Thế giới đang bước vào cách mạng công nghệ 4.0 (CMCN), cuộc cách mạng mà công nghệ thực tế ảo, internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo…. tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống. Đối với ngành nước, CMCN 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ toàn diện đến hoạt động của doanh nghiệp từ quản trị kinh doanh, quản lý chất lượng nước, năng lượng…. đem lại nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế song cũng có nhiều thách thức đối với ngành nước. Trong đó, nhận thức chưa đẩy đủ về CMCN 4.0; cơ sở vật chất, thiết bị, con người chưa đáp ứng; cơ chế chính sách về quản lý vận hành… thiếu đồng bộ; chất lượng nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu.
Tỉnh Thừa Thiên Huế với mục tiêu đề ra là đến năm 2020 sẽ phát triển thành công chính quyền điện tử, làm nòng cốt để xây dựng thành phố thông minh; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong giao tiếp với cơ quan chính quyền; từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống…Bên cạnh đó, tỉnh còn đặt ra nhiệm vụ phát triển hệ thống quản lý đô thị và hạ tầng kỹ thuật, quản lý môi trường thông minh; hướng đến trở thành đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”, phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, trong đó nước sạch cho người dân là một chỉ tiêu rất quan trọng.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 87% dân số được sử dụng nước sạch, tỷ lệ cấp nước đô thị đạt 95%, (TP. Huế 100%), nông thôn đạt trên 80%, chất lượng nước không ngừng nâng cao, đã công bố cấp nước an toàn toàn tỉnh vào năm 2009 và duy trì bền vững 10 năm qua.
Với mục tiêu phát triển bền vững ngành nước, việc đầu tư thiết bị thông minh, công nghệ thông tin kiểm soát và điều khiển hệ thống cấp nước sẽ là bước đi hướng tới cuộc CMCN 4.0 nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao tiện ích sống của con người, đảm bảo cấp nước an toàn, an ninh trong tình trạng biến đổi khí hậu, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.