Sụt lún đất tại Mai Sơn (Sơn La): Hoàn thành điều tra, đánh giá nguyên nhân
(TN&MT) - Sở TN&MT Sơn La vừa hoàn thành nhiệm vụ Điều tra, khảo sát, đánh giá, xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp phòng tránh, khắc phục sụt lún tại bản Nong Sơn, xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.
Diễn biến phức tạp, khó lường
Hiện tượng sụt lún đất xảy ra tại bản Nong Sơn, xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn lần đầu vào tháng 10/2023. Từ tháng 4/2024 đến nay, sụt lún có nguy cơ lan rộng và diễn biến phức tạp, gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân; gây thiệt hại các công trình nhà ở, đường, giao thông...
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Sơn La đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó sụt lún đất tại bản Nong Sơn; giao Sở TN&MT chủ trì điều tra, khảo sát, đánh giá, xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp phòng tránh, khắc phục hiện tượng sụt lún.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh cho biết: Thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao, Sở TN&MT đã ký hợp đồng tư vấn thực hiện nhiệm vụ với Viện khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ TN&MT). Từ ngày 26/7/2024 đến hết ngày 30/9/2024, Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản đã tiến hành điều tra, khảo sát, phác họa tổng thể về hiện trạng, thời điểm xảy ra, quy mô các điểm sụt lún, các vị trí tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sụt lún trên vùng karst với các dấu hiệu đặc trưng.
Nhóm điều tra đã khoanh vùng phạm vi nghiên cứu chi tiết là 4,5km2, bao trùm toàn bộ diện tích phân bố dân cư sinh sống quanh khu vực sụt lún và dọc theo thung lũng phương Tây Bắc - Đông Nam, thực hiện 4 lