Nhân dịp này, Bộ Công Thương đã công bố Trục Phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam tại địa chỉ www.CeCA.gov.vn. Hệ thống này sẽ đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ các CeCA trong hoạt động cung cấp dịch vụ, đồng thời, cung cấp cổng tra cứu, xác thực hợp đồng điện tử cho bên thứ ba.
Hiện nay, Hợp đồng điện tử đã có đủ căn cứ pháp lý tương đương với hợp đồng giấy. Việc Bộ Công Thương ra mắt hệ thống xác thực hợp đồng điện tử có thể xem như sự bảo đảm của cơ quan Nhà nước đối với các tài liệu đã ký kết; giúp các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có thêm căn cứ và cơ sở triển khai hình thức ký kết từ xa một cách rộng rãi.
Để có thể kiểm tra, xác thực được giá trị như bản gốc của hợp đồng điện tử, Trung tâm Tin học và Công nghệ số đã phối hợp cùng các doanh nghiệp CNTT, viễn thông, hạ tầng số cùng xây dựng các giải pháp hỗ trợ bên thứ 3 như ngân hàng, kiểm toán, cơ quan giải quyết tranh chấp, cơ quan thuế, các đơn vị liên quan khác. Theo đó, dù không lưu trữ nội dung hợp đồng, với việc áp dụng một quy trình khép kín, sử dụng mã băm, kết hợp chữ ký số, dấu thời gian, hợp đồng điện tử sau khi được chứng thực sẽ có khả năng tra cứu, xác thực tính toàn vẹn, tính chống chối bỏ của chủ thể ký và đảm bảo tính bảo mật thông tin cho nội dung hợp đồng.
Như vậy, bên thứ 3 sẽ không chủ động biết được nội dung hợp đồng điện tử đã ký, nhưng khi bên thứ 3 được cung cấp tài liệu hợp đồng điện tử đã được ký và chứng thực, thì việc tra cứu, xác minh giá trị như bản gốc của hợp đồng điện tử sẽ được thực hiện dễ dàng.
Theo ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số, Cục thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), hiện đã có 17 đơn vị gửi công văn, hồ sơ đề nghị cấp đăng ký. Trong đó, 6 đơn vị đã tiến hành khảo sát và tích hợp với Trục Phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam. Mỗi giao dịch hợp đồng điện tử sẽ gắn kèm với quy chế về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, xử lý các yếu tố phát sinh trong quá trình giao kết và thực thi hợp đồng. Nhờ đó, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các bên thứ 3 sẽ có một cơ quan trung gian đủ tin cậy để giải quyết các vấn đề phát sinh khi thực hiện giao kết, hợp đồng dưới dạng điện tử. Dự kiến trong tháng 6, tháng 7, các đơn vị đầu tiên đảm bảo đủ yếu tố vận hành dịch vụ sẽ được cấp đăng ký.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, để xây dựng các giải pháp hỗ trợ, phát triển, ứng dụng hợp đồng điện tử rộng rãi tại Việt Nam, Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các tổ chức trọng tài thương mại, các cơ quan giải quyết tranh chấp; các nhà cung cấp dịch hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; các tổ chức chứng thực chữ ký số, dấu thời gian và các Tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng hợp đồng điện tử.
Việc phát triển hợp đồng điện tử tại Việt Nam cần phải đáp ứng đủ các tiêu chí, yêu cầu để hoàn tất quy trình ứng dụng thương mại điện tử, công nghệ thông tin trong hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt là giúp kết nối các nền tảng công nghệ, các hạ tầng số tin cậy của Chính phủ đến các doanh nghiệp, tổ chức, người dùng thông qua các giao dịch thương mại.
Các CeCA sau khi được cấp đăng ký, có thể cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử với quy trình đảm bảo tính bảo mật, chống chối bỏ, toàn vẹn dữ liệu và sẵn sàng khả năng kiểm tra, xác thực giá trị như bản gốc của hợp đồng điện tử.