Tổ bảo vệ rừng bản Mạt, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp tuần tra bảo vệ rừng. |
Những tín hiệu tích cực
Bản Mạt là bản cách trung tâm của xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp 6km, với tổng diện tích được chi trả DVMTR năm 2019 là trên 6.800ha.
Ông Lò Văn Nơi, Trưởng bản Mạt, xã Mường Lèo chia sẻ: Trước đây, rừng tại bản tuy được quản lý, bảo vệ theo quy ước, hương ước bản về công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, nhưng vẫn còn hiện tượng phát vén làm nương và cháy rừng quy mô nhỏ. Nhưng từ khi thực hiện chi trả DVMTR, công tác bảo vệ rừng của bản ngày một tốt hơn, số vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng giảm hàng năm.
Từ năm 2013 tới nay, bản đã nhận được trên 900 triệu đồng tiền DVMTR, để chi cho tổ đội bảo vệ rừng, công tác xây dựng nông thôn mới, chi thu nhập tăng thêm cho các hộ dân… Qua đó, ý thức trách nhiệm của các hộ dân trong việc bảo vệ và phát triển rừng được nâng lên rõ rệt.
Còn tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, toàn xã có hơn 12.000ha đủ điều kiện chi trả DVMTR, số tiền được chi trả năm 2018 là trên 6 tỷ đồng. Từ khi chính sách chi trả DVMTR được triển khai đã tác động tích cực đến nhận thức, thái độ, hành vi của cộng đồng với vấn đề bảo vệ và phát triển rừng. Các tổ đội bảo vệ rừng được thành lập từ xã đến bản, đến nay có 15 tổ bảo vệ rừng.
Qua 10 năm triển khai, độ che phủ rừng tại xã tăng từ 35% năm 2010 lên 57% năm 2018. Đặc biệt, từ nguồn kinh phí DVMTR, Ngọc Chiến đã xây dựng được 82 tuyến đường giao thông liên bản, sửa chữa nâng cấp 21 nhà văn hóa bản, 96 lớp học, 7 tuyến kênh mương thủy lợi, 17 cầu treo, cầu tạm…
Ông Sòi Ngọc Dũng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Sơn La cho biết: Trước đây, chưa có chính sách DVMTR, kinh phí hàng năm Nhà nước hỗ trợ ngành lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng khoảng từ 20-30% nhu cầu. Do đó, công tác bảo vệ, phát triển rừng gặp nhiều khó khăn, tình trạng phát rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, khai thác lâm sản trái phép… diễn biến phức tạp.
Từ khi chính sách DVMTR có hiệu lực, từng bước đi vào thực tiễn đời sống, nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng của người dân, cấp ủy, chính quyền cơ sở đã thay đổi rõ nét.
Chính sách này còn thu hút lực lượng lao động lớn trong nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trực tiếp tham gia bảo vệ rừng. Hàng năm, tại Sơn La có trên 43.000 chủ rừng, chiếm hơn 40% toàn quốc được hưởng lợi từ DVMTR và các lợi ích khác từ rừng mang lại, tích cực góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…
Cùng với đó, hiện toàn tỉnh có trên 537.000/637.018ha rừng được bảo vệ và phát triển từ nguồn DVMTR. Chất lượng rừng, môi trường sinh thái từng bước được cải thiện. Tình trạng vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản giảm sâu cả 3 tiêu chí: Số vụ vi phạm, số diện tích và số lâm sản bị thiệt hại năm 2018 giảm 967 vụ so với năm 2009.
Chi trả DVMTR tại huyện Mường La |
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ý thức chấp hành chính sách DVMTR của một số đơn vị sử dụng dịch vụ chưa nghiêm túc. Còn một số đơn vị chây ỳ, chậm nộp tiền sử dụng DVMTR. Tính đến hết tháng 8/2019, còn 21 nhà máy thủy điện của 17 đơn vị chậm nộp với hơn 20 tỷ đồng.
Chênh lệch định mức trên một ha của 2 lưu vực quá lớn, năm 2017 chi trong năm 2018 lưu vực sông Đà được 346.500 đồng/ha; lưu vực sông Mã mới chỉ có 49.700 đồng/ha.
Địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, số lượng chủ rừng nhiều, diện tích rừng được giao nhỏ lẻ, manh mún. Công tác giao đất, giao rừng thực hiện từ năm 2001, chưa ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám, nên độ chính xác của cơ sở dữ liệu không cao, không phản ánh được thực tế hiện trạng rừng, thông tin liên quan đến chủ rừng.
Luật Lâm nghiệp năm 2017 không còn thừa nhận tư cách chủ rừng của Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên xã, bản được giao, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp và rừng theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004, gây khó khăn trong việc xác định, thanh toán tiền DVMTR.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục tập trung bảo vệ và phát triển vững chắc diện tích rừng hiện còn, gắn với nâng cao giá trị của dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn. Mở rộng đối tượng thu, tăng nguồn thu để phát huy hiệu quả của chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ rừng, từ đó, nâng cao thu nhập cho các hộ dân bảo vệ rừng, nhất là các hộ đồng bào dân tộc nghèo, tạo động lực để bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Triển khai thanh toán tiền chi trả DVMTR thông qua tài khoản ngân hàng, giao dịch thanh toán điện tử, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân trong quản lý, bảo vệ rừng...
Từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh Sơn La đã huy động trên 1.167 tỷ đồng từ các đối tượng sử dụng DVMTR để chi cho các hoạt động liên quan đến bảo vệ và phát triển vốn rừng.
Trong đó, chi trả 963,4 tỷ đồng DVMTR cho các chủ rừng; hỗ trợ hơn 10,8 tỷ đồng cho huyện Mường La khắc phục hậu quả cơn lũ lịch sử năm 2017; hỗ trợ hơn 3,4 tỷ đồng triển khai 4 mô hình trồng rừng, trồng cây ăn quả trên đất lâm nghiệp tại 4 huyện Bắc Yên, Vân Hồ, Yên Châu, Thuận Châu. Đáng lưu ý, các chủ rừng đã sử dụng gần 174 tỷ đồng xây dựng 7.354 công trình nhà văn hóa cộng đồng, bê tông hóa đường giao thông nông thôn….