Hùng Lekima và hành trình “săn ảnh rác” trên các hòn đảo

Tuyết Chinh| 14/05/2019 09:38

(TN&MT) - Chuyến đi của nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng (hay còn gọi là Hùng Lekima) để chụp những bức ảnh về “rác thải nhựa” trên khắp dải đất hình chữ S được tiếp tục với hành trình qua các hòn đảo mà anh chưa đặt chân tới. “Xót xa, tiếc nuối khi ở nhiều hòn đảo rác đổ thẳng xuống biển hoặc đốt ven đường” là điều đầu tiên anh chia sẻ trong những ngày lênh đênh trên các hòn đảo.

săn ảnh rác 1
Rác ở Côn Đảo ngày càng nhiều. Ảnh: Hùng Lekima

Tiếp nối hành trình “săn ảnh rác”

Để ghi lại tình trạng rác thải nhựa gây ô nhiễm khắp Việt Nam, Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng đã đi tổng cộng gần 7.000 km trong đó có 3.260 km bờ biển từ Bắc chí Nam. Chặng đường xuyên Việt kéo dài 33 ngày đêm, anh đã đặt chân tới 28 tỉnh giáp biển.

Rong ruổi khắp các vùng biển nước ta trên chiếc xe gắn máy từ tháng 8/2018, anh xuất phát từ Hà Nội đi tới Ninh Bình, từ đó bám theo đường bờ biển vào đất mũi Cà Mau. Từ Cà Mau, anh lại bám dọc biển tới Hà Tiên (Kiên Giang) rồi tới TP.HCM, gửi xe và đi máy bay trở ra Hà Nội.Trong tháng 12/2018, anh lại đi tiếp từ Hà Nội xuống Nam Định và đi dọc biển của 3 tỉnh thành còn lại là Thái Bình, Hải Phòng và Quảng Ninh tới mũi Sa Vỹ - địa đầu Tổ quốc.

“Tôi muốn thông qua hành trình đi dọc bờ biển đất nước để ghi lại và truyền tải những hình ảnh chân thực nhất về tình trạng rác thải nhựa, nhằm giúp mọi người có thể hình dung điều gì đang xảy ra và hậu quả sẽ ra sao nếu chúng ta không làm gì”, Hùng Lekima chia sẻ.

săn ảnh rác 5
Hùng Leklima cùng kết quả sau một buổi nhặt rác trên 500m bãi Dong

Tiếp nối hành trình 33 ngày đêm xuyên Việt “đặc biệt” ấy, năm 2019, Hùng Lekima đi tiếp các hòn đảo mà anh chưa đặt chân tới - nơi mà rác thải thường chỉ có thể xử lý tại chỗ, đó cũng là những địa điểm du lịch hấp dẫn của Việt nam.

“Không chỉ ghi lại những gì thực tế tại các hòn đảo, tôi mong muốn chuyến đi này của mình sẽ truyền cảm hứng du lịch có trách nhiệm cho khách du lịch; các tổ chức du lịch, khu bảo tồn, người dân địa phương, trường học... cùng giữ gìn các cảnh đẹp Việt Nam và chia sẻ thông điệp du lịch bền vững. Đặc biệt là sự quan tâm vấn đề rác thải nhựa, đầu tư công nghệ cũng như cơ sở thu gom và xử lý rác trên các hòn đảo”, Hùng Lekima bày tỏ.

“Ám ảnh” rác thải nhựa

Thời điểm trao đổi với tôi, Hùng Lekima đang “săn ảnh rác” tại Côn Đảo (thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) chia sẻ, ở đây có bãi biển rất đẹp, việc thu gom rác trên đảo khá tốt; chỉ có điều lò đốt rác ở đảo hiện mỗi ngày chỉ đốt được khoảng 1 xe rác trong số 7 xe thu gom. Vì vậy, rác ngày càng nhiều; chưa kể lượng rác thải nhựa ngoài đại dương dạt vào rất lớn.

săn ảnh rác 2
Rác thải nhựa, túi ni lông vứt đi ngày hôm nay rồi sẽ quay trở lại với chính chúng ta

Nhưng có lẽ, hòn đảo đã đi qua khiến Hùng Lekima “sốc” và “ám ảnh” nhất là Phú Quốc. Bạn có thể hình dung một hòn đảo “vàng” về tiềm năng du lịch nhưng lại để một bãi rác ngay ven đường, nơi mọi khách du lịch đều đi qua. Hay đảo Nam Du – Kiên Giang, nơi người dân vứt rác bằng cách… thả xuống biển?

Hùng Lekima tâm sự, khi đến đảo Nam Du, anh tìm hiểu những câu chuyện về rác thải, xử lý rác thải trên đảo thông qua những người dân, những người đã sống lâu năm trên hòn đảo này. Việc xử lý rác ở đảo rất khó vì họ không thể vận chuyển rác vào bờ do chi phí quá lớn. Bởi vậy, người dân đốt, chôn lấp hoặc chủ yếu là quăng xuống biển.

