Qua báo chí phản ánh về tình trạng chặt phá rừng trái phép trên địa bàn xã Suối Tân, huyện Cam Lâm liên tục xảy ra, khiến nhiều diện tích rừng bị tàn phá nghiêm trọng nhưng không được ngăn chặn, xử lý, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo UBND tỉnh Khánh Hòa kiểm tra, xử lý.
Lực lượng bảo vệ rừng kiểm tra diện tích rừng núi Đá Hang bị đốn hạ |
Ngày 05/3/2021, Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường có bài “Khánh Hòa: Ai chịu trách nhiệm khi rừng Suối Tân bị đốn hạ” phản ánh về tình trạng phá rừng với diện tích rất lớn thuộc tiểu khu 231- núi Đá Hang, xã Suối Tân bị “triệt hạ” không thương tiếc, khiến nhiều người bàng hoàng và bức xúc xảy ra vào những ngày giáp Tết và trong Tết Tân Sửu 2021
Tại tiểu khu 231 - núi Đá Hang, nhiều diện tích rừng tự nhiên tái sinh rất lớn ở đây vừa bị đốn hạ. Hàng loạt cây gỗ quý có đường kính từ 20 - 40cm bị cưa hạ ngổn ngang, nhựa ứa ra còn tươi mới. Nhiều cây gỗ nhỏ vừa bị chặt phá chất thành đống chuẩn bị cho vào lò đốt than.
Hàng loạt cây gỗ quý có đường kính từ 20 - 40cm bị cưa hạ ngổn ngang, nhựa ứa ra còn tươi mới |
Ngay giữa những cánh rừng vừa bị phá là những lò than do các đối tượng phá rừng ngang nhiên dựng lên. Theo người dân tại địa phương, khu vực núi Đá Hang có đến trên 1.000ha rừng tái sinh và đất lâm sinh trải dài trên địa phận các xã Cam Hòa, Cam Tân và Suối Tân của huyện Cam Lâm.
Trước đây, núi rừng được bảo vệ tốt nên môi trường sống không có nhiều xáo trộn, nhưng khoảng 5-6 năm nay, tình trạng phá rừng làm rẫy ở xã Suối Tân diễn ra liên tục, diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp, nhiều diện tích đất rừng trở thành nương rẫy của nhiều đối tượng lấn chiếm.
Nhiều diện tích đất rừng trở thành nương rẫy của các đối tượng lấn chiếm |
Người dân còn cho biết, nhiều vụ phá rừng quy mô, chính quyền xã Suối Tân, Hạt Kiểm lâm huyện Cam Lâm chỉ đến lập biên bản rồi để đó mà không xử lý? Hồ sơ vụ việc phá rừng cũng không được chuyển đến Cơ quan Điều tra yêu cầu khởi tố vụ án, xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng theo quy định pháp luật.