Hoàn thiện chính sách
Ngay từ đầu năm, lãnh đạo Bộ TN&MT đã xác định, lấy việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về TN&MT để tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn từ thực tiễn: Bộ đã chỉ đạo các đơn vị tập trung nguồn lực triển khai đánh giá tình hình thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch của các lĩnh vực có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường như: Đất đai, khoáng sản, biển và hải đảo, môi trường, tài nguyên nước. Xây dựng để ban hành các quy định giải quyết tháo gỡ các vướng mắc về đất đai, quản lý tài nguyên nước, khoáng sản để huy động nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tính đến ngày 10/12/2018, Bộ đã hoàn thành tổng kết, sơ kết 3 Nghị quyết quan trọng tác động đến các chủ trương, chính sách về TN&MT gồm: Tổng kết Nghị quyết 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, Nghị quyết số 19-NQ/CP về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Trên cơ sở kết quả, tổng kết, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 36-KL/TW về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XI. Xây dựng trình Quốc hội thông qua Luật Đo đạc và Bản đồ; sửa đổi, bổ sung một số điều về quy hoạch của Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Khí tượng thủy văn, Luật Đa dạng sinh học, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 136/2018/NĐ-CP sửa đổi một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực TN&MT; Nghị định sửa đổi bổ sung các Nghị định quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường.
Trong năm 2018, Bộ được giao trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 43 đề án, đến ngày 10/12/2018, Bộ đã trình 33 đề án, 6 đề án được rút ra khỏi chương trình công tác và chuyển sang năm 2019 (kết quả đạt 90,69%); Bộ trưởng Bộ TN&MT đã phê duyệt 27/31 Thông tư (đạt 87,10%) theo thẩm quyền. Đối với 4 Thông tư còn lại, hiện, các đơn vị trực thuộc Bộ đang khẩn trương hoàn thành để trình lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định ban hành.
Cải cách hành chính: Tập trung vào 3 trọng tâm
Bộ TN&MT tập trung đẩy mạnh chỉ đạo công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính với 3 trọng tâm là cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy và hiện đại hóa nền hành chính. Ngay từ đầu năm, Bộ đã ban hành Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) năm 2018 nhằm cụ thể hóa việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ và tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo theo Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ. Trên cơ sở kết quả CCHC đạt được từ năm 2017, Bộ tiếp tục quán triệt, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, phát huy sự phối hợp của các tổ chức đảng, đoàn thể trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch, CCHC; gắn trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ CCHC; lồng ghép CCHC với các nhiệm vụ chuyên môn, đưa vào nội dung giao ban định kỳ của đơn vị.
Bộ đã trình Chính phủ phê duyệt Nghị định số 136/2018/NĐ-CP ngày 5/10/2018 sửa đổi một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực TN&MT (Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký). Theo đó, Nghị định đã bãi bỏ, sửa đổi 102/163 điều kiện (chiếm 62,6%, vượt 12,6%) tập trung chủ yếu ở 6 lĩnh vực: Đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ; trong đó, bãi bỏ 77 điều kiện; sửa đổi 25 điều kiện; đồng thời Nghị định cũng bãi bỏ, đơn giản hóa 9 thủ tục hành chính (TTHC) có liên quan. Với việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh nêu trên, ước tính trung bình, hàng năm, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp khoảng 2.755 nghìn giờ công lao động và khoảng 37.095 triệu đồng/năm.
Bộ đã công bố và tổ chức thực thi phương án cắt giảm danh mục sản phẩm, hàng hóa và đơn giản hóa TTHC liên quan đến kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ; đã ban hành Thông tư số 03/2018/TT-BTNMT ngày 14/8/2018 sửa đổi, bãi bỏ các quy định TTHC liên quan đến kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ. Theo đó, đã cắt giảm được 38/74 hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực TN&MT (đạt 51,3%) và cùng với đề xuất sửa đổi, bãi bỏ TTHC liên quan đến kiểm tra chuyên ngành tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường (dự thảo Nghị định đang được lấy ý kiến thành viên Chính phủ), Bộ đã cắt giảm và đề xuất cắt giảm 14/15 TTHC liên quan đến kiểm tra chuyên ngành (đạt 93,3%, vượt 43,3%); ước tính trung bình, hàng năm, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp khoảng 50.989 giờ công lao động và khoảng 3.038.689.320 đồng/năm.