Nhiều nơi anh đi qua thực sự là không có nơi xử lý rác như đảo Tam Hải – Quảng nam; hay như đảo Bình Hưng (Khánh Hòa) đốt rất thủ công. Có nơi đầu tư lò đốt rác thì lại bé không đủ công suất như đảo Bình Ba (Khánh Hòa) hay Côn Đảo. Thậm chí, có những nơi được đầu tư lò đốt rác nhưng nhiều khi không đốt bằng lò được bởi không phân loại rác tại nguồn dẫn đến vẫn đốt thủ công tại chỗ hoặc vứt ra môi trường.

săn ảnh rác 3
Rác từ đại dương táp vào bãi Dong (Côn Đảo) - một bãi biển không có người ở chủ yếu là chai nhựa, túi ni lông...

Hùng Lekima cho rằng, việc lựa chọn công nghệ xử lý rác và công suất phù hợp trên các hòn đảo hiện chưa tốt. Việc phân loại rác tại nguồn và thu gom rác cũng còn nhiều bất cập. Trong khi, ý thức của người dân, những người sống trên đảo, đánh bắt cá vẫn quen vứt rác xuống biển.

“Thực sự xót xa, tiếc nuối khi nhiều hòn đảo rác đổ thẳng xuống biển, hoặc đốt ven đường mà khách du lịch vẫn đi qua, ô nhiễm và hôi thối. Tôi chỉ mong muốn câu nói “Đảo là nhà biển cả là quê hương” thực sự có ý nghĩa chứ không phải chỉ là hô hào khẩu hiệu”, anh Hùng nói.

Đừng để rác“nhấn chìm đảo”

Với những trải nghiệm chụp ảnh rác thải nhựa trên các hòn đảo, Hùng Lekima lo ngại khi mà mỗi ngày trên các đảongười ta vẫn vứt rác xuống biển, rác thải vẫn chưa được thu gom và ráo riết đầu tư xử lý đúng tiêu chuẩn thì sớm muộn đại dương cũng trở thành một“nồi lẩu nhựa” không hơn không kém.

săn ảnh rác 4
...cả lưới của ngư dân

Có lẽ, đã đến lúc phải kiên quyết nói không với túi ni lông trên các hòn đảo. Sự thật là đại dương sẽ chẳng thể bị ung thư vì hạt vi nhựa. Bệnh tật, bẩn thỉu, xấu xí,... là tất cả những gì chúng ta phải gánh chịu.

“Mỗi một chiếc túi nilon ít đi, là một cơ hội để đại dương bớt ô nhiễm vì rác thải nhựa. Hãy hành động để không phải rơi vào cảnh “chúng ta sau này cái gì cũng có, chỉ là không có một đại dương xanh”, anh Hùng kêu gọi.

Anh tin tưởng rằng, hoàn toàn khả thi nếu chúng ta cấm túi ni lông từ bây giờ, nhưng phải cấm có lộ trình và các đối tượng cụ thể. Việc cấm túi ni lông trên các hòn đảo của Việt nam chắc chắn sẽ có tác dụng to lớn để bảo vệ biển, từ đó thu hút, hấp dẫn nhiều khách du lịch quốc tế nhờ chính sách du lịch bền vững và bảo vệ môi trường.

săn ảnh rác 6
Hãy hành động để không phải rơi vào cảnh “chúng ta sau này cái gì cũng có, chỉ là không có một đại dương xanh"

Anh Hùng gợi ý thêm, đầu tiên, chúng ta có thể “lựa chọn ĐỊA ĐIỂM VÀ ĐỐI TƯỢNG” như sau:  Cấm túi ni lông tại các hòn đảo (bản thân Việt nam đã thành công cấm ở Cù Lao Chàm); Cấm không sử dụng túi ni lông, hộp xốp và hộp nhựa tại các công viên trên toàn quốc; Cấm túi ni lông tại các siêu thị (có thể bán túi sử dụng nhiều lần nếu lỡ ai quên ko mang túi); Cấm túi ni lông trong các cơ quan, tổ chức; Cấm túi ni lông trong các trường học.

Đồng thời, chúng ta cũng cần nghiên cứu công nghệ cho các phao xốp trong tàu bè đánh bắt thủy sản, hay có chính sách hỗ trợ để thu gom lưới cũ của ngư dân. Mặt khác, có hình thức theo dõi và xử phạt thật nghiêm với những trường hợp sử dụng phao xốp.

Cùng với đó, cần tập trung đầu nhà máy hay lò đốt rác cho các hòn đảo nhất là các hòn đảo du lịch. Rác trên các hòn đảo đổ xuống biển lại quay lại chính chúng ta thông qua các hạt vi nhựa mà các loài sống ở đại dương ăn phải.

Sau những ngày lênh đênh trên các hòn đảo với mong muốn những tấm hình của mình sẽ phần nào giúp mọi người hiểu hơn sự ảnh hưởng nghiêm trọng của rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa đến môi trường; Hùng Lekimacho rằng “đã đến lúc nên xã hội hóa việc xử lý và thu gom rác trên các hòn đảo; bởi thực sự rác không phải là rác, rác là tài nguyên”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hùng Lekima và hành trình “săn ảnh rác” trên các hòn đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO