Ông Đinh Quang Tuyên – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn phát biểu khai mạc hội nghị |
Nhiệm vụ “Nghiên cứu, đánh giá, giải quyết hiện tượng sụt lún đất tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn” thuộc đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thực hiện trong suốt 2 năm qua với nhiều đợt khảo sát thực địa và thu thập tài liệu ở nhiều các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khác nhau.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đinh Quang Tuyên – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn cho biết: Địa chất của khu vực huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn hết sức phức tạp, có nhiều sự việc xảy ra trên địa bàn huyện. Cụ thể, từ năm 2007 bắt đầu xuất hiện sụt lún xung quanh huyện Chợ Đồn, đặc biệt xung quanh các khu vực khai thác mỏ.
Hiện tượng sụt, lún xuất hiện rải rác từ năm 2007 – 2015 và từ năm 2015 đến nay hiện tượng này xảy ra dày hơn, mật độ cao hơn, đặc biệt xung quanh khu vực mỏ thôn Nà Tùm, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, gây lo lắng cho nhân dân và chính quyền từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã đã vào cuộc giải quyết rất nhiều lần. Đến nay, có nhiều vụ việc đang trong quá trình giải quyết dang dở.
Ông Trịnh Hải Sơn – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phát biểu tại Hội nghị |
Để giải quyết việc đó, năm 2008, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bổ sung việc đánh giá, giải quyết sụt, lún huyện Chợ Đồn vào Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam”. Đây là giải pháp nghiên cứu của Bộ sau khi nhận thấy địa phương có hiện tượng nổi cộm như vậy.
“Sau hơn 2 năm nghiên cứu, đến nay nhiệm vụ “Nghiên cứu, đánh giá, giải quyết hiện tượng sụt lún đất tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn” đã có kết quả tổng thể. Nhiệm vụ đã chỉ ra nguyên nhân tổng quan nhất của hiện tượng sụt, lún trong suốt 13 năm qua và đưa ra số giải pháp căn cơ chủ yếu. Đây là một đề tài khoa học mà tỉnh Bắc Kạn, đặc biệt nhân dân ở khu vực chịu ảnh hưởng của hiện tượng sụt, lún ở huyện Chợ Đồn rất mong chờ” - ông Đinh Quang Tuyên nhấn mạnh.
Theo ông Đinh Quang Tuyên, nhằm thông tin rộng rãi đến toàn thể các đoàn thể, các cơ quan chính quyền các cấp và nhân dân, ngày 26/5, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản công bố nhiệm vụ sau 2 năm nghiên cứu, qua đó kịp thời thông tin cho các tầng lớp nhân dân cùng nắm bắt, đồng thời đề ra các chủ trương và giải pháp trong thời gian tới.
Báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ, ThS. Nguyễn Quốc Khánh thuộc Trung tâm Công nghệ Địa vật lý và Địa kỹ thuật, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản – người chủ trì thực hiện nhiệm vụ cho biết: Hiện tượng sập, sụt lún và nứt đất trong vùng nghiên cứu bắt đầu xảy ra vào tháng 12/2007 tại thôn Cốc Thử, Nà Tùm, xã Ngọc Phái. Sau đó xuất hiện liên tiếp vào tháng 1/2008 tại cánh đồng Nà Bưa, xã Ngọc Phái. Hiện tượng sập, sụt và nứt đất chỉ chấm dứt từ tháng 9/2008 đến tháng 11/2013, sau đó xuất hiện trở lại vào ngày 4/12/2013 tại tổ 10, thị trấn Bằng Lũng.
Từ năm 2015 đến nay, hiện tượng sập, sụt lún, nứt đất xuất hiện liên tục, tần suất ngày càng tăng, phạm vi ngày càng mở rộng; phía bắc đến bản Ỏm, thôn Phiêng Liềng 1, xã Ngọc Phái; phía nam bản Lắc, xã Bằng Lãng. Hầu hết, các hố sụt đất đều xuất hiện ở phía tây vùng nghiên cứu tại các thung lũng giữa núi, dọc theo suối Khau Cun kéo dài theo hướng đông bắc – tây nam.
ThS. Nguyễn Quốc Khánh - Trung tâm Công nghệ Địa vật lý và Địa kỹ thuật, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ |
Dựa trên kết quả khảo sát và các thông tin thu thập được tại thực địa, các báo cáo của UBND huyện Chợ Đồn, nhiệm vụ đã ghi nhận được 148 hố sụt đất (thực tế có thể còn lớn hơn) có kích thước khác nhau; trong đó xã Ngọc Phái xuất hiện 50 hố sụt, thị trấn Bằng Lũng 55 hố (bản Tàn: 50, tổ 10: 5 hố) và 43 hố sụt ở bản Lắc, xã Bằng Lãng.
“Căn cứ vào đặc điểm, vị trí, thời gian xuất hiện hố sụt, vết nứt đất trước đây; cũng như kết quả quan trắc liên tục mực nước ngầm tại 6 giếng khoan (3 giếng nhiệm vụ mới lắp đặt và 3 giếng thuộc mỏ Nà Tùm) từ 30/5/2019 - 1/11/2019 và theo dõi sự xuất hiện các hố sụt trong thời gian này; cũng như tham vấn, đối sánh kết quả nghiên cứu của các văn liệu khoa học và kết quả kiểm chứng trên mô hình địa kỹ thuật 2D bằng phương pháp phần tử hữu hạn, có thể khẳng định hiện tượng sập sụt, lún, nứt đất trong vùng nghiên cứu xảy ra do tác động của sự hạ thấp mực nước ngầm trong tầng karst. Nghiên cứu về sự hạ thấp mực nước ngầm dựa trên các phân tích về biến động mực nước ngầm và phân tích trên mô hình số” - ThS. Nguyễn Quốc Khánh cho biết.
Quang cảnh hội nghị |
Theo ThS. Nguyễn Quốc Khánh, để giảm thiểu tiến tới không để xảy ra hiện tượng sập sụt, lún nứt đất trong vùng cần có giải pháp điều chỉnh, giữ ổn định mực nước ngầm ở trạng thái cân bằng tự nhiên, không để mực nước ngầm bị hạ thấp, xảy ra trên diện rộng. Vì vậy, chính quyền địa phương các cấp và cơ quan quản lý chuyên môn cần tập trung xác định nguồn gây hạ thấp mực nước và xem xét có biện pháp, chế tài thích hợp theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
Tại đầu cầu huyện Chợ Đồn, đại diện Công ty TNHH khai khoáng Bắc Kạn mong muốn trong trường hợp một trong những nguyên nhân gây sập sụt, lún, nứt đất do tác động của sự hạ thấp mực nước ngầm, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đưa ra giải pháp cụ thể để giúp ngăn ngừa, giảm thiểu sụt, lún đất, từ đó giúp đơn vị ổn định kinh doanh trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, ông Trịnh Hải Sơn – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết: Với kết quả nghiên cứu hiện tại, cho thấy nguyên nhân gây ra hiện tượng sập sụt, lún nứt đất tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn là do sự hạ thấp mực nước ngầm và hệ thống karst phát triển mạnh. Trong thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn và chính quyền địa phương, cũng như các đơn vị khai khoáng đưa ra các giải pháp thích hợp nhằm giảm thiểu hiện tượng sụt, lún đất tại địa phương.