TS Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại hội thảo |
Tham dự có đại diện các cơ quan thuộc các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ; Tổng cục Thống kê, các viện nghiên cứu, trường đại học và các chuyên gia trong lĩnh vực biến đổi khí hậu.
TS Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: Cục BĐKH được Bộ TN&MT giao chủ trì xây dựng năm 2019. Một trong những nội dung quan trọng của BUR 3 là đưa ra kết quả kiểm kê quốc gia KNK cho năm cơ sở 2016. Trong các kỳ kiểm kê quốc gia KNK cho một số năm cơ sở trước đây (2014, 2013, 2010, 2005, 2000, 1994), việc thực hiện kiểm kê quốc gia KNK chủ yếu được thực hiện theo Hướng dẫn của Ban liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) phiên bản 1996 và 1996 sửa đổi. Hiện nay, việc kiểm kê KNK được thực hiện theo Hướng dẫn của IPCC phiên bản 2006 dù chưa phải bắt buộc theo quy định của quốc tế. Đây cũng là bước chuẩn bị cho thực hiện theo quy định bắt buộc trong việc xây dựng Báo cáo Minh bạch hai năm một lần (BTR) kể từ năm 2024 trở đi.
“Thực hiện trách nhiệm của một Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Việt Nam luôn xây dựng và đệ trình đúng hạn cho Ban thư ký Công ước các báo cáo quốc gia về biến đổi khí hậu”, ông Tăng Thế Cường nhấn mạnh.
Toàn cảnh buổi hội thảo |
Tại hội thảo, đại diện Cục Biến đổi khí hậu đã thông tin về quá trình thực hiện và kết quả ban đầu về kiểm kê quốc gia KNK cho năm cơ sở 2016 của 2 lĩnh vực AFOLU và chất thải. Trong đó, quá trình thực hiện kiểm kê quốc gia KNK gồm: thu thập, phân loại số liệu hoạt động; lựa chọn hệ số phát thải; tính toán phát thải KNK. Các đại biểu đã cùng thảo luận, tham vấn góp ý về các nội dung này, trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp hoàn thiện kiểm kê KNK năm cơ sở 2016.
Những ý kiến góp ý tại hội thảo sẽ được Cục Biến đổi khí hậu tiếp thu các để hoàn thiện dự thảo Báo cáo BUR 3. Dự kiến sẽ hoàn thành BUR3 sẽ được hoàn thành trong năm 2020.
Báo cáo cập nhật hai năm một lần (BUR) là một trong 3 báo cáo quan trọng mà các quốc gia cần đệ trình lên Ban Thư ký UNFCCC, bên cạnh Thông báo quốc gia (NC) và Báo cáo Minh bạch hai năm một lần (BTR). Thông qua các báo cáo này, UNFCCC sẽ nắm được tình hình phát thải khí nhà kính, thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải và thích ứng biến đổi khí hậu của mỗi bên nước. Từ đó, cân nhắc cách thức đối phó với biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu.
Việc đệ trình các BUR sẽ giúp cải thiện hoạt động báo cáo theo thông báo quốc gia và đẩy mạnh hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.