Khai thác nước ngầm ở Tây Nguyên còn nhiều bất cập

21/05/2016 00:00

(TN&MT) - Để có nước ngọt phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt cho các khu vực trọng điểm về hạn hán như khu vực Tây Nguyên, khi các dòng mặt đều không còn, các hồ chứa nước cạn trơ đáy, giải pháp khoan khai thác nước ngầm được cho là hiệu quả nhất. Tuy nhiên, giải pháp này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm gia tăng tình trạng cạn kiệt nước cục bộ, gia tăng ô nhiễm các tầng chứa nước bên dưới do kỹ thuật thi công không đảm bảo, các giếng khoan không gặp nước, không được trám lấp ngăn chặn nguy cơ lan truyền các chất ô nhiễm từ dòng mặt về mùa mưa.

ông Triệu Đức Huy – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường
Ông Triệu Đức Huy – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm QH&ĐTTNN quốc gia chia sẻ với phóng viên Báo TN&MT những khó khăn trong việc tìm kiếm nước ngầm ở Tây Nguyên


Khó tìm kiếm nước ngầm ở Tây Nguyên

Việc tìm kiếm nước ngầm ở Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn do sự phân bố các tầng chứa nước không đồng đều theo cả không gian và thời gian và khó tìm do nước ngầm chỉ chứa được trong các đứt gãy kiến tạo, đới dập vỡ và trong các tầng bazan ngậm nước.

Hiện nay, theo số liệu đánh giá sơ bộ của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước (QH&ĐT TNN) Quốc gia, trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất toàn vùng Tây Nguyên là khoảng 11,8 triệu m3/ngày. Trong đó, trữ lượng có thể khai thác an toàn khoảng 2,3 triệu m3/ngày. Theo số liệu điều tra, các lỗ khoan khai thác chính phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, nhu cầu cấp nước cho công nghiệp và các nhà máy xí nghiệp, khai thác liên tục, trữ lượng hiện nay đang khai thác vào khoảng hơn 600 nghìn m3/ngày. Nếu chỉ là số giếng như thế thì trữ lượng còn có thể khai thác là khoảng hơn 1,7 triệu m3/ngày.

Tuy nhiên, thực tế ở Tây Nguyên không đơn giản như vậy, mặc dù số liệu điều tra về hiện trạng khai thác đã được công bố nhưng những giếng này là giếng thống kê được, còn loại giếng khai thác tràn lan, không kiểm soát được là giếng khai thác nước ngầm phục vụ cho nhu cầu nông nghiệp, cụ thể như tưới cà phê, hồ tiêu...

Lãnh đạo Liên đoàn QH&ĐT TNN miền Trung và Chủ nhiệm dự án thành phần kiểm tra thi công tại tỉnh Đăk Lăk
Lãnh đạo Liên đoàn QH&ĐT TNN miền Trung và Chủ nhiệm dự án thành phần kiểm tra thi công tại tỉnh Đăk Lăk

Nước ngầm ở nhiều khu vực của Tây Nguyên hiện đang cạn kiệt ở mức báo động, đặc biệt là ở đô thị Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Tại khu vực này, nước ở tầng bazan trước đây được đánh giá là giàu trong khi theo số liệu khai thác cấp nước, lượng nước cấp cho các giếng phục vụ cho các nhu cầu ăn uống sinh hoạt và các nhu cầu khác cho đô thị Buôn Mê Thuột chỉ khoảng 50 nghìn m3/ngày. Thế nhưng, trong mùa khô năm 2015, thống kê số lượng giếng cũng như tình trạng khai thác nước dưới đất để tưới ở đô thị Buôn Ma Thuột, có thời điểm vào khoảng trên 300 nghìn m3/ngày với mật độ giếng dày đặc trong khi diện tích của đô thị rất nhỏ.

Qua chuyến đi khảo sát khu vực Tây Nguyên hồi tháng 4 vừa qua, ông Triệu Đức Huy – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm QH&ĐT TNN quốc gia chia sẻ: Thời gian qua, do xuất phát nhu cầu thực tế, người dân khu vực này tự khoan giếng để lấy nước. Tuy nhiên, do không dựa trên cơ sở khoa học, nhiều lỗ khoan không có nước dẫn đến chi phí rất lớn. Ngoài ra, việc khai thác nước ngầm không được kiểm soát, đặc biệt là khai thác nước ngầm vượt quá trữ lượng của tầng chứa nước vào mùa khô ở một số khu vực phục vụ cho nhu cầu tưới nông nghiệp cũng đang làm gia tăng tình trạng cạn kiệt nước cục bộ, gia tăng nhanh ô nhiễm đến các tầng chứa nước bên dưới…

Sự vào cuộc của các bên liên quan
    
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 04/02/2016 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống hạn, xâm nhập mặn và Thông báo số 58/TB-VPCP ngày 29/3/2016 của Văn phòng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ TN&MT, trong tháng 3/2016, Trung tâm QH&ĐT TNN quốc gia đã gửi các bản đồ phân bố nước ngọt của từng tầng chứa nước, ở các độ sâu khác nhau; các tài liệu về kết quả điều tra, đánh giá nguồn nước dưới đất trên địa bàn và thống kê chiều sâu phân bố theo từng tỉnh để cung cấp thông tin cho UBND các tỉnh Tây Nguyên, chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với các Sở, Ban, ngành tập trung khoan giếng tìm kiếm nguồn nước dưới đất, kịp thời cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.

Theo ông Triệu Đức Huy, việc cung cấp bản đồ đã giúp các địa phương định hình khu vực phân bố nguồn nước ngọt để tìm kiếm nguồn nước ở khu vực đó. Tuy nhiên, do nước ngầm chỉ chứa được trong các đứt gãy kiến tạo, đới dập vỡ và trong các tầng bazan ngậm nước nên hiệu quả tìm nước của các doanh nghiệp, người dân không cao.

Thi công tại Kông Htok, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai
Thi công tại Kông Htok, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai

Để đáp ứng thông tin phục vụ cảnh báo hạn hán ở khu vực Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã có các bản tin cảnh báo và dự báo về tình hình hạn hán ở Tây Nguyên; Trung tâm đã phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước có báo cáo chi tiết thông báo toàn bộ tình hình hạn hán, diễn biễn mực nước và chất lượng nước ở khu vực Tây Nguyên cho 5 tỉnh Tây Nguyên. Đồng thời, Trung tâm cũng xây dựng và trình Bộ TN&MT báo cáo đề xuất giải pháp phòng, chống hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên để Bộ báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ (ngày 24/3/2016).

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã cử 2 cán bộ của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung tham gia Tổ công tác của Bộ TN&MT hỗ trợ kỹ thuật trong việc tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt phục vụ chống hạn trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Tổ công tác có trách nhiệm tư vấn, hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật bố trí giếng, kỹ thuật khảo sát, thăm dò, thi công, kết cấu giếng và những vấn đề liên quan đến việc khoan giếng, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân vùng hạn hán khu vực Tây Nguyên.
 

Theo Quyết định 264 ngày 2/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT được giao chủ trì triển khai “Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”, trong đó có các tỉnh Tây Nguyên. Đến nay, 5 tỉnh Tây Nguyên đều có các công trình của dự án này. Hiện nay, Trung tâm đang triển khai 6 khu vực tìm kiếm và dự kiến sẽ có 7 cụm công trình khai thác nước dưới đất với công suất dự kiến đạt từ 300 – 500m3/ngđ. Hiện nay, đã hoàn thành công tác khoan thăm dò tại 2 khu vực là: Kông Htolk, xã Kông Htolk huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai với 2 lỗ khoan đạt lưu lượng trên 400m3/ngđ; Ea Kly- Krông Buk, huyện Krông Păk, tỉnh Đắc Lăk với 4 lỗ khoan đạt lượng lượng trên 600m3/ngđ. Dự kiến, cuối tháng 6 có thể bàn giao, đưa vào sử dụng tại 2 khu vực này và có thể cấp nước cho khoảng 12.500 dân, giải quyết dứt điểm tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt của người dân nơi đây.


“Với sự đầu tư của nhà nước và trình tự điều tra đúng của Trung tâm, dự kiến cả 6 khu vực tìm kiếm sẽ đạt được kết quả như mong đợi trong năm nay. Muốn như vậy, các lỗ khoan ở đây phải đạt lưu lượng từ 100 m3/ngày trở lên thì mới đưa vào kết cấu lỗ khoan khai thác...” – ông Triệu Đức Huy mong muốn.


Bài & ảnh: Mai Đan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác nước ngầm ở Tây Nguyên còn nhiều bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO