Dự án do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Liên minh châu Âu EU đồng tài trợ thông qua Quỹ WARM. Mục tiêu nhằm hỗ trợ TP. Đông Hà theo đuổi tăng trưởng kinh tế - xã hội xanh, bao trùm và phát triển bền vững. Hoạt động cụ thể bao gồm khắc phục những thiếu hụt về cơ sở hạ tầng hiện có: Xây kè quanh Hói Sòng; kè bờ Tây sông Thạch Hãn và bờ Bắc sông Vĩnh Phước; cải tạo hệ thống thoát nước hạ lưu hồ Trung Chỉ; cải tạo hệ thống thoát nước hạ lưu hồ Khe Mây; nâng cấp hạ tầng Nam sông Hiếu; cải tạo chỉnh trang các tuyến phố dọc hai bên đường sắt Bắc - Nam đoạn qua TP. Đông Hà; nâng cấp, cải tạo hệ thống hạ tầng các khu thu nhập thấp. Bên cạnh đó, dự án sẽ hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực quản lý, vận hành công trình cho các bên liên quan.
Theo ông Phạm Văn Dũng, Phó Chủ tịch thành phố Đông Hà, thành phố nằm ở vị trí địa lý và địa hình chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Thời gian qua, hạn hán, lũ lụt và nước mặn xâm nhập đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Bởi vậy, việc cải thiện cơ sở hạ tầng, giảm thiểu tác động của BĐKH rất quan trọng, giúp TP tăng cường khả năng chống chịu và có điều kiện phát triển kinh tế.
Tại Hội thảo, đại diện BERIM - đơn vị tư vấn nghiên cứu khả thi đã chia sẻ các kết quả nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu, khả năng chống chịu và các giải pháp đề xuất cho thành phố Đông Hà, kết quả thiết kế của các hạng mục đề xuất. Đại diện lãnh đạo UBND thành phố Đông Hà, các Sở, ban, ngành tỉnh Quảng Trị, đại diện EU, AFD, Tổ chức Sáng kiến Phát triển Các thành phố cho Châu Á và các chuyên gia đã cùng thảo luận xung quanh các vấn đề về các phương án thiết kế, đánh giá tác động môi trường - xã hội. Theo ông Conan Herve, Giám đốc AFD, các ý kiến, giải pháp này sẽ được tổng hợp để giúp công ty tư vấn và thành phố hoàn thiện phương án thiết kế đem lại hiệu quả tối ưu.
Trong số 9 dự án nhận tài trợ từ Quỹ WARM, thành phố Đông Hà là một trong những thành phố đầu tiên được chọn để thực hiện thí điểm Quyết định số 84 của Chính phủ Việt Nam về tạo lập các khu đô thị liên quan đến tăng trưởng xanh; chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế đô thị sang tăng trưởng xanh. Ngoài việc nâng cao tính đáng sống của thành phố, giúp thành phố Đông Hà chống chịu tốt hơn với biến đổi khí hậu, dự án còn tập trung vào việc hòa nhập xã hội của các nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người già. Dự án bắt đầu nghiên cứu thực địa và báo cáo lần đầu vào tháng 1/2022. Sau Hội thảo giữa kỳ, dự kiến tháng 6/2022, sẽ có đầy đủ báo cáo cuối cùng để trình phê duyệt đầu tư.