Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Yên Bái: Mang lại nhiều lợi ích thiết thực
(TN&MT) - Từ năm 2011, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước. Tại tỉnh Yên Bái, chính sách này đã thực sự phát huy hiệu quả, tạo nguồn tài chính bền vững cho bảo vệ và phát triển rừng, cải thiện sinh kế cho người dân.
Cải thiện sinh kế cho người dân
Hình thức chi trả dịch vụ môi trường rừng ủy thác qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái từ năm 2012 đến nay đã đạt được những kết quả nổi bật. Minh chứng rõ nhất đó là tiền dịch vụ môi trường rừng đã đóng góp một phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm và quyền lợi trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Cùng với đó là ý thức chấp hành quy định pháp luật của cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc các ngành nghề theo quy định phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng; góp phần vào việc bổ sung nguồn vốn cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Hiện tỉnh Yên Bái có hơn 433.000ha tổng diện tích tự nhiên trong lưu vực có cung ứng dịch vụ môi trường. Trong đó, diện tích rừng và đất lâm nghiệp đủ điều kiện cung ứng dịch vụ môi trường rừng khoảng 215ha, chia theo 4 lưu vực sông, suối chính trên địa bàn 8 huyện, thị trải rộng trên 104 xã, thị trấn trên toàn tỉnh. Từ số thu ban đầu 20,1 tỷ đồng năm 2012 tăng lên hơn 122 tỷ đồng năm 2024 của hơn 90 cơ sở sử dụng dịch vụ môi trường rừng. Đối tượng được chi trả gồm 409 cộng đồng dân cư thôn, bản nhận khoán, với 15.234 hộ tham gia bảo vệ rừng và 14 chủ rừng là tổ chức.
Chia sẻ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, ông Giàng A Páo - xã Bản Công, huyện Trạm Tấu phấn khởi: "Cả bản có trên 500 hộ, mỗi khi đến ngày nhận tiền, ai cũng đến từ rất sớm. Hộ ít rừng thì được nhận từ 1 - 2 triệu đồng, hộ nhiều có khi được nhận hơn chục triệu trong một lần chi trả. Có tiền ai cũng phấn khởi, phải tiếp tục bảo vệ rừng để năm sau lại có tiền".
Nói về hiệu quả của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Chủ tịch UBND xã Bản Công Giàng A Chư cho rằng, chính sách này thực sự rất quan trọng đối với người dân vùng cao, nơi có diện tích che phủ rừng lớn. Số tiền dịch vụ môi trường rừng chi trả cho người dân đã góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho bà con. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng trên địa bàn xã nói riêng cũng như huyện Trạm Tấu nói chung.
Để người dân được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, thời gian qua, Ban Quản lý rừng Phòng hộ huyện Trạm Tấu đã phối hợp tốt với chính quyền các xã, thị trấn, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân trong bảo vệ và chăm sóc rừng. Bên cạnh đó, để tiếp tục nâng cao nhận thức của nhân dân, tại buổi chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân được phổ biến kiến thức về chăm sóc và bảo vệ rừng.
Việc giao khoán và chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho cộng đồng thôn, bản được người dân đồng tình, ủng hộ, đã gắn quyền lợi, trách nhiệm bảo vệ, phát triển rừng tới mỗi hộ gia đình. Người dân tự kiểm soát lẫn nhau, không chặt phá rừng, tự giác tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng đúng địa chỉ, kịp thời phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả các vụ xâm lấn đất rừng, nhiều gia đình đã sống được bằng nghề làm rừng.
Tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả kịp thời, đầy đủ nên đời sống của người dân khu vực miền núi Yên Bái có dịch vụ môi trường rừng được cải thiện đáng kể. Nhiều thôn bản và các hộ dân đã sử dụng một phần tiền này để tu sửa cơ sở hạ tầng như: Bể nước sạch, nhà văn hóa, đường giao thông thôn, nhiều mô hình kinh tế cũng được hình thành... Bên cạnh việc bảo vệ rừng hiện có, người dân còn có thêm điều kiện để tái trồng rừng, sớm đưa các loại rừng lau lách, đồi trọc trước đây trở thành diện tích có rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
Đề cao trách nhiệm cộng đồng
Háng Cuốn Rùa, xã Dế Xu Phình là một trong những bản "kiểu mẫu" trong việc thực hiện mô hình cộng đồng giữ rừng tại huyện vùng cao Mù Cang Chải. Bản có 94 hộ với khoảng 680 nhân khẩu, được giao quản lý và bảo vệ 700ha rừng. Để giữ cho những cánh rừng mãi xanh, Bản Háng Cuốn Rùa thành lập tổ xung kích bảo vệ rừng.
Tổ này có nhiệm vụ tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong bảo vệ, chăm sóc và không xâm hại rừng. Thường xuyên giữ mối quan hệ chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm, cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải để cập nhật thông tin về rừng, tập huấn nâng cao kiến thức kỹ năng trong phòng chống cháy rừng, phối hợp tổ chức các buổi tuần tra, kiểm soát rừng, kịp thời phát hiện các sai phạm để giữ rừng xanh tốt.
Ông Hảng A Rùa - Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ quản lý rừng cộng đồng bản Háng Cuốn Rùa, xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải cho biết: Ðể có được những cánh rừng xanh tốt như bây giờ không phải chuyện dễ dàng, bởi gần 100 hộ trong bản sống phụ thuộc vào nông nghiệp. Việc làm ruộng, làm nương ít nhiều cũng ảnh hưởng tới bảo vệ, giữ rừng, ví dụ như sơ ý đốt nương cháy lan vào rừng, thậm chí trước đây, một số hộ đã lén lút phá rừng để lấy đất làm nương... Nhưng đó là chuyện trước kia, bởi từ khi thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, bà con trong bản được hưởng lợi về kinh tế từ 700ha rừng mang lại. Nhận tiền dịch vụ môi trường rừng, bà con trong bản phần mua lương thực, phần trang trải cuộc sống. Vì thế, mỗi hộ dân đều ý thức hơn việc bảo vệ và giữ rừng.
Tại xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải hiện có 12.000ha rừng các loại, trong đó có 3.100ha rừng đặc dụng, diện tích rừng này được giao cho người dân 14 bản quản lý. Với địa hình đồi núi dốc và có diện tích rừng đặc dụng lớn, đây là loại rừng có trữ lượng gỗ lớn với vai trò phòng hộ quan trọng nhưng lại giáp ranh với xã Tà Mung, huyện Than Uyên (Lai Châu).
Chính vì vậy, để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, vai trò của các tổ, nhóm, quản lý bảo vệ rừng của các bản là rất quan trọng. Do đó, xã Lao Chải đã chỉ đạo các tổ, nhóm thực hiện tốt kế hoạch trực cũng như duy trì các hoạt động tuần tra, kiểm tra. Đặc biệt, trong thời điểm khô hanh, nắng nóng, các nhóm quản lý bảo vệ rừng đã làm tốt công tác theo dõi, quản lý lượng người ra vào rừng, nên trong những năm gần đây, tình trạng cháy rừng trên địa bàn xã Lao Chải được kiểm soát khá tốt.
Ông Giàng A Pao - Bí thư Chi bộ bản Cồ Dề Sang A, xã Lào Chải, huyện Mù Cang Chải cho biết: Nhờ làm tốt công tác bảo vệ rừng mà hằng năm người dân trong bản được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Từ nhiều năm qua, khoản tiền này luôn được bà con trong bản đón đợi sau những tích cực, vất vả cùng nhau bảo vệ rừng. Một năm 2 lần, vào dịp giữa năm và cuối năm, trưởng bản sẽ đại diện cho bà con nhận thanh toán từ các chủ rừng. Số tiền này một phần được trích để sử dụng vào các việc quan trọng như: Làm đường giao thông, tu sửa nhà văn hóa... phần còn lại chuyển cho các hộ.
"Nhớ lại năm 2019, tuyến đường vào bản đi lại khó khăn, ngày đó, để vận động bà con đóng góp mua nguyên vật liệu rất vất vả vì bản có tới trên 90% là hộ nghèo. Lúc đó, tôi đã bàn với mọi người vay 100 triệu đồng từ ngân hàng để làm đường. Sau đó, tuyên truyền, động viên bà con làm tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng để cuối năm nhận tiền thanh toán từ dịch vụ chi trả môi trường rừng rồi trả cả lãi lẫn gốc cho ngân hàng. Nhờ đó đến giờ có đường bê tông để đi, mọi người đi lại được thuận lợi", ông Giàng A Pao chia sẻ.
Đó chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện về rừng, về những bản làng bình dị dưới tán rừng tại tỉnh Yên Bái. Có thể thấy, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng không chỉ là giải pháp kinh tế mà còn là bước tiến trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Hiệu quả của chính sách này là minh chứng rõ ràng khi con người và thiên nhiên hài hòa thì cả hai đều phát triển.