Bộ đẩy nhanh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, từng bước giảm giấy tờ trong điều hành, hiện đại hóa nền hành chính. 100% văn bản được số hoá và cập nhật vào Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc. Triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho 99 TTHC, trong đó, có 68 dịch vụ công mức độ 3, 15 dịch vụ công mức độ 4 (có 11 TTHC kết nối với Cổng Thông tin Một cửa quốc gia), vượt mức kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 63 TTHC. Là cơ quan đầu tiên thuộc Chính phủ triển khai thực hiện liên thông TTHC, Bộ đã thực hiện triển khai thí điểm liên thông 11 TTHC thuộc 3 lĩnh vực, giúp doanh nghiệp cắt giảm 2/3 thời gian và tiết kiệm trên 60% chi phí thực hiện TTHC.
Kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả
Năm 2018, Bộ TN&MT tiếp tục chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với nhiệm vụ của đơn vị: Năm 2018, hoàn thành công tác kiện toàn tổ chức bộ máy theo Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 4/4/2017 của Chính phủ, theo đó, đã khắc phục căn bản sự chồng chéo, tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, đã giảm 1 tổ chức hành chính trực thuộc Bộ; sáp nhập, giải thể 6 đơn vị sự nghiệp trực thuộc các Tổng cục và 5 đơn vị sự nghiệp trực thuộc các cục trực thuộc Bộ; giảm 186 tổ chức Chi cục, Phòng, Đoàn, Trung tâm thuộc Bộ; giảm 84 cán bộ cấp phó; chuyển 16 đơn vị sự nghiệp từ tự đảm bảo một phần chi thường xuyên sang tự đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên, chuyển 2.750 người sang hưởng lương từ nguồn thu tự chủ đã ban hành kế hoạch biên chế công chức và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp năm 2019 gửi Bộ Nội vụ để tổng hợp; phê duyệt danh mục vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của các đơn vị sự nghiệp chưa được giao quyền tự chủ của Bộ (13 đơn vị); đã ban hành Thông tư quy định về Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực TN&MT; tổ chức hướng dẫn rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy ngành TN&MT tại địa phương; ban hành Quy định phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc Bộ với Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trong phối hợp thực hiện công tác quản lý TN&MT; triển khai xây dựng Thông tư quy định chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo thuộc ngành tài nguyên và môi trường; xây dựng Chỉ thị của Bộ trưởng về tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức viên chức ngành TN&MT; quy định về đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Tổ chức triển khai công tác luân chuyển, sắp xếp, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý một số đơn vị trực thuộc Bộ theo Nghị quyết số 34-NQ/BCSĐTNMT ngày 23/4/2018 của Ban Cán sự Đảng Bộ.
Tổ chức xây dựng Chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ TN&MT thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; tiếp tục rà soát, hoàn thiện, ban hành và tổ chức thực hiện các quy định, quy chế về công tác cán bộ; tiếp tục tổ chức triển khai rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp giai đoạn 2018 - 2021 và xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp giai đoạn 2021 - 2026. Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác luân chuyển, sắp xếp, bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý và việc chuyển đổi vị trí việc làm đối với công chức, viên chức trong quá trình kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị thuộc Bộ.
Chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức xây dựng chương trình công tác của cá nhân và đơn vị triển khai Chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng, Chương trình công tác của Bộ. Thực hiện đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ hàng tháng của Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ thông qua Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong tháng. Tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện tinh giản biên chế năm 2018 đối với 81 công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ.