Năm 2020, từ nguồn thu điều phối từ Quỹ DVMTR Việt Nam, thu ủy thác từ các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên đã chi trả hơn 161 tỷ đồng cho các chủ rừng, trong đó, thanh toán chi trả DVMTR năm 2019 gần 120 tỷ đồng; tạm ứng năm 2020 gần 40 tỷ đồng.
Người dân vui mừng khi nhận tiền chi trả DVMTR |
Dù gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực và diện tích quản lý rừng lớn (hơn 694.000 ha rừng phòng hộ, rừng sản xuất, rừng đặc dụng), song năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng của Điện Biên tiếp tục tăng 0,41% so năm 2019 đã góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 42,66%. Trong năm 2020 có thêm 161 chủ rừng mở tài khoản Viettel Pay, nâng tổng số chủ rừng mở tài khoản ngân hàng lên 2.158 người.
Điển hình tại huyện Mường Nhé là huyện biên giới nhiều năm "nóng" vì tình trạng dân di cư tự do và phá rừng, song mấy năm gần đây, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, tình trạng dân di cư tự do vào địa bàn đã được kiểm soát; tình trạng phá rừng làm nương giảm rất nhiều. Chủ tịch UBND xã Sín Thầu Pờ Chinh Phạ cho biết: Toàn xã có hơn 11.560 ha đất rừng, tỷ lệ che phủ rừng của xã đạt 71%, không xảy ra tình trạng phá rừng, cháy rừng hay mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép, vì ngoài lực lượng kiểm lâm địa bàn thì mỗi người dân xã Sín Thầu cũng đều là những người giữ rừng.
Anh Poòng Văn Phong, người dân bản Pa Tần, xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ) cho biết: “Tiền DVMTR được chi trả hằng năm giúp các gia đình trong bản có đời sống tốt hơn, bà con không còn lo cái ăn cái mặc cho nên yên tâm chăm sóc, giữ rừng. Như gia đình tôi, năm 2019 được nhận 22 triệu đồng tiền DVMTR, tôi đã mua được máy bừa để sản xuất nông nghiệp; góp phần tăng năng suất, giảm sức lao động. Nhiều nhà trong bản mua được xe máy, ti vi hay đầu tư chăn nuôi lợn, gà vươn lên thoát nghèo…”.
Chia sẻ về vai trò của chính sách chi trả DVMTR, ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên cho hay: Sau gần 8 năm chính thức chi trả tiền DVMTR, sự thay đổi lớn nhất đó là ý thức, trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của người dân được nâng cao, góp phần tăng nguồn lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, tạo động lực khuyến khích người dân tích cực, chủ động tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng