Phát triển Xanh

Ông Arghya Mandal - Tổng Giám đốc Công ty CP sữa TH: Doanh nghiệp và các nhà sản xuất đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển nhà máy xanh

Hồng Kỳ (ghi) 01/11/2024 11:29

(TN&MT) - Đó là chia sẻ của ông Arghya Mandal - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sữa TH (Tập đoàn TH - đơn vị sở hữu thương hiệu TH true MILK) khi ông trình bày tham luận tại Hội thảo Chuyên đề “Vai trò của Lãnh đạo báo chí và doanh nghiệp với phát triển bền vững” do CLB Báo chí Phát triển Xanh hướng đến Net zero và Báo TN&MT tổ chức sáng 1/11.

tgd-th-h1.jpg
Ông Arghya Mandal - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sữa TH chia sẻ tại Hội thảo sáng 1/11

Chia sẻ câu chuyện phát triển nhà máy xanh ở Việt Nam từ góc nhìn và kinh nghiệm của Tập đoàn TH, và cũng là để đạt được mục tiêu Net Zero carbon với nền kinh tế phát thải thấp, phát triển bền vững, theo ông Mandal - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sữa TH (Tập đoàn TH - đơn vị sở hữu thương hiệu TH true MILK) , hoạt động của các doanh nghiệp và các nhà sản xuất đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phát triển nhà máy xanh và thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR).

Trước khi chia sẻ về hành trình phát triển Nhà máy Xanh của TH true MILK, ông Arghya Mandal cho biết, một trong những lý do để ông gắn bó và đồng hành cùng TH đó là tầm nhìn & sứ mệnh của TH đã thuyết phục ông. Arghya Mandal cảm thấy rất tự hào vì TH là Tập đoàn doanh nhân yêu nước, luôn đặt lợi ích riêng của Tập đoàn nằm trong lợi ích chung của quốc gia. Và trong bất cứ điều kiện nào, TH luôn nhất quán phương châm: Trân quý Mẹ Thiên nhiên và Không tìm cách tối đa hóa lợi nhuận mà là hợp lý hóa hài hòa lợi ích.

Nhà máy xanh là nhà máy được thiết kế và quản lý với mục tiêu tối ưu hóa hiệu suất sản xuất và giảm tối đa ảnh hưởng tới môi trường. Xây dựng nhà máy xanh bao gồm phải dựa trên các yếu tố: Hệ thống giám sát và kiểm soát trực tuyến xanh; Nguyên liệu xanh và chuỗi cung ứng; Hạn chế lãng phí và ô nhiễm; Tối ưu hóa nguồn lực; Thiết kế cho hệ sinh thái; Đầu tư cho hiệu quả cao; Ảnh hưởng tích cực đến thị trường và người tiêu dùng. Đồng thời, để nhà máy xanh vận hành hiệu quả, có 3 phương thức phổ biến được dùng để vận hành nhà máy xanh là áp dụng mô hình tái tạo năng lượng và khép kín, sử dụng các công cụ tự động hoá và sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Nếu như ở Việt Nam, chủ thể quan trọng nhất của xã hội là con người, con người là nguồn lực quyết định sự phát triển đất nước thì với TH, con người cũng được xác định là chủ thể quan trọng nhất trong mục tiêu hướng tới và trong chiến lược xây dựng nguồn lực phát triển của TH true MILK. Theo ông Arghya Mandal: Là một tập đoàn luôn kiên định các mục tiêu theo mục tiêu của quốc gia, TH luôn xác định sự phát triển thể lực, trí lực và tâm hồn của mỗi cá nhân là cực kỳ quan trọng. Một quốc gia chỉ vững mạnh khi con người được phát triển toàn diện cả thể chất và trí tuệ, trong đó yếu tố tiên quyết cho sự phát triển này không những là nguồn dinh dưỡng thiết yếu như lúa, gạo, thực phẩm và các sản phẩm sữa mà cần có một chế độ chăm sóc sức khỏe bền vững.

Vì vậy, “những dự án đầu tư của TH tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao, khoa học công nghệ và khoa học quản trị đan xen vào nhau tạo ra những sản phẩm hàng hóa trong nông nghiệp với sản lượng và chất lượng theo chiều hướng phát triển bền vững và có lợi nhất cho sức khỏe người tiêu dùng”, ông Arghya Mandal khẳng định.

Nói về hành trình xây dựng nhà máy xanh, theo ông Arghya Mandal, Nhà máy Sữa TH là đơn vị đi đầu chuyển đổi sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường khi thay thế đốt lò hơi bằng nhiên liệu hóa thạch (dầu FO) sang sử dụng nhiên liệu sinh khối (phụ phẩm của ngành công nghiệp gỗ) với lò Biomass. Việc chuyển đổi này giúp cho năm 2022, tổng phát thải khí nhà kính giảm 85% so với năm 2021. Lượng phát thải giảm còn 0.103 kg CO2/đơn vị sản phẩm.

Cùng với đó, hệ thống sản xuất tận dụng nhiệt từ đốt bã mía làm nóng tuabin lò hơi tạo ra điện sinh khối tại Công ty TNHH mía đường Nghệ An (NASU - thành viên Tập đoàn TH) với sản lượng điện đạt hơn 22 triệu Kwh/năm. Bằng nguồn năng lượng sinh khối này, NASU không chỉ đáp ứng sản xuất trong nhà máy mà còn bán lại về lưới điện quốc gia, góp phần giảm phát thải và tích cực sử dụng năng lượng xanh. Từ đầu năm 2024, NASU bắt đầu vận hành điện mặt trời áp mái.

tgd-th-h4.jpg
Độ dày nhãn mác plastic trên các sản phẩm đồ uống tốt cho sức khỏe của TH hiện chỉ còn 35 micromet -mỏng hàng đầu Việt Nam, giảm thiểu sử dụng nhựa

Trao đổi về ứng dụng Kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, Tổng Giám đốc TH true MILK Arghya Mandal cho biết, các phụ phẩm từ quá trình sản xuất trong chuỗi sản xuất của TH đều trở thành một đầu vào cho các quy trình sản xuất khác. Như bã mía làm đệm nền chuồng, tro đốt nồi hơi làm phân bón cánh đồng. Mật rỉ từ quá trình sản xuất mía cũng là nguyên liệu đầu vào của nhà máy sản xuất khác.

Giảm rác thải nhựa cũng là một mục tiêu trọng yếu trong chuỗi sản xuất xanh của TH true MILK. Theo ông Arghya Mandal, TH đã chuyển đổi ống hút sữa, thìa sữa chua dùng một lần từ plastic thông thường sang nguyên liệu sinh học thân thiện với môi trường. Với những sự chuyển đổi này và thông qua các hoạt động cải tiến trong sản xuất, mỗi năm, TH true MILK giảm khoảng 600 tấn nhựa. Cùng với đó, TH thực hiện thu gom vỏ hộp sữa từ người tiêu dùng, tương ứng với khối lượng bao bì hộp sữa thu gom – TH đối ứng đóng góp vào dự án bảo tồn san hô tại Vườn quốc gia Cát Bà. Năm 2023, chương trình thu gom vỏ hộp sữa đã gom hơn 300.000 vỏ hộp, tương đương 1,9 tấn rác thải giấy.

Hiện Nhà máy sữa TH đang xây dựng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001:2018 và mục tiêu đạt Nhà máy đạt chuẩn ISO 50001:2018 vào cuối năm 2024. Đây là một trong những mục tiêu trong kế hoạch hành động hướng tới Net Zero 2050 của Nhà máy sữa TH nói riêng và tập đoàn TH nói chung.

tgd-th-h5.jpg
TH định hướng giảm phát thải toàn diện ở mọi khâu trên toàn chuỗi sản xuất khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng

Cùng với đó, các mục tiêu về Năng lượng (chỉ tiêu tiêu thụ điện, chỉ tiêu tiêu thụ hơi, nước, hiệu suất dây chuyền…) và mục tiêu về báo cáo và giảm nhẹ khí nhà kính cũng được xây dựng cụ thể với những cam kết lộ trình thực hiện. Đồng thời, cũng theo ông Arghya Mandal, TH đang duy trì thực hiện kiểm toán năng lượng định kỳ 3 năm/lần theo Quy định của Luật số 50/QH12/2010 về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Vào thời điểm khởi dựng năm 2008, Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa quy mô công nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn TH được cho là bước đi táo bạo, chấp nhận tốn kém ngay từ đầu để mang đến mô hình sản xuất không chỉ có chất lượng quốc tế mà còn chú trọng kiểm soát quá trình tác động đến môi trường.


Bằng định hướng và sự đầu tư bài bản, chuẩn mực, cùng sự kiên tâm với con đường sữa tươi sạch, "hoàn toàn từ thiên nhiên", "vì sức khỏe cộng đồng", chọn lựa phương thức đúng đắn tư công nghệ chăn nuôi, sản xuất tiên tiến hàng đầu thế giới, TH đã cho thấy nông nghiệp công nghệ cao và mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là khả thi ở Việt Nam.


Để có được những kết quả như ngày hôm nay, tầm nhìn về ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, chế biến, quản trị tiên tiến, đầu tư bài bản về công nghệ ngay từ đầu, là những yếu tố có đóng góp quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ông Arghya Mandal - Tổng Giám đốc Công ty CP sữa TH: Doanh nghiệp và các nhà sản xuất đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển nhà máy xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO