rác thải ở Hòn Mun đã giảm nhiều so với các năm trước. Nhờ những hành động kịp thời, quyết liệt của thành phố, công tác bảo tồn thực hiện nghiêm ngặt, hệ sinh thái san hô ở Hòn Mun đang phát triển tốt.

Tại khu vực biển Hòn Chồng cũng có hệ sinh thái rạn san hô đa dạng với 62 loài san hô thuộc 12 họ, 43 loài cá rạn sinh sống. Đặc điểm của khu vực biển Hòn Chồng là thủy triều thường rút khoảng thời gian đầu và giữa tháng (âm lịch), để lộ san hô gần bờ, cụm san hô mới mọc và thảm cỏ biển. Nhiều người dân, du khách vì tò mò đã lội ra khu vực có thảm cỏ biển, san hô để vui chơi, bắt ốc, chụp hình... Từ tháng 11/2022, BQL vịnh Nha Trang đã thành lập Tổ công tác tuần tra và tuyên truyền bảo vệ hệ sinh thái biển khu vực Hòn Chồng. Trong hơn 1 năm rưỡi, tổ công tác đã tổ chức 55 buổi tuần tra và tuyên truyền tại hiện trường; nhắc nhở hơn 100 trường hợp người dân lội xuống vùng rạn san hô, thu giữ 5kg thủy sản người dân và du khách bắt để thả xuống biển. Hiện nay, UBND tỉnh đã cho phép BQL vịnh Nha Trang lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án “Lắp đặt giàn phao phân vùng, bảng hiệu tuyên truyền và camera giám sát, bảo vệ rạn san hô Hòn Mun, Hòn Chồng”.

a2.jpg

Tiến sĩ Võ Sỹ Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học thẳng thắn nhìn nhận rằng, để phục hồi vịnh Nha Trang nói chung và rạn san hô nói riêng, điều quan trọng nhất là cải thiện chất lượng môi trường biển, nước biển phải sạch, không có trầm tích thì rạn san hô mới có thể phục hồi. Hiện nay, chúng ta mới dừng lại ở bước bảo tồn rạn san hô, việc phục hồi san hô chủ yếu là tự phục hồi theo tự nhiên. Một số doanh nghiệp ở vịnh Nha Trang còn đem san hô nơi khác về rồi gọi đó là phục hồi san hô, điều này chưa đúng... Việc tổ chức lặn biển, ngắm san hô, hầu hết du khách đều không có chuyên môn về lặn biển, tình trạng giẫm đạp, tác động đến san hô vẫn còn diễn ra ở khu vực Hòn Chồng - Đặng Tất. Do đó, để việc phục hồi san hô mang lại kết quả, tỉnh cần phải quy tụ được lực lượng tham gia, thống nhất quy trình, hướng dẫn kỹ thuật chuẩn về phục hồi san hô, tránh phục hồi tự phát; ngăn trầm tích (cát, bùn) đổ ra biển bằng cách quản lý từ trên đất liền, từ các dòng sông, xây dựng công trình trên đảo, hoạt động du lịch tắm bùn…; đánh giá hiệu quả định kỳ về kết quả, tốc độ tăng trưởng, tỷlệ sống của san hô. Hiện nay, loài san hô tăng trưởng nhanh tạo cảnh quan đẹp ở vịnh Nha Trang còn rất ít nên cần thực hiện giải pháp xây dựng vườn ươm để có nguồn giống để phục hồi.

Các nhà khoa học khảo sát, nghiên cứu san hô ở Hòn Mun (vịnh Nha Trang)
anh-17.jpg
Công nhân thu gom rác trên các lồng bè ở vịnh Nha Trang.

Ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để tiếp tục thực hiện Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang, trong đó có phục hồi rạn san hô, UBND tỉnh đã giao Sở Khoa học và Công nghệ khẩn trương tổ chức thẩm định nhiệm vụ “Tạo vườn ươm cung cấp nguồn giống san hô tạo rạn để phục hồi và tái tạo hệ sinh thái rạn san hô ở vịnh Nha Trang”; tuyển chọn cá nhân, tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2024 đối với đề tài “Xây dựng thử nghiệm mô hình rạn nhân tạo để bảo tồn đa dạng sinh học hướng đến phát triển du lịch sinh thái biển trong khu vực thử nghiệm”. Đồng thời, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp với UBND TP. Nha Trang, Viện Hải dương học để kịp thời tổ chức thực hiện nhiệm vụ “Khảo sát phân vùng chức năng khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang”; UBND TP. Nha Trang thường xuyên tổ chức kiểm tra, phát hiện, xử lý ngay các hành vi vi phạm hành chính trên vịnh Nha Trang, ngăn chặn kịp thời các hoạt động xâm hại đến hệ sinh thái san hô. Khi những dự án, đề tài trên được triển khai một cách đồng bộ, cùng với những nhiệm vụ đã và đang được thực hiện, sẽ từng bước phục hồi bền vữnghệ sinh thái san hô ở vịnh Nha Trang.

6.jpg

Nội dung: THÁI THỊNH
Địa chỉ: 77 Yersin, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
Trình bày:
TÙNG QUÂN

footer.jpg

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
E-Magazine: Chung tay phục hồi vịnh Nha Trang - Bài1: Từng bước phục hồi rạn san hô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO