Biến đổi khí hậu

JETP - nội dung quan trọng trong tiến trình hướng tới mục tiêu Net Zero

Phạm Hoài - Đình Du (ghi) 23/09/2023 10:27

(TN&MT) - Chia sẻ tại Tọa đàm “Báo chí, truyền thông đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển xanh” sáng 23/9, ông Vũ Đức Đam Quang – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Bộ TN&MT nhấn mạnh đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) là một trong những nội dung quan trọng trong tiến trình hướng tới mục tiêu net zero của Việt Nam.

o-dam-quang.jpg
Ông Vũ Đức Đam Quang chia sẻ tại diễn đàn sáng 23/9.

JETP sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu mới

Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) đã được Việt Nam và Nhóm Đối tác Quốc tế (IPG) thông qua và công bố vào ngày 14/12/2022. Thông qua JETP, các đối tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đẩy nhanh tốc độ đạt đến đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển đổi từ nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng sạch.

Cụ thể, JETP sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu mới như: Đẩy nhanh thời gian đạt đỉnh phát thải khí nhà kính dự kiến từ năm 2035 lên 2030. Giảm tới 30% phát thải hàng năm của ngành điện từ 240 triệu tấn xuống 170 triệu tấn. Giới hạn công suất điện than của Việt Nam ở mức 30.2GW từ mức kế hoạch dự kiến là 37GW. Đẩy nhanh triển khai năng lượng tái tạo để nguồn năng lượng này chiếm ít nhất 47% tổng sản lượng điện vào năm 2030, tăng từ mức kế hoạch 36% hiện tại. Khoảng 500 triệu tấn khí thải sẽ được cắt giảm vào năm 2035 nếu các mục tiêu này được hoàn thành.

Cho đến nay, Việt Nam là quốc gia thứ 3 trên thế giới ký kết JETP với các nước IPG sau Nam Phi và Indonesia.

Theo tuyên bố, các đối tác JETP sẽ huy động số tiền ban đầu lên tới ít nhất là 15,5 tỷ USD cho Việt Nam trong vòng 3 - 5 năm tới. Trong đó, 7,75 tỷ USD do IPG (bao gồm những đối tác như: Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Đức, Anh, Pháp, Na Uy, Đan Mạch, v.v…) cam kết huy động với điều kiện vay hấp dẫn hơn so với thị trường vốn hiện tại. Đồng thời, Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ) sẽ huy động và thúc đẩy thêm ít nhất 7,75 tỷ USD tài chính tư nhân.

Ngày 14/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 845/QĐ-TTg thành lập Ban Thư ký thực hiện JETP. Các nhóm công tác hỗ trợ triển khai thực hiện JETP bao gồm: Nhóm Tổng hợp do Bộ trưởng Bộ TN&MT thành lập, một Thứ trưởng Bộ TN&MT làm Trưởng nhóm; Nhóm Thể chế, Chính sách và Đầu tư do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập, một Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Trưởng nhóm; Nhóm Công nghệ và Năng lượng do Bộ trưởng Bộ Công Thương thành lập, một Thứ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng nhóm; Nhóm Tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính thành lập, một Thứ trưởng Bộ Tài chính làm Trưởng nhóm.

Ngày 31/8 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1009/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai JETP. Đề án xác định quan điểm, mục tiêu, và 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để các Bộ, ngành, địa phương thực hiện gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi năng lượng; Thúc đẩy chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; Phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo; Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện, đẩy nhanh lộ trình xây dựng lưới điện thông minh và phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng.

Đồng thời, chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải; Đổi mới sáng tạo, phát triển và chuyển giao công nghệ; Bảo đảm công bằng trong chuyển đổi năng lượng; Truyền thông, nâng cao nhận thức; Thúc đẩy hợp tác quốc tế về chuyển đổi năng lượng công bằng.

Đề án cũng phân công trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện Tuyên bố JETP.

Theo ông Vũ Đức Đam Quang, hiện nay, Bộ TN&MT đang phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan cùng với việc ý kiến tham vấn của các thành viên IPG xây dựng dự thảo Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị JETP (RMP). Kế hoạch đề ra lộ trình nhằm đạt được các mục tiêu chuyển đổi năng lượng công bằng của JETP và huy động nguồn tài chính cần thiết để thực hiện JETP. Dự thảo RMP đầu tiên được tham vấn xin ý kiến tại Hội thảo ngày 11/8/2023, dự thảo gồm có 8 chương và 3 phụ lục. Bộ TN&MT đang xin ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan về Kế hoạch nói trên và nỗ lực để hoàn thiện RMP vào trước COP28 (diễn ra vào tuần cuối tháng 11 và tuần đầu tháng 12 năm nay) nhằm thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện JETP cũng như cam kết Net Zero.

Thực hiện JETP thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu

Chia sẻ về lợi ích của Việt Nam khi nỗ lực thực hiện JETP, ông Vũ Đức Đam Quang chỉ rõ việc này sẽ đóng góp vào nỗ lực thực hiện cam kết hướng tới phát thải ròng bằng “0” (net zero) vào năm 2050. Cam kết Net zero của Việt Nam tại COP26 được nhiều Bên đánh giá là “tham vọng”. Với một đất nước đang phát triển như Việt Nam, việc nhận được hỗ trợ quốc tế trong quá trình cắt giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới net zero là vô cùng quan trọng.

Thông qua JETP, Việt Nam cũng sẽ có cơ hội tiếp cận không chỉ nguồn tài chính mà còn các công nghệ hiện đại liên quan tới năng lượng tái tạo.

Đồng thời, việc thực hiện JETP cũng thể hiện vai trò, trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động của BĐKH, Việt Nam đã luôn thể hiện vai trò và trách nhiệm quốc tế một cách tích cực tại các diễn đàn, khuôn khổ liên quan tới BĐKH. Do đó, việc ta nỗ lực thực hiện JETP sẽ góp phần tiếp tục thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề chung trên toàn thế giới.

Cùng với đó, việc thực hiện JETP sẽ huy động vai trò của khối tư nhân vào nỗ lực ứng phó với BĐKH. Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ) sẽ huy động và thúc đẩy thêm ít nhất 7,75 tỷ USD tài chính tư nhân để hỗ trợ Việt Nam thực hiện JETP. Đây sẽ là động lực lớn giúp Chính phủ Việt Nam huy động vai trò của khối tư nhân trong nỗ lực ứng phó với BĐKH.

“Trong nhiều năm qua ở Việt Nam, áp lực ứng phó với BĐKH thường được đặt nặng lên Chính phủ hơn là khối tư nhân. Tuy nhiên, việc thực hiện những mục tiêu dài hạn và tham vọng như Net Zero chắc chắn không thể thực hiện được nếu thiếu sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, việc thực hiện JETP cũng sẽ có những đóng góp nhất định đối với việc huy động khối tư nhân tham gia vào các nỗ lực ứng phó với BĐKH ở Việt Nam”, ông Vũ Đức Đam Quang lý giải.

Ông Vũ Đức Đam Quang cũng nhấn mạnh: “Là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi BĐKH, Việt Nam luôn thể hiện vai trò và trách nhiệm trên trường quốc tế đối với các vấn đề liên quan tới ứng phó với BĐKH. Một trong những dấu ấn quốc tế mạnh mẽ của Việt Nam đối với vấn đề này là cam kết net zero tại COP26. Do đó, việc tham gia và thực hiện JETP sẽ đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam thực hiện được cam kết này, hướng tới một nền kinh tế ít phát thải”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
JETP - nội dung quan trọng trong tiến trình hướng tới mục tiêu Net Zero
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO