Hội thảo “Để khởi nghiệp ĐBSCL thêm hiệu quả”

11/09/2018 16:49

(TN&MT) - Ngày 11/9, tại TP.Bến Tre (Bến Tre), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) đã phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre, Mạng lưới Khởi nghiệp ĐBSCL tổ chức Hội thảo về khởi nghiệp mang tên “Để khởi nghiệp ĐBSCL thêm hiệu quả”.

tre1
Ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc phụ trách VCCI Cần Thơ, Chủ tịch Mạng lưới Khởi nghiệp ĐBSCL phát biểu về thực trạng khởi nghiệp ĐBSCL
 

Theo đánh giá của VCCI Cần Thơ, sau 02 năm thực hiện Nghị quyết 35 của Thủ tướng Chính phủ về tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và phát triển doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, nhiều địa phương trên cả nước đã tập trung các hoạt động khởi nghiệp. Tại ĐBSCL, hầu hết các tỉnh, thành đều xây dựng các đề án, kế hoạch chương trình khởi nghiệp, một số tỉnh thành lập hội đồng, ban... để triển khai chương trình, kế hoạch dài hạn.

Trong giai đoạn 2015 - 2017, ĐBSCL đã đạt được những kết quả tích cực, tăng 12% số doanh nghiệp thành lập mới, một số tỉnh vượt trội như: Bến Tre bình quân 32%, Hậu Giang 35%, Long An 16%; Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ tăng 11%. Đây là một mức tăng trưởng khá về phát triển doanh nghiệp so với một số vùng miền, một tín hiệu đáng mừng là sơ bộ thống kê từ các địa phương sau 02 năm thực hiện Nghị quyết 35 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, nhìn về tốc độ phát triển doanh nghiệp so với cả nước thì ĐBSCL còn đang ở mức thấp hơn mức 16% bình quân cả nước, và tính trên bình quân 1.000 dân thì đến năm 2017, cả nước có 6,05 doanh nghiệp, trong khi con số này ở ĐBSCL là 2,7 doanh nghiệp. Điều này cho thấy ĐBSCL vẫn còn những hạn chế trong điều kiện phát triển, vấn đề nhân lực…

Từ thực tế nói trên, ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc phụ trách VCCI Cần Thơ, Chủ tịch Mạng lưới Khởi nghiệp ĐBSCL cho rằng: ĐBSCL vẫn còn thiếu nhiều yếu tố so với các tỉnh khác để quá trình khởi nghiệp thêm hiệu quả. Cụ thể, ĐBSCL cần có sự hỗ trợ thêm của các cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nghiệp non trẻ cần có các doanh nghiệp đầu đàn dẫn dắt, dù vốn lớn đến đâu nhưng không có các doanh nghiệp đầu đàn dẫn dắt thì rất khó đi đến thành công.

Bên cạnh đó, thị trường phải có sự đón nhận của người tiêu dùng, nếu so với cả nước, ĐBSCL là thị trường tiêu thụ lớn nhưng thiếu sự đa dạng về hàng hóa, các sản phẩm khởi nghiệp đưa ra thị trường chưa được đón nhận. Trong đó, về yếu tố con người, các bạn trẻ, các bạn sinh viên còn thiếu kĩ năng mềm như thuyết trình, thuyết phục khách hàng, nhà đầu tư. Đồng thời, nguồn lực tài chính cho quá trình khởi nghiệp chưa đủ mạnh, cần thêm sự hỗ trợ của các tổ chức, nhà đầu tư.

tre2
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, kiêm Chủ tịch Hội đồng Khởi nghiệp tỉnh Bến Tre Phan Văn Mãi chia sẻ về kết quả đạt được đối với khởi nghiệp sáng tạo, khởi nghiệp sinh kế của Bến Tre
 

Chia sẻ tại Hội thảo về kết quả đạt được đối với khởi nghiệp sáng tạo, khởi nghiệp sinh kế của Bến Tre, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, kiêm Chủ tịch Hội đồng Khởi nghiệp tỉnh Bến Tre Phan Văn Mãi cho biết: Từ năm 2016, tỉnh Bến Tre đã khởi động Chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp”.

Cũng theo ông Phan Văn Mãi, qua 02 năm phát động chương trình, Bến Tre đã đạt được những kết quả nhất định. Đó là, tinh thần khởi nghiệp được lan tỏa rộng khắp, góp phần rất lớn vào việc thay đổi tư duy, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thúc đẩy phát triển sản xuất và kinh doanh.

Bên cạnh đó, môi trường khởi nghiệp từng lúc được phát triển, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương. Cụ thể 02 năm qua có trên 12.000 hộ kinh doanh cá thể được thành lập, nâng tổng số doanh nghiệp của tỉnh lên 3.920; tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp mới đạt 28%, quy mô vốn trong doanh nghiệp tăng 1,7 lần; đóng góp của các doanh nghiệp từ 3,4% lên 13,1% trong năm 2017.

Còn đối với hoạt động khởi nghiệp thoát nghèo, tỉnh Bến Tre cũng đã có trên 12.000 hộ tham gia, có trên 4.000 hộ thoát nghèo thành công. Ngoài ra, Bến Tre cũng đã thu hút 68 dự án trong nước, tổng vốn đăng ký đạt 22.630 tỉ đồng; toàn tỉnh Bến Tre có 195 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký gần 36.351 tỉ đồng.

tre3
Quang cảnh buổi Hội thảo “Để khởi nghiệp ĐBSCL thêm hiệu quả”
 

Từ những kết quả nói trên, ông Phan Văn Mãi cho rằng: Để kiến tạo được môi trường khởi nghiệp của vùng và của mỗi địa phương, để khởi nghiệp vùng ĐBSCL thêm hiệu quả thì các địa phương, các tổ chức và các doanh nghiệp cần phải đi cùng nhau, hợp tác để tận dụng thế mạnh của nhau cùng triển khai thật nhiều các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã góp ý thảo luận xung quanh vấn đề làm sao khởi nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, các đại biểu cho rằng, để hoạt động khởi nghiệp không chạy theo phong trào mà các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan hữu quan của Nhà nước trước hết phải nhìn nhận khởi nghiệp là vấn đề mang tính chiến lược, có ý nghĩa thực sự đối với xã hội và cộng đồng trong phát triển kinh tế. Đồng thời, phải hết sức nghiêm túc trong việc phối hợp thực hiện để chương trình khởi nghiệp trở thành công việc thường xuyên và dài hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo “Để khởi nghiệp ĐBSCL thêm hiệu quả”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO