Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm

24/07/2017 00:00

(TN&MT) - Bà Võ Thị Hiền (SN 1938),  trú tại số nhà 59 – Tô Vĩnh Diện, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, hỏi: "Vợ chồng tôi là nguyên đơn trong vụ án “Đòi lại tài sản bị chiếm giữu trái pháp luật và bồi thường thiệt hại” do Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai thụ lý số 83/2013/TLPT-DS ngày 19/12/2013. Hơn 20 năm qua (từ năm 2007 đến nay) vợ chồng tôi phải vất vả đi lại nhiều nơi để khiếu kiện, đấu tranh nhằm đòi lại lô đất và nhà ở tại số 04 – Tô Vĩnh Diện (nay là số nhà 47 – Tô Vĩnh Diện, TP Pleiku) có tổng diện tích 230,625m2". 

Qua 9 lần xét xử (tại 3 cấp Tòa án), mãi đến ngày 04/3/2014, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã có Bản án số 06/2014/DS-PT tuyên về việc gia đình tôi chính thức đã được minh oan, dia đình tôi đã đòi lại được tài sản là ngôi nhà và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Đến nay, sau nhiều lần làm đơn từ gửi đến nhiều cơ quan chức năng yêu cầu thi hành bản án số 06/2014/DS-PT nói trên nhưng đến nay gia đình tôi vẫn chưa đòi lại được tài sản và tiền bồi thường oan sai. Vì tại bản án số 06/2014/DS-PT thì nguyện vọng gia đình tôi mong muốn “lấy lại tài sản là căn nhà số 47 - Tô Vĩnh Diên, TP Pleiku và số tiền bồi thường thiệt hại theo luật”, chứ không phải là đòi lại tiền do các cơ quan chức năng cưỡng chế bán nhà tôi trái luật như các cấp Tòa án đã từng tuyên (định giá 402.260.730 đồng, nhưng giá thực tế hiện nay khoảng 3 tỷ đồng). Hiện nay, căn nhà của gia đình tôi tại số 47 – Tô Vĩnh Diện vẫn còn tồn tại (y như cũ), chưa bị thay đổi hình dạng, kích thước, kết cấu. Vợ chồng tôi đã sống trong căn nhà này gần 50 năm. Cuối đời (chồng tôi hiện đang bị ốm rất nặng), chồng tôi và tôi cũng đã được minh oan. Có làm sai lệch hồ sơ, chứng cứ trong vụ án này là cách làm việc quan liêu, thiếu khách quan của cấp Tòa án sơ thẩm và phúc thẩm (trước đây đã lấy tờ giấy photo ra để tổ chức đưa đi giám định là trái quy định của pháp luật). Từ đó, cơ quan Thi hành án đã cố tình cưỡng chế sai với mục đích bán nhà tôi cho người khác với giá bèo, chứ gia đình tôi không đồng ý, nhưng suốt thời gian dài, gia đình tôi kêu “không thấu trời”. Từ đó mà gia đình tôi phải chịu đựng biết bao tủi nhục để theo đuổi khiếu kiện kéo dài, tốn kém rất nhiều công sức và tiền của, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín gia đình (là lão thành cách mạng) nhằm đòi bằng được căn nhà nói trên.

Hiện nay, ông Nguyễn Tương (người bị kiện trong vụ án, người phải thi hành bản án) đã chết, vợ ông là bà Nguyễn Thị Loan cũng đã nhanh tay tẩu tán hết tài sản nên các cơ quan thi hành án không thi hành được bản án. Việc đòi lại tiền đó là trách nhiệm của các cơ quan chức năng đã can thiệp, cưỡng chế bán căn nhà nên gia đình tôi bị mất nhà. Phía bị đơn thông đồng cùng với các cơ quan chức năng đã dùng quyền lực nhà nước ép gia đình tôi để bị đơn được “nuốt gọn” căn nhà của gia đình tôi một cách hết sức vô lý. Nay gia đình tôi làm đơn này mong được tư vấn là gia đình tôi muốn lấy lại căn nhà có được không?, lấy lại căn nhà bằng cách nào?

Như nội dung bà Võ Thị Hiền trình bày thì, bản án dân sự phúc thẩm số 06/2014/DS-PT ngày 04 tháng 03 năm 2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã có hiệu lực pháp luật. Tòa án tuyên buộc phía bị đơn là ông Nguyễn Tương và bà Nguyễn Thị Loan phải hoàn trả cho vợ chồng ông bà Võ Thị Hiền số tiền 402.260.000 đồng và tiền bồi thường thiệt hại là 832.460.000 đồng (tổng cộng 1.234.721.000 đồng). Sau khi án tuyên, vợ chồng ông bà cũng đã làm đơn khiếu nại đến Tòa án nhân dân tối cao (được TANDTC trả lời bằng công văn số 984/TSNDTC-VP ngày 30/9/2016) vì thế vẫn còn thời hiệu để gia đình bà làm đơn đề nghị xem xét bản án theo thủ tục Giám đốc thẩm. Nếu bà không muốn nhận lại số tiền 402.260.000 đồng (tiền định giá, cưỡng chế để bán căn nhà), mà bà muốn nhận lại căn nhà nói trên thì bà làm đơn yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm xem xét bản án để vợ chồng bà được trả lại căn nhà số 47 – Tô Vĩnh Diện, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Điều 331 – BLTTDS 2015 quy định: “Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

2. Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.”

Tại Điều 326 – BLTTDS 2015 quy định: “Căn cứ, điều kiện để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

1. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:

a) Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;

b) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;

c) Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.”

Riêng số tiền phía bị đơn phải bồi thường thiện hại cho vợ chồng ông bà là 832.460.000 đồng, bà làm đơn gửi đến cơ quan thi hành án  yêu cầu cho thi hành bản án nói trên.

                                                                Vũ Đình Năm

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO