Khai thác vàng khó quản, vì sao?

Phạm Thu Hà| 12/11/2019 13:04

(TN&MT) - Vàng là khoáng sản quý, có giá trị cao. Trên thực tế, vàng đã mang lại cơ hội làm giàu cho không ít người, không ít doanh nghiệp, vậy nên, mặc dù Luật Khoáng sản đã có những quy định chặt chẽ nhưng tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn tồn tại dai dẳng lâu nay…

Điểm mỏ nhiều, nằm rải rác, gây “bất ổn”

Hầu hết các địa phương có vàng đều đau đầu về nạn khai thác, gây ra ô nhiễm môi trường, là tụ điểm gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến đời sống, thậm chí là tính mạng người dân.

Cụ thể tại Quảng Nam là một trong những địa phương có trữ lượng vàng lớn nhất miền Trung. Ngoài 2 mỏ vàng lớn nhất cả nước là Bồng Miêu của huyện Phú Ninh và Đắk Sa - Phước Sơn, hầu hết 9 huyện miền núi của tỉnh đều có các điểm quặng vàng nằm rải rác tại các sông suối. Nhiều năm nay, dù lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, địa phương đồng loạt ra quân đẩy đuổi, truy quét nhưng tình trạng khai thác vàng vẫn luôn là điểm nóng. Nhiều khu vực khai thác vàng tại các xã Phước Hiệp, Phước Xuân, Phước Thành đều dùng hóa chất cyanua và thủy ngân không qua bể lắng, xử lý chất thải mà đổ thẳng ra sông, suối.

Một điểm khai thác vàng tại Quảng Nam (Ảnh minh họa)

Tại Nghệ An, huyện Tương Dương được xem là thủ phủ vàng. Sức hút của nó đã khiến nhiều đầu nậu vàng từ các tỉnh phía Bắc như Thái Nguyên, Thái Bình... kéo vào. Đã có một số doanh nghiệp xin giấy phép về khoan thăm dò khai thác hoặc thăm dò nhưng không đi vào hoạt động khai thác. Sau khi hết hạn, những hầm vàng trở nên vô chủ, điều này dấy lên tình trạng “vàng tặc” kéo theo hệ lụy mất an ninh trật tự, ma túy, mại dâm, ô nhiễm môi trường, đảo lộn cuộc sống người dân…

Xử phạt không dễ

Việc xử phạt khai thác vàng trái phép đã được quy định trong các văn bản luật. Cụ thể, khoản 3 Điều 44 Nghị định 33/2017/NĐ-CP quy định phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản là vàng, bạc, platin, đá quý, khoáng sản độc hại từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với trường hợp khai thác có khối lượng khoáng sản nguyên khai dưới 100 tấn; từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với trường hợp khai thác có khối lượng khoáng sản nguyên khai từ 100 tấn đến dưới 200 tấn. Con số xử phạt lên tới 1 tỷ đồng đối với trường hợp khai thác có khối lượng khoáng sản nguyên khai từ 500 tấn trở lên.

Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản hoặc toàn bộ giá trị bằng tiền của khối lượng khoáng sản đã tiêu thụ; tịch thu phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm  và buộc thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn.

Tuy nhiên, để phạt được những trường hợp khai thác trái phép quả là không dễ. Theo lãnh đạo huyện Tương Dương, nguyên nhân là do địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn nên khi lực lượng công an, dân quân xã vào truy đuổi thì những người khai thác vàng đã rút người và đưa máy móc vào rừng sâu. Đến khi đoàn kiểm tra rút đi thì họ quay lại và đưa máy móc vào tiếp tục khai thác.

Trước tình trạng bất an do khai thác vàng mang lại, từ năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã phải ra Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 yêu cầu không cấp phép mới thăm dò, khai thác vàng sa khoáng; hạn chế và đi đến chấm dứt cấp phép khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ; không xuất khẩu khoáng sản chưa qua chế biến….

Cần sự phối hợp của chính quyền cơ sở

Để quản lý, giảm thiểu những tác động tiêu cực nêu trên, các chuyên gia cho rằng, cần dừng cấp phép thăm dò, khai thác những đơn vị không đủ năng lực. Mặt khác phải tăng cường việc tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá và thẩm định lại hoạt động của những đơn vị đã được cấp phép. Nâng cao năng lực và vai trò trách nhiệm của đơn vị được cấp giấy phép và chính quyền địa phương chịu trách nhiệm đầu tiên về công tác quản lý khoáng sản.

 Khi phát hiện hoạt động khai thác trái phép, chính quyền và doanh nghiệp phải chủ động thực hiện các biện pháp xử lý theo thẩm quyền, những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp để giải quyết. Bên cạnh đó phải bảo đảm hài hoà 3 lợi ích, Nhà nước, tổ chức và công dân. Chính quyền và người dân ở vùng có khoáng sản đang khai thác phải được hưởng lợi. Thực tế hiện nay ở các xã có vàng sa khoáng người dân không những không được hưởng lợi mà còn phải gánh chịu những hậu quả hết sức nặng nề do hoạt động khai thác khoáng sản hợp pháp và bất hợp pháp gây ra. Khi người dân được hưởng những lợi ích thực sự từ việc khai thác khoáng sản thì họ sẽ tích cực và tự nguyện trong việc cùng chính quyền các cấp bảo vệ và quản lý tốt tài nguyên.

Đối với những đơn vị khai khoáng có đủ năng lực tài chính, thực hiện đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường, cơ quan nhà nước cần cấp phép khai thác, chế biến cho các đơn vị để có cơ chế quản lý.

Nhận định về công tác quản lý nguồn tài nguyên, khoáng sản, ông Đỗ Cảnh Dương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất & Khoáng sản (Bộ TN&MT) cho rằng, chính quyền địa phương, nhất là cấp xã, cần phải quản lý chặt chẽ hơn và kiên quyết không để người ngoài địa phương vào khai thác vàng trái phép. Về phía Bộ đang nghiên cứu chế tài xử phạt, nhất là đối với việc khai thác vàng trái phép; trong đó có đề cập đến việc xử lý hình sự để tăng sức răn đe.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác vàng khó quản, vì sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO