Biển đảo

Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”

Hoài Thu 05/12/2023 14:05

(TN&MT) - Ngày 5/12, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì và phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 36, đề xuất một số nhiệm vụ và giải pháp cho phát triển bền vững kinh tế biển trong tình hình mới.

anh-chup-man-hinh-2023-12-05-luc-13.12.11.png
PGS.TS Lê Hải Bình – Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo khoa học có PGS.TS Lê Hải Bình – Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc Gia Hà Nội; đồng chí Nguyễn Quế Lâm, Phó Trưởng Ban Chuyên trách Ban chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương, Vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại và hợp tác quốc tế, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng đại diện Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, cơ quan, địa phương có liên quan đến công tác biển, đảo cùng đại diện một số cơ sở giáo dục đào tạo, viện nghiên cứu và các chuyên gia, nhà khoa học lĩnh vực biển, đảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Lê Hải Bình – Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, theo Nghị quyết số 36 –NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khoá XII “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu, các chủ trương lớn và các giải pháp chủ yếu trong phát triển kinh tế biển, để đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn.

Sau 5 năm triển khai Nghị quyết 36, kinh tế biển đã có được những bước phát triển quan trọng, tạo ra được những động lực phát triển cho từng địa phương và cho cả nước. Đồng thời, định hướng nội dung, phương thức tuyên truyền biển, đảo trên toàn quốc năm 2024 và những năm tiếp theo.

Qua đó, để xây dựng và phát triển kinh tế biển đóng góp vào nền kinh tế đất nước, giải quyết các vấn đề quốc tế, cần thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khuyến khích các nhà khoa học đẩy mạnh các công trình khoa học nghiên cứu về biển, đảo; đồng thời, góp phần phản bác hoạt động, luận điệu của các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề liên quan đến biển, đảo làm tổn hại đến đất nước ta.

anh-chup-man-hinh-2023-12-05-luc-13.12.47.png
PGS.TS Phạm Bảo Sơn – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

PGS.TS Phạm Bảo Sơn – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nêu rõ, Việt Nam là quốc gia biển, biển đảo có vị trí chiến lược trọng yếu trên các phương diện quốc phòng, kinh tế, hợp tác quốc tế. Do vậy, phát triển kinh tế biển Việt Nam phải hài hoà, phù hợp với mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng. Trên cơ sở đó, đóng góp của các nhà khoa học trong việc nghiên cứu, phát triển kinh tế biển ngày càng được coi trọng. Đại học Quốc gia Hà Nội, với ưu thế vượt trội về các nghiên cứu liên ngành, sẽ là nơi cung cấp nhiều nghiên cứu về biển đảo liên quan đến lịch sử phát triển, các ưu thế về tự nhiên, các nguồn tài nguyên, cũng như các mô hình phát triển kinh tế biển,….

anh-chup-man-hinh-2023-12-05-luc-13.13.37.png
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, nhiệm vụ đưa đất nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển và giàu từ biển cần phải xác định được tầm quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế biển. Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể, tuy nhiên một số mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về biển vẫn còn hạn chế, chưa phát huy tốt lợi thế, tiềm năng của biển.

Liên kết giữa các vùng ven biển, giữa vùng, địa phương ven biển với vùng, địa phương trong đất liền; giữa các ngành, lĩnh vực liên quan đến biển còn thiếu chặt chẽ, kém hiệu quả; các vấn đề ô nhiễm môi trường, suy thoái hệ sinh thái có nguy cơ gia tăng bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng. Do đó, nghiên cứu để đề xuất các mô hình phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững là vấn đề cấp thiết.

anh-chup-man-hinh-2023-12-05-luc-13.16.27.png
Đại tá Nguyễn Quốc Doanh – Phó Tham mưu trưởng quân chủng Hải quân – Bộ Tư lệnh quân chủng Hải quân trình bày tham luận

Đại tá Nguyễn Quốc Doanh – Phó Tham mưu trưởng quân chủng Hải quân – Bộ Tư lệnh quân chủng Hải quân trình bày tham luận về vai trò của Biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước bối cảnh tình hình mới và gắn với an ninh quốc phòng, an sinh xã hội đã nhấn mạnh quan điểm, để phát triển kinh tế biển theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cần phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hoá xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh trên các vùng biển đảo Tổ quốc, nhất là vùng biển phía Bắc và Vịnh Bắc Bộ, vùng biển Trường Sa, DK1 và vùng biển Tây Nam.

Đồng thời, tiếp tục mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác quốc phòng. Xây dựng môi trường hoà bình ổn định trong khu vực và trên Biển Đông để bảo vệ chủ quyền độc lập, phát triển đất nước.

TS. Dư Văn Toán, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo cho biết, định hướng sử dụng không gian biển cho các ngành kinh tế biển và điện gió ngoài khơi, trong đó, ông nêu lên khu vực tiềm năng có khả năng xây dựng điện gió gần bờ với 14.330 km2 ứng với 11% tổng diện tích khu vực tiềm năng, chủ yếu tập trung tại các tỉnh Quảng Ninh, TP. Hải Phòng, Hà Tĩnh, Thái Bình,… còn lại là điện gió ngoài khơi chiếm 89% (gần 116.000km2).

Do đó, để phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam đạt hiệu quả, cần cấp phép khảo sát đo gió, đo biển; quy hoạch không gian biển quốc gia (2024 – 2025); quy hoạch khai thác tổng thể tài nguyên vùng bờ; xây dựng các chiến lược quốc gia về BĐKH, chiến lược tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, cần có một lộ trình phát triển dài hạn năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi và quy hoạch điện, quy hoạch năng lượng gắn với các nền kinh tế khác…

anh-chup-man-hinh-2023-12-05-luc-13.14.31.png
Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”

Hội thảo đã thu hút được sự tham gia và đóng góp ý kiến của nhiều nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, các tổ chức, doanh nghiệp và các bài tham luận đến từ đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, địa phương; cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu; chuyên gia trong lĩnh vực biển, đảo... Các bài tham luận xoay quanh nhiều chủ để như: Chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong phát triển bền vững kinh tế biển; thực trạng phát triển các ngành kinh tế biển của Việt Nam hiện nay; công tác đối ngoại, tuyên truyền, thông tin đối ngoại liên quan đến vấn đề Biển đảo hiện nay…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO