Trong nước

Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

Thanh Tùng 25/11/2024 - 15:37

Chiều 25/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

66.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp

Điều hành nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, lĩnh vực quảng cáo được xác định là 1 trong 12 ngành công nghiệp văn hóa của nước ta, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.

Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động quảng cáo đang có sự dịch chuyển từ quảng cáo trên các phương tiện truyền thống như quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên báo chí sang quảng cáo trên không gian mạng. Sự phát triển mạnh mẽ của quảng cáo trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ một cách dễ dàng, nhanh chóng; đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý nhà nước.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, tại phiên thảo luận Tổ đã có 86 lượt ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội. Trong phiên họp này, các đại biểu Quốc hội tiếp tục tập trung thảo luận về 5 vấn đề gợi ý thảo luận đã nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Để cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu bạn đọc

Phát biểu thảo luận tại hội trường, góp ý về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, có 2 loại ý kiến khác nhau, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp tán thành với Ban soạn thảo về loại ý kiến thứ nhất là bổ sung quy định yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt đã nêu trong dự thảo Luật. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có vấn đề phát sinh thêm các loại quảng cáo hàng hóa khác thì đề nghị giao cho Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể nội dung này.

hoa.jpg
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu thảo luận

Về quảng cáo trên báo in, có 2 loại ý kiến về vấn đề này. Tuy nhiên, đại biểu đề xuất thêm ý kiến thứ 3 và cho rằng, hiện nay thị phần quảng cáo trên báo in giảm mạnh, việc điều chỉnh diện tích quảng cáo trên báo in sẽ giải quyết căn bản khó khăn cho các cơ quan báo chí trong việc thực hành tự chủ tài chính. Vì vậy, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị nghiên cứu phương án lược bỏ các quy định giới hạn về tỉ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí truyền thống để cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu bạn đọc và nhu cầu của thị trường.

Về quảng cáo trên báo nói, báo hình, có 2 loại ý kiến về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, đây là vấn đề rất cần thiết mà chúng ta nên quan tâm, đề nghị đánh giá tác động chính sách nhằm tăng tính thuyết phục để quảng cáo trên truyền hình tăng từ 5-10%, đồng thời cần xem xét quảng cáo trong thời điểm nào cho phù hợp.

Liên quan đến quảng cáo trên mạng, đại biểu cho rằng, hiện nay có những hình ảnh, sản phẩm quảng cáo không phù hợp với thực tế cuộc sống. Do đó, cần quan tâm hơn nữa đến quảng cáo trên mạng, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (gồm cả trên mạng, trên phim ảnh, truyền hình, trên báo) cần chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo của mình và sản phẩm mà mình đang quảng cáo. Đồng thời, cần quy định rạch ròi, cụ thể những đối tượng chịu trách nhiệm cụ thể về hành vi quảng cáo.

Về cấp phép xây dựng công trình quảng cáo, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, quy định này là cần thiết nhưng cần có sự thống nhất với Luật Xây dựng, Luật Đường bộ.

huong.jpg
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang phát biểu thảo luận

Thống nhất việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho rằng, đây là những vấn đề rất thiết thực nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập, góp phần xây dựng thị trường quảng cáo Việt Nam phát triển vì lợi ích chung của toàn xã hội.

Góp ý về quảng cáo trên báo in, báo nói, báo hình, đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho rằng, trước xu thế phát triển của quảng cáo trên mạng thì việc tăng diện tích, tăng thời lượng quảng cáo cho báo chí là một trong những yếu tố quan trọng và rất cần thiết, phần nào góp phần cho các cơ quan báo chí tăng nguồn thu, giải quyết khó khăn trong việc thực hiện tự chủ tài chính. Tuy nhiên, quan trọng vẫn là đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình và tăng chất lượng cho các nội dung quảng cáo chứ không chỉ tăng thời lượng, diện tích quảng cáo lên quá nhiều, dễ ảnh hưởng đến thị hiếu của bạn đọc, bạn xem đài.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động để việc quy định tăng diện tích, thời lượng quảng cáo có tỷ lệ thực sự phù hợp và thuyết phục hơn. Bên cạnh đó, cần có những quy định ràng buộc về tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng loại hình báo chí khác nhau.

Nên thiết kế có tính năng lựa chọn hoặc không lựa chọn quảng cáo

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012 với các cơ sở chính trị - pháp lý, thực tiễn được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Các nội dung trong dự thảo luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

tam.jpg
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu thảo luận

Về yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt (khoản 7 Điều 1 dự thảo Luật), đại biểu cho rằng, tại khoản 2 Điều 19 Luật Quảng cáo năm 2012 đã giao Chính phủ quy định về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt. Để triển khai, cụ thể hóa nội dung này, ngày 14/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quảng cáo, theo đó đã quy định về nội dung này theo hướng Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương có trách nhiệm xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực được phân công quản lý hoặc theo phân cấp thẩm quyền xác nhận theo quy định. Dự thảo Luật lần này đã đưa một số nội dung yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt tại một số Nghị định vào trong dự thảo luật.

Theo đại biểu, về vấn đề này thiết nghĩ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, mang tính kỹ thuật, chuyên ngành, có tác động trực tiếp đến sức khoẻ của con người và có thể biến động theo từng thời kỳ; hơn nữa sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và việc quảng cáo các sản phẩm này đã được các luật chuyên ngành quy định. Vì vậy, để linh hoạt, chủ động trong quy định, trong quản lý, đại biểu đề nghị quy định theo hướng: đối với những nội dung đã được quy định trong luật chuyên ngành thì không quy định lại mà chỉ viện dẫn tại dự thảo Luật, đồng thời, giao Chính phủ quy định yêu cầu về nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt khác khi có phát sinh trên thực tế.

Đối với việc quảng cáo trên mạng (Khoản 11 Điều 1), đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi Điều 23 theo hướng bổ sung quy định chi tiết, cụ thể hơn các hoạt động quảng cáo trên mạng; việc tuân thủ các quy định khi quảng cáo trên mạng; trách nhiệm của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo... các nội dung này đại biểu cơ bản đồng tình.

Tuy nhiên, đối với vấn đề quảng cáo trên mạng, đại biểu cho rằng, hiện nay việc sử dụng các phương tiện điện tử có kết nối Internet tất cả mọi lứa tuổi đều sử dụng, bao gồm cả trẻ em; trong khi đó việc quảng cáo trên các phương tiện điện tử là hoạt động tự động, không phụ thuộc vào sự lựa chọn của người sử dụng. Mặt khác, hoạt động quảng cáo trên mạng rất đa dạng, bao gồm cả các nội dung nhạy cảm và thậm chí có yếu tố không phù hợp với một số đối tượng, lứa tuổi. Tuy nhiên, tại điểm b khoản 2 Điều 23 mới chỉ quy định “b) Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế tính năng để có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 6 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 2 lần quảng cáo liên tiếp; cho phép từ chối quảng cáo hoặc báo nội dung quảng cáo không phù hợp”.

Đại biểu cho rằng, với thời gian 6 giây thì người sử dụng mạng cũng đã nhận biết, tiếp cận được hết nội dung quảng cáo, bao gồm cả nội dung quảng cáo không mong muốn. Do đó, đại biểu đề nghị Bam soạn thảo nghiên cứu dự thảo Luật quy định theo hướng phải thiết kế tính năng có sự lựa chọn quảng cáo hay không quảng cáo.

Về khái niệm Quảng cáo, theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, khoản 1 Điều 2 Luật Quảng cáo năm 2012 đã quy định “Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.

1(3).jpg
Quang cảnh phiên họp

Đại biểu cho rằng, khái niệm này còn rất chung chung, khó phân biệt để áp dụng trên thực tế. Hiện nay, có nhiều ý kiến không thống nhất trong cách hiểu khi có tình huống phát sinh (nội dung này là hoạt động quảng cáo hay không phải là hoạt động quảng cáo). Đại biểu lấy ví dụ vừa rồi trên tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, Tập đoàn Sơn Hải có gắn một số biển báo giao thông trong đó có nội dung “Vào đường Sơn Hải bảo hành 10 năm” sau đó đã bị tháo dỡ vì liên quan đến quy định về bảo hành đường bộ.

“Xung quanh việc này thì dự luận đặt ra vấn đề nội dung trên có phải là hoạt động quảng cáo hay không?”, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đặt câu hỏi và đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu nội dung này để bổ sung vào dự thảo luật, đảm bảo phù hợp thực tiễn và thống nhất trong áp dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO