Theo đánh giá từ các hoạt động của Chi cục biển, hải đảo tại địa phương hiện nay cho thấy, cơ chế, chính sách về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo chưa theo kịp, phù hợp và đồng bộ với sự phát triển của kinh tế - xã hội, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý và thực tiễn, như: Việc nhận chìm ở biển đối với chất nạo vét bảo đảm cho hoạt động của các cảng biển, luồng hàng hải; phục vụ tàu thuyền ra, vào các cảng biển an toàn, thuận lợi. Tuy vậy, quản lý hoạt động nhận chìm ở biển là lĩnh vực mới, việc triển khai thực hiện trong thời gian qua cho thấy còn có những khó khăn, vướng mắc và hạn chế nhất định từ khâu lập hồ sơ, xem xét, đánh giá, xác định vị trí nhận chìm, thẩm định, cấp Giấy phép nhận chìm ở biển.
Quản lý hoạt động nhận chìm ở biển còn có những khó khăn, vướng mắc. Ảnh: MH |
Hệ thống chính sách, pháp luật, tổ chức quản lý tài nguyên, môi trường biển vẫn trên cơ sở tiếp cận đơn ngành, phân tán, chồng chéo, trùng lặp, thậm chí sai sót và mâu thuẫn. Còn thiếu khuôn khổ pháp lý, cơ cấu tổ chức quản lý theo vùng biển, quản lý các đảo, quần đảo, đặc biệt là các đảo, quần đảo không người.
Văn bản pháp quy về bảo vệ môi trường nói chung và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ nhiều nguồn khác nhau nói riêng còn thiếu, chưa đồng bộ. Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường chưa đồng bộ, thiếu vắng các quy chuẩn về trầm tích, sinh vật... Công tác đánh giá, kiểm tra, giám sát môi trường còn lỏng lẻo và chế tài còn yếu.
Việc xây dựng Quy hoạch không gian biển, tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ là căn cứ để giao khu vực biển nhưng còn đang trong quá trình xây dựng, do vậy, việc giao khu vực biển trên thực tế phải dựa vào quy hoạch ngành, địa phương mà các quy hoạch này hiện nay cũng chưa đầy đủ. Trong khi đó, tại các tỉnh, thành phố có biển cũng chưa có sự phân định ranh giới hành chính trên biển. Các thủ tục hành chính manh tính cho phép về tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo chưa liên thông, tích hợp để đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp. Một số quy định tại Nghị định số 51/2014/NĐ-CP trong quá trình thực hiện có một số vướng mắc, bất cập; còn có sự chưa thống nhất trong các quy định pháp luật về giao khu vực biển với cho thuê đất có mặt nước ven biển.
Đây chính là những vướng mắc, thiếu sót cơ bản cần được điều tra, khảo sát kỹ và khắc phục tại những văn bản được xây dựng trong thời gian tới nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật tài nguyên môi trường biển, hải đảo, đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong thời kỳ mới.