Biến đổi khí hậu

Kết nối giải pháp công nghệ xanh cho ngành dệt may

Khánh Ly - Minh Hạnh 25/06/2024 - 14:46

(TN&MT) - Việc kết nối các giải pháp công nghệ xanh giữa các đơn vị khởi nghiệp và doanh nghiệp dệt may sẽ tạo nên chuỗi giá trị hiệu quả hơn và xanh hơn.

Đó là chia sẻ của ông Dennis Quennet, Giám đốc Phát triển kinh tế bền vững tại GIZ Việt Nam về tiềm năng ứng dụng công nghệ sản xuất xanh trong ngành dệt may.

Thị trường châu Âu và các thị trường xuất khẩu khác trên thế giới ngày càng trở nên khắt khe về các tiêu chuẩn môi trường, do vậy một khi doanh nghiệp nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn này sẽ đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của mình. Như vậy, doanh nghiệp sẽ đạt được cả hai mục đích về môi trường nhờ sản xuất “xanh” hơn, và kinh tế.

_mg_7983.jpg
Ông Dennis Quennet, Giám đốc Phát triển kinh tế bền vững tại GIZ Việt Nam chia sẻ về các thế mạnh của ngành dệt may trong ứng dụng công nghệ xanh

Tiên phong đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững

Dệt may là ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đóng góp trung bình khoảng 30-50 tỷ USD vào GDP hàng năm, hứa hẹn sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các hiệp định như Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA). Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may đang đối mặt nhiều khó khăn kỹ thuật khi muốn chuyển đổi sang sản xuất xanh, bền vững, theo sát các quy định từ EU để đón nhận các cơ hội tăng trưởng. Thống kê cho thấy, có tới 80% các công ty dệt may của Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế và không đủ chuyên môn để thực hiện các giải pháp xanh.

bqdm.jpg
Dệt may là ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đóng góp trung bình khoảng 30-50 tỷ USD vào GDP hàng năm

Từ năm 2023 đến nay, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ và Trung tâm Đổi mới Quốc gia Việt Nam (NIC) đã triển khai Chương trình “Bệ đỡ công nghệ xanh” với sự tài trợ từ chính phủ Đức. Chương trình đã kết nối thành công 7 công ty dệt may xuất khẩu với 9 giải pháp công nghệ mới từ các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các công nghệ có thể giải quyết những vấn đề kỹ thuật phổ biến trong cơ sở dệt may như: xử lý bùn thải, thu hồi nhiệt, tái chế vải vụn, tối ưu hóa sử dụng điện năng, quản lý nhân công và ứng dụng nguyên liệu mới bền vững.

Chia sẻ về lý do lựa chọn ngành dệt may để triển khai chương trình, ông Dennis Quennet, Giám đốc Phát triển kinh tế bền vững tại GIZ Việt Nam cho biết: Ngành dệt may tạo ra nhiều việc làm, có mức tăng trưởng nhanh và tạo động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam tiến lên. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển nhanh cũng đang gây ra những tác động đến biến đổi khí hậu và môi trường. Để giải quyết thách thức này, việc ứng dụng các công nghệ đổi mới sáng tạo sẽ giúp đảm bảo hiệu quả vể mặt chi phí, đảm bảo yếu tố xanh trong sản xuất. Những nỗ lực này sẽ góp phần nâng cao vai trò của các công công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, cải thiện năng lực cạnh tranh và tạo ra sự đổi mới, cơ hội và việc làm.

z5571452356993_17621131bc86e3b72ba97b32c570aeea.jpg
Ngành dệt may có nhiều tiềm năng để giảm phát thải khí nhà kính

“Có rất nhiều tiềm năng sản xuất bền vững trong ngành dệt may, ví dụ như giảm thiểu sử dụng nước, năng lượng, hay quản lý chất thải hiệu quả. Điều đó không chỉ mang lại lợi ích về môi trường mà còn giúp nâng cao lợi ích kinh tế nhờ quản lý hiệu quả nguồn lực để giảm chi phí sản xuất. Các giải pháp công nghệ sáng tạo của các đơn vị khởi nghiệp có thể được tích hợp và đưa vào ứng dụng tại các doanh nghiệp dệt may, tạo nên chuỗi giá trị hiệu quả hơn và xanh hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thấy nhiều cơ hội xây dựng và triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may tại Việt Nam, qua đó có thể sử dụng nguồn lực lâu dài hơn và hiệu quả hơn” - ông Dennis Quennet nhấn mạnh.

Tiềm năng nhân rộng giải pháp công nghệ hiệu quả

Việc kết nối thông qua Chương trình Bệ đỡ xanh đã đặt nền móng cho các mối quan hệ đối tác và thúc đẩy cam kết chung về tính bền vững trong ngành dệt may. Một số công nghệ điển hình như: Giải pháp quản lý năng lượng của công ty IoTeamVN; giải pháp timeSSD® - tính toán chi phí lao động dựa trên công nghệ điện toán đám mây của Enedig Kft; giải pháp thu hồi nhiệt thải từ công ty Hoàng Hà; sản xuất vải, sợi từ xơ dứa của ECOSOI; giải pháp thu hồi và tái chế polyester và cellulose từ BlockTexx...

z5571452723327_d0c8d96fce94f202fcb555412138e722.jpg
Một buổi trao đổi giữa công ty dệt may và công ty công nghệ về giải pháp quản lý năng lượng

Sau khi trao đổi về đề xuất dự án và khảo sát trên thực tế tại nhà máy, các đối tác trong nước như VINATEX, Faslink, Thịnh Phúc, Kyungbang đánh giá cao tiềm năng ứng dụng và mở rộng của các giải pháp thí điểm này. Trải qua xét duyệt, chương trình đã lựa chọn đề xuất dự án “Giải pháp quản lý năng lượng” của công ty sợi Nam Định thuộc tập đoàn Vinatex và IOTeamVN để cung cấp hỗ trợ mở rộng thực hiện trên quy mô công nghiệp. Đây là dự án đáp ứng các tiêu chí về tiềm năng mở rộng dự án, cam kết giữa các bên, tác động môi trường và xã hội, mức độ sẵn sàng trong áp dụng công nghệ vào ngành dệt may và mức độ sẵn sàng áp dụng công nghệ ở Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Giám đốc điều hành Công ty IOTeamVN, giải pháp mà công ty đưa ra giúp Công ty sợi Nam Định có thông tin năng lượng chính xác nhất để đưa ra phương án quản lý, sử dụng năng lượng một cách kịp thời, hiệu quả. 1% tiền điện nghe qua chỉ là con số nhỏ, nhưng nếu xét trên tổng số 25 tỷ tiền điện một năm, đây sẽ là một khoản tiết kiệm chi phí đáng kể cho doanh nghiệp.

_mg_7993.jpg
Ông Dennis Quennet trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường

Theo ông Dennis Quennet, việc theo đuổi các tiêu chuẩn xanh không nhất thiết làm tăng chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Có rất nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả nguồn lực. Các mô hình kinh tế tuần hoàn và giải pháp số không tốn nhiều chi phí mà vẫn mang lại tác động tích cực về bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động BĐKH mà vẫn đảm bảo khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Có nhiều giải pháp đã hoặc đang được xây dựng để doanh nghiệp trong các ngành nghề lựa chọn, với chi phí hợp lý.

Có hai yếu tố quan trọng mà doanh nghiệp theo đuổi tiêu chuẩn xanh cần lưu ý: Thứ nhất là sử dụng nguồn lực hiệu quả để giảm chi phí sản xuất; thứ hai là yêu cầu ngày càng cao từ phía khách hàng (doanh nghiệp hoặc người tiêu dùng cá nhân) về tiêu chuẩn bền vững.

Xét cho cùng, doanh nghiệp nào đổi mới để thích ứng kịp thời với các yêu cầu này sẽ là những người dẫn trước và hưởng lợi từ quá trình xanh hóa kinh tế và tăng trưởng xanh. Tại Việt Nam, người tiêu dùng trẻ ngày càng bị thu hút bởi các sản phẩm thời trang bền vững. Xanh hóa không chỉ là tuân thủ các quy định, đó là cơ hội mà doanh nghiệp phải nắm bắt để chiếm lĩnh cả thị trường trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, doanh nghiệp nên đầu từ cho đổi mới sáng tạo và điều chỉnh mô hình kinh doanh, để đáp ứng những đòi hỏi của cả hai thị trường quan trọng này.

Ông Dennis Quennet, Giám đốc Phát triển kinh tế bền vững tại GIZ Việt Nam

Nhìn nhận về các thách thức, ông Dennis Quennet cho rằng, thách thức thứ nhất liên quan tới chuỗi giá trị dệt may. Đó là vừa đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu quốc tế về bền vững, vừa giảm được chi phí sản xuất, đẩy mạng đổi mới sáng tạo trong công nghệ để xây dựng ngành dệt may xanh và bền vững. Thách thứ hai liên quan tới việc sử dụng lợi thế của chuyển đổi số để xanh hóa ngành dệt may Việt Nam. Doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, giúp giảm thiểu nguồn lực qua đó giảm chi phí sản xuất, giảm tác động tới môi trường, nhưng mặt khác lại vẫn phải duy trì khả năng cạnh tranh.

Thách thức thứ ba liên quan tới kinh tế tuần hoàn. Phát triển kinh tế tuần hoàn là một thách thức ở mọi nơi trên thế giới, gồm cả Đức và các nước châu Âu khác. Điều này đòi hỏi thay đổi nhận thức từ nền kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, để hàng hóa sản xuất ra sẽ được tái tạo và tái sử dụng lâu dài hơn thay vì bị biến ngay thành rác thải.

“Thay đổi cách thức kinh doanh bên cạnh nhiều thách thức thì cũng có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế tuần hoàn, chuỗi giá trị, chuyển đổi số. Nói chung, tôi khá lạc quan về các cơ hội cho kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các ngành như dệt may mà GIZ đã hợp tác được một thời gian dài” - ông Dennis Quennet nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết nối giải pháp công nghệ xanh cho ngành dệt may
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO