Hoàn thiện pháp luật về phòng chống thiên tai

12/03/2019 11:45

(TN&MT) - Khảo sát của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc - UNICEF, khoảng 80% người được hỏi cho rằng, hệ thống phòng chống thiên tai (PCTT) của Việt Nam từ Trung ương đến địa phương hiện chưa đáp ứng được nhu cầu của nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần bổ sung điều chỉnh các Luật và văn bản quy phạm pháp luật về PCTT để hoàn thiện, đồng bộ hơn, giúp nâng cao hiệu lực quản lý và hiệu quả hoạt động của công tác này.

T8
Diễn tập phòng chống thiên tai. Ảnh: MH

Rà soát các “khoảng trống”

Theo ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), thực tiễn của diễn biến thiên tai, những tác động bất lợi của thời tiết do biến đổi khí hậu và yêu cầu thực tiễn về phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho thấy, vẫn còn những yêu cầu cần giải quyết nhưng chưa được pháp luật hiện hành đề cập đầy đủ, hoặc có đề cập nhưng không còn phù hợp. Đây là những khoảng trống cần được xem xét bổ sung.

Luật PCTT đã được ban hành từ năm 2013 nhưng qua thời gian thi hành, một số quy định đã bộc lộ hạn chế, bất cập, chưa sát với thực tiễn và bối cảnh thiên tai trong giai đoạn hiện nay. Quá trình rà soát Luật PCTT và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan cho thấy, vẫn còn loại hình thiên tai chưa được phân cấp rủi ro thiên tai; một số cấp độ rủi ro thiên tai được phân cấp chưa phù hợp với thực tiễn gây khó khăn trong chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai. Bất cập trong việc triển khai thực hiện Quỹ PCTT do việc quy định đối tượng miễn giảm, mức thu, các nội dung chi... về Quỹ PCTT còn chưa phù hợp với thực tiễn và chưa có Quỹ PCTT  Quốc gia để ứng phó và khắc phục hậu quả khẩn cấp.

Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng chưa quy định phân cấp trong việc ban bố tình trạng thiên tai khẩn cấp thuộc phạm vi cấp vùng và cấp tỉnh, hay việc tiếp nhận viện trợ nhân đạo của các quốc gia, tổ chức quốc tế để hỗ trợ khắc phục hậu quả và tái thiết thiên tai nên thực tế triển khai còn gặp nhiều khó khăn…

Mới đây, UNICEF đã thực hiện một cuộc phỏng vấn toàn diện các đầu mối làm công tác PCTT các cấp, từ Trung ương đến địa phương, các cơ quan, cán bộ liên quan cũng như các tổ chức báo chí nhằm đánh giá khoảng trống năng lực của hệ thống quản lý thiên tai hiện nay. Theo TS. Ian Wilderspin, kết quả quả phỏng vấn đã chỉ ra một số vấn đề tồn tại xuyên suốt. Đa số các tỉnh hiện không có chương trình PCTT riêng cho các đối tượng dễ bị tổn thương (phụ nữ, người nghèo, chủ hộ đơn thân, các hộ có người khuyết tật và trẻ em), trong khi đây là nhóm đối tượng được ưu tiên trong các chương trình, dự án lớn. Hầu hết, UBND tỉnh báo cáo họ quan tâm đến trẻ em nhưng không có kinh phí cho các hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu lấy trẻ em là trung tâm; thiếu các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ về việc hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương. Dễ dàng nhận thấy, nhóm đối tượng này chưa phát huy được vai trò trong các sáng kiến giảm nhẹ rủi ro thiên tai (GNRRTT) và xây dựng kế hoạch hành động PCTT cấp cơ sở dành cho chính họ.

Đáp ứng hoàn cảnh mới

Trước những thách thức trong công tác PCTT hiện nay, theo TS. Bùi Nguyên Hồng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão, cần thiết phải rà soát các Luật và văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, nhiệm vụ phòng, chống thiên tai phát sinh những yêu cầu mới cần có những quy định phù hợp. Bên cạnh đó, việc sửa đổi cũng nhằm phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật khác mới ban hành, tạo thành hệ thống các văn bản pháp quy đầy đủ, đồng bộ. Nội dung luật hóa những cam kết quốc tế có liên quan đến các hoạt động phòng, chống thiên tai mà Việt Nam đã tham gia ký kết như Khung hành động Sendai về giảm nhẹ thiên tai với tầm nhìn 2030 (thay thế Khung hành động Hyogo), Hội nghị của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (BĐKH)…

Chỉ ra những tồn tại trong vấn đề hiểu biết các chiến lược, văn bản pháp lý, chương trình quốc gia liên quan đến phòng, chống thiên tai tại Việt Nam, TS. lan Wilderspin khuyến nghị, cần rà soát tất cả các luật và văn bản pháp lý có liên quan tới quản lý rủi ro thiên tai, xác định các vấn đề cần được ưu tiên điều chỉnh. Đồng thời, dự thảo các hướng dẫn ngắn gọn về quản lý rủi ro thiên tai cho các địa phương theo định hướng chuyển từ tập trung vào ứng phó thiên tai sang tập trung nhiều hơn vào giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng BĐKH. Giải thích rõ cơ chế phòng chống thiên tai để củng cố khung giám sát và đánh giá tổng hợp cho các hoạt động GNRRTT.

Việc giao quyền tự chủ nhiều hơn cho cơ quan phòng chống thiên tai cấp huyện và cấp xã sẽ giúp họ phản ứng nhanh hơn trước các tình huống khẩn cấp và chủ động tùy theo điều kiện địa phương. Bên cạnh đó, cần có dự thảo hướng dẫn tổng hợp, chỉ dẫn cụ thể cùng các biểu mẫu cho đánh giá thiệt hại và nhu cầu, hệ thống số hóa để Ban Chỉ huy PCTT cấp tỉnh có thể cập nhật dữ liệu trực tiếp lên ngân hàng dữ liệu quốc gia.

“Thực tế cho thấy, những năm gần đây, diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, có xu thế gia tăng cả về tần suất, phạm vi cũng như mức độ nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng hệ thống cơ sở hạ tầng và xã hội, gia tăng nguy cơ cho nhóm người dễ bị tổn thương. Chính vì vậy, việc sửa đổi những quy định cần thiết cũng là cơ sở để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống thiên tai, tạo thuận lợi cho việc thực thi pháp luật, nâng cao hiệu lực quản lý và hiệu quả hoạt động về phòng chống thiên tai”, TS. Bùi Nguyên Hồng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện pháp luật về phòng chống thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO