Khai phóng tiềm năng kinh tế tuần hoàn nhựa: Cơ hội và thách thức
Theo báo cáo Nghiên cứu thị trường cho Việt Nam - Cơ hội và thách thức đối với tuần hoàn nhựa của Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng thế giới đã ghi nhận Việt Nam đang lãng phí gần 3 tỷ USD vì không tái chế hết rác thải nhựa.
Như vậy, chỉ có 33% của 3,9 triệu tấn nhựa thải ra hàng năm tại Việt Nam được thu hồi và tái chế. Nghiên cứu ước tính rằng nền kinh tế đã lãng phí 75% giá trị vật liệu của nhựa - tương đương từ 2,2 tỷ đến 2,9 tỷ USD mỗi năm.
Không chỉ là một nguồn tài nguyên chưa được khai thác hết tiềm năng mà việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn hạn chế cũng đang tạo áp lực lớn đến môi trường. Theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó 0,28- 0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Điều đáng nói, việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.
Đây vừa là một thách thức nhưng cũng là một cơ hội lớn để Việt Nam có thể đẩy mạnh tìm kiếm những giải pháp thiết thực, hiệu quả để thực hiện được mục tiêu kép: biến rác thải thành tiền và giải quyết các vấn để về môi trường liên quan đến rác thải nhựa.
Trong bối cảnh đó, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào ngành nhựa là một cách tiếp cận hiệu quả để nâng cao khả năng và năng lực tái chế rác thải nhựa (đặc biệt là bao bì nhựa) góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường và biến rác thải nhựa trở thành nguồn tài nguyên tái tạo có ích cho nền kinh tế và đời sống.
Trên thực tế, việc tái chế rác thải nhựa đòi hỏi sự đầu tư không nhỏ về công nghệ, nhân lực và tài chính. Ngay cả khi doanh nghiệp có đủ khả năng trong việc thu gom, xử lý, tái chế thì một sản phẩm tái chế thường có giá thành cao hơn từ 25-30% so với nhựa nguyên sinh. Hơn nữa, việc phân loại rác thải tại nguồn cũng chưa được thực hiện một cách hiệu quả trên diện rộng cũng là một lý do lớn khiến tỷ lệ tái chế rác thải nhựa chưa cao. Đây cũng là những gút thắt lớn được đưa ra để chờ đợi nhiều giải pháp, sáng kiến giúp nâng cao chuỗi giá trị tuần hoàn nhựa.
Góp phần giải quyết vấn đề trên, Chương trình "Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024" được tổ chức với sự phối hợp của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Unilever Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh BritCham, Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF), Đại sứ quán Anh và Ngân hàng Standard Chartered với mục đích tìm kiếm và vinh danh các sáng kiến mới, giải pháp đổi mới sáng tạo nâng cao chuỗi giá trị tuần hoàn nhựa, chú trọng giải pháp thu gom, phân loại và tái chế rác thải bao bì nhựa, đặc biệt là bao bì nhựa mềm tại Việt Nam.
Ban tổ chức Chương trình đã phối hợp cùng 13 chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Tuần hoàn nhựa, tổ chức thành công buổi tuyển chọn TOP 20 từ các Đội thi tiêu biểu thuộc hai bảng: Giải pháp Triển vọng và Ý tưởng Đổi mới sáng tạo, thông qua nền tảng trực tuyến Zoom. Theo đó, danh sách bao gồm 15 dự án thuộc bảng Giải pháp Triển vọng và 5 Dự án thuộc bảng và Ý tưởng Đổi mới sáng tạo. Đây là các giải pháp xuất sắc được tuyển chọn từ top 80 giải pháp trước đó. Các đội thi có sự đa dạng từ giải pháp tái chế, ý tưởng nâng cao vòng đời của vật liệu nhựa đến ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong tuần hoàn nhựa.
Ban tổ chức Chương trình cũng đã phối hợp với 2 chuyên gia hàng đầu về đổi mới sáng tạo từ Standard Chartered Ventures: Bà Chan Sze Wing, Innovation Coach và Bà Shery Chan, Innovation Designer, để đào tạo chuyên sâu cho top 20 về các bước tiếp cận quy trình kêu gọi vốn, nghệ thuật thuyết trình hiệu quả. Đây là hoạt động thiết thực giúp các đội tinh chỉnh và hoàn thiện giải pháp của mình, từ đó tiến đến tìm kiếm và vinh danh giải pháp xuất sắc nhất tại Chung kết Chương trình, dự kiến được diễn ra vào tháng 10/2024.
Bà Võ Lương Bình Nguyên, Trưởng bộ phận Phát triển bền vững - Unilever Vietnam, Đại diện Ban giám khảo cuộc thi, cho biết: “Chúng tôi hy vọng sau buổi tuyển chọn và đào tạo chuyên sâu sẽ mở ra cho các đội thi nhiều góc nhìn mới, góp phần thúc đẩy cho sự phát triển của giải pháp trong tương lai và hướng đến Chung kết Chương trình, xa hơn trở thành các giải pháp thúc đẩy hệ sinh thái tuần hoàn nhựa tại Việt Nam.”
Chương trình "Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024" được kỳ vọng là bệ phóng để các sáng kiến, giải pháp đổi mới sáng tạo thúc đẩy tuần hoàn nhựa tìm được đầu ra, được đưa vào vận hành thực tế, từ đó góp phần hỗ trợ, thúc đẩy việc thực thi chính sách trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2024.