Mức đầu tư “khủng”
Vừa qua, Chính phủ và Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) đã cùng lựa chọn các TP. Huế, Hà Giang và Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) để thí điểm phát triển những cấu phần xanh đặc trưng, trong cơ sở hạ tầng đô thị của thành phố thông qua Dự án “Chương trình Phát triển các đô thị loại II (các đô thị Xanh)”, với tổng giá trị 223,87 triệu USD. Riêng ở Thừa Thiên Huế là 72,52 triệu USD, tương đương hơn 1.600 tỷ đồng do Sở KH&ĐT làm chủ đầu tư.
Dự án có vai trò quan trọng, mang tính chiến lược trong việc giải quyết tình trạng ngập lụt, vệ sinh môi trường; từ đó nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy đầu tư sản xuất. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào tháng 12/2023, cải thiện các dịch vụ hạ tầng, mang lại lợi ích hàng nghìn hộ dân nghèo và cận nghèo...
Ông Lê Đình Khánh- Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, cùng với Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế thì dự án mà đơn vị đang triển khai được xem là dự án lớn và phức tạp hiện nay. Hiện chủ đầu tư đã hoàn thành việc lựa chọn 15 tiểu dự án đầu tư, bao gồm 3 hợp phần dựa theo các tiêu chí về môi trường, giao thông, tăng cường năng lực và hỗ trợ dự án và đã được phía ADB chấp thuận.
Một trong những khó khăn ảnh hưởng đến việc triển khai dự án hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), bồi thường và tái định cư (TĐC). Tổng diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án là hơn 440.000m2, với hơn 2.200 hộ gia đình bị ảnh hưởng. Trong đó, có khoảng 195 hộ gia đình ở các khu vực TP. Huế và thị xã Hương Thủy bị ảnh hưởng trực tiếp, cần bố trí chỗ ở TĐC.
Phía chủ đầu tư dự án cho biết, đã tổ chức buổi làm việc với các bên liên quan và thống nhất bố trí TĐC cho 101 hộ dân. Đối với các hộ phát sinh, dự kiến sẽ được bố trí tại khu vực TĐC Hương Sơ giai đoạn 4. Sở KH&ĐT cũng kiến nghị UBND tỉnh sắp xếp, rà soát các quỹ đất phục vụ TĐC, nhằm thống nhất các vị trí TĐC cho dự án; ban hành thông báo thu hồi đất, bồi thường GPMB theo quy định.
Từng bước triển khai
Theo quan sát, đường Bùi Thị Xuân (TP. Huế), đoạn từ Ngã ba Long Thọ đến Bãi bồi Lương Quán, là tuyến đường dân sinh quan trọng và cũng là tuyến chính trong các tour du lịch tại phường Thủy Biều nhưng lâu nay đã xuống cấp. Khi dự án triển khai, toàn bộ đoạn đường này sẽ được chỉnh trang và thảm nhựa mới. Cùng với đường Bùi Thị Xuân, tuyến đường Huyền Trân Công Chúa cạnh đó cũng sẽ được chỉnh trang và làm mới nhiều hạng mục.
Tại Khu đô thị mới An Vân Dương (thị xã Hương Thủy), nhiều điểm xanh, tuyến giao thông quan trọng cũng được ưu tiên lựa chọn đầu tư. Trong đó có các hạng mục như chỉnh trang cây xanh, vỉa hè, thoát nước và điện chiếu sáng tại các trục đường sinh thái trung tâm thuộc Khu đô thị mới An Vân Dương. Xây dựng công viên, cây xanh và quảng trường tại khu hành chính tập trung; đặc biệt, sẽ xây dựng mới một cây cầu qua sông Như Ý, kết nối Khu A và B của khu đô thị mới này.
Ông Nguyễn Trần Nhật Tuấn- Phó Giám đốc Ban quản lý (BQL) Khu vực phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, đơn vị hiện đang phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư dự án để nhanh chóng triển khai các hạng mục trên địa bàn.
“BQL là đơn vị phối hợp, đồng thời sau này, cũng sẽ tiếp quản quản lý các hạng mục sau đầu tư, do vậy chúng tôi đã phối hợp rất chặt chẽ, nhằm triển khai dự án hiệu quả nhất”- ông Tuấn khẳng định.
Ở hợp phần về phòng chống ngập lụt và vệ sinh môi trường, dự án sẽ ưu tiên nạo vét và làm mới một số đoạn kè sông trên địa bàn. Đó là 5 nhánh sông chính, như sông Kẻ Vạn, sông Lấp, sông An Hòa, sông Đông Ba, sông Như Ý và sông An Cựu. Những hạng mục này đã được ADB chấp thuận, sẽ giúp địa phương kiểm soát được tình trạng ô nhiễm, cải thiện môi trường, đảm bảo yếu tố quan trọng để xây dựng đô thị xanh như mục tiêu ban đầu...
Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Huế Nguyễn Việt Bằng thông tin thêm, để tạo điểm nhấn cho khu vực trung tâm và kết nối các địa điểm vui chơi giải trí trên địa bàn, sắp tới thành phố tiếp tục đầu tư 30 tỷ đồng triển khai một số dự án quy mô lớn. Trong đó, dự án được chú trọng để tạo điểm nhấn cho Huế là lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng nghệ thuật cầu Trường Tiền và lắp đặt hệ thống camera giám sát tại 15 vị trí trung tâm thành phố và trung tâm điều khiển. “Đây là hai dự án quan trọng nằm trong chuỗi các dự án chỉnh trang đô thị trung tâm nên phấn đấu triển khai và đưa vào hoạt động trước 31/12/2018 nhằm tạo ra nét đẹp riêng có cho Huế xung quanh khu vực cầu Trường Tiền, đồng thời kiểm soát tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố”- ông Bằng chia sẻ.