Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017

04/05/2017 00:00

(TN&MT) - Chiều 4/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017, thông tin với báo chí về nhiều nội dung được dư luận xã hội quan tâm thời gian qua.

Cùng dự và chủ trì phiên họp báo có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn; đại diện lãnh đạo các Bộ: Công an, Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4/2017 chuyển biến tích cực

Thông tin về tình hình kinh tế xã hội tháng 4/2017, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2017, kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực. Mặc dù trong quý I tăng trưởng mới đạt 5,1% do nhiều nguyên nhân, nhưng tình hình tháng 4 chuyển biến tích cực hơn.

Toàn cảnh buổi họp báo tháng 4/2017
Quang cảnh buổi họp báo tháng 4/2017

Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 không tăng mặc dù đã điều chỉnh giá dịch vụ y tế bước hai tại 14 tỉnh, thành phố. Tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi, nhất là sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 7,4%, cao hơn 4,2% của quý I. Tín dụng tăng cao nhất trong 6 năm gần đây, đạt 4,86%, cùng kỳ chỉ 3%. Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh (tăng 15,4%, nhất là nhóm hàng công nghiệp chế biến, nông sản). Vốn FDI đăng ký mới, góp cổ phần và đăng ký bổ sung tăng mạnh (đạt 10,6 tỷ USD, tăng 40,5%). Thu ngân sách Nhà nước tăng khá, đạt 32,7% dự toán, tăng 17,8% so với cùng kỳ. Thành lập mới doanh nghiệp đạt mức cao với gần 40.000 doanh nghiệp đăng ký mới, tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung là 825.000 tỷ đồng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo.

“Không khí đầu tư, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp tại các địa phương, của các doanh nghiệp đều khởi sắc, rất đáng hoan nghênh”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng cho rằng, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục gặp những khó khăn, thách thức. Một số ngành kinh tế tiếp tục gặp khó khăn, nhất là khu vực công nghiệp, lĩnh vực khai khoáng và trồng trọt, chăn nuôi. Tình hình thị trường một số lĩnh vực còn bất ổn, công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập. Nhiều mặt hàng nông sản giá còn thấp; đặc biệt giá thịt lợn hơi rất thấp, kéo dài, gây hậu quả lớn cho người chăn nuôi.

Ngành công nghiệp tăng thấp (4 tháng tăng 5,1%, thấp hơn nhiều so cùng kỳ); trong đó khai khoáng tiếp tục suy giảm. Việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản 4 tháng mới đạt 19% dự toán, so với kết quả 3 tháng có tiến bộ đáng mừng nhưng vẫn thấp. Xuất khẩu nhiều mặt hàng có thế mạnh tăng chậm hoặc giảm, trong đó, gạo giảm 8,1%, hạt tiêu giảm 16%, trong khi nhập khẩu những mặt hàng trong nước có thể sản xuất lại tăng mạnh (sắt thép, xăng dầu, hóa chất, thức ăn gia súc…); nhập siêu còn lớn, trên 2,7 tỷ USD.

Quảng cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017
Quang cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017

Việc cơ cấu lại, cổ phần hóa và thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước những tháng qua rất chậm. Mặc dù số lượng nhiều và đang tăng mạnh nhưng khu vực doanh nghiệp tư nhân chủ yếu là nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp. Tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, 4 tháng có trên 4.000 doanh nghiệp giải thể.

Tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cung cấp thêm thông tin liên quan tới một vấn đề đang được dư luận quan tâm và cũng được Chính phủ thảo luận tại phiên họp. Đó là vấn đề tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi; giá thịt lợn nói riêng và giá cả, thị trường các mặt hàng nông sản nói chung.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói: “Như chúng ta đã biết, trong khi giá lợn hơi rất thấp (có lúc chỉ 15.000-18.000 đồng/kg) thì giá thịt lợn tại các thành phố lớn vẫn khá cao (siêu thị vẫn bán giá khoảng 100.000 đồng/kg). Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khẩn trương khắc phục. Trong đó, khâu giết mổ, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, thị trường, siêu thị thế nào mà để người chăn nuôi thiệt hại quá lớn. Rà soát ngay các quy hoạch, kế hoạch và tình hình sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm thuộc phạm vi quản lý. Tinh thần là không được để xảy ra những trường hợp tương tự. Các Bộ chức năng cần đẩy mạnh đàm phán tìm thị trường cho chăn nuôi, đặc biệt là các sản phẩm từ lợn, cả khu vực biên mậu và chính ngạch. Ngành ngân hàng cần rà soát, có biện pháp khoanh nợ, giãn nợ. Có biện pháp hỗ trợ các cơ sở chế biến tăng cường thu mua, chế biến sản phẩm và kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu”.

Nhìn rộng hơn, giá cả, thị trường nông sản nói chung là một khâu yếu cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và tập trung khắc phục.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin: Về lâu dài, cần triển khai các giải pháp hạ giá thành sản xuất, tăng cường chế biến sâu; điều chỉnh quy mô và cơ cấu chăn nuôi phù hợp với thị trường, tổ chức theo chuỗi giá trị. Các Bộ cần rà soát, đánh giá, làm rõ những điểm còn bất cập, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước, nhất là về quy hoạch, kế hoạch, hệ thống thông tin giá cả, thị trường… không để tình trạng người nông dân bị động chạy theo thị trường dẫn đến thua thiệt lớn như trong nuôi lợn hiện nay. “Hiện nay, chúng ta đang có chủ trương đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, đây là chủ trương đúng đắn nhưng cần đặc biệt chú ý thị trường tiêu thụ để phát triển hiệu quả, bền vững” – Người phát ngôn của Chính phủ cho hay.

Thảo luận một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Nghị định

Nội dung lớn thứ hai của phiên họp là các vấn đề thể chế. Tại phiên họp, Chính phủ nghe và thảo luận về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của một số Nghị định: Quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị; quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu giá tài sản; quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý và Khai thác cảng biển; quy định chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu.

Riêng về nghị định về điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị, các thành viên Chính phủ thống nhất cho rằng việc ban hành Nghị định này là cần thiết, nhưng phạm vi điều chỉnh chỉ quy định về điều kiện kinh doanh, tức là chỉ điều chỉnh người bán. Bộ Công an đã tiếp thu các ý kiến góp ý và đã có sự diều chỉnh. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an cần giải thích rõ hơn nữa về các nội dung của nghị định, đồng thời bảo đảm công khai, minh bạch, chống xin cho khi cấp phép.

Về chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương và kỳ họp Quốc hội sắp diễn ra, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện các Đề án, báo cáo theo phân công và chuẩn bị tốt việc giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Tại phiên họp Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng đã báo cáo về tình hình kiểm tra các bộ ngành, địa phương trong tháng 4/2017 và tình hình các bộ ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao thời gian qua.

Kết luận vấn đề này, Thủ tướng đồng tình với các kiến nghị của Tổ công tác, yêu cầu tăng cường đôn đốc, kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện; kiên quyết không để chậm trễ và thực hiện kém chất lượng, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và báo cáo cụ thể tại phiên họp Chính phủ hàng tháng, thường xuyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh để có biện pháp giải quyết, xử lý kịp thời.

Tại phiên họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cung cấp thêm thông tin về tình hình tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của người dân và doanh nghiệp. Từ khi Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh kiến nghị của người dân trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ (ngày 03/4/2017) chính thức đưa vào hoạt động, đến hết ngày 30 tháng 4 năm 2017, Văn phòng Chính phủ đã tiếp nhận được 637 phản ánh, kiến nghị thuộc phạm vi xử lý, chiếm 30% so với tổng số phản ánh, kiến nghị đã gửi (637/2.118). Trong đó, Văn phòng Chính phủ đã phân loại, gửi các Bộ, ngành, địa phương để xem xét, xử lý 149 phản ánh, kiến nghị của người dân. Đối với các phản ánh, kiến nghị còn lại (471 phản ánh, kiến nghị), đang đề nghị người dân bổ sung thông tin làm cơ sở chuyển các bộ, ngành, địa phương xem xét, xử lý.

Về việc nhận, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, từ ngày 01/10/2016 (thời điểm công bố Hệ thống tiếp nhận và trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ) đến ngày 30/4/2017, Văn phòng Chính phủ đã chuyển 457 phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan liên quan xem xét, xử lý và nhận được 341 văn bản trả lời, đã đăng công khai lên Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Riêng tháng 4/2017, Văn phòng Chính phủ đã xử lý, chuyển 102 phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan liên quan xem xét, xử lý theo quy định.

“Như vậy, bước đầu đã chứng tỏ đây là cơ chế hiệu quả, thiết thực để hiện thực hóa quyết tâm của Chỉnh phủ, Thủ tướng Chỉnh phủ về xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt phục vụ Nhân dân, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính vì sự thịnh vượng của đất nước” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Thúy Hằng - Phạm Thiệu

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO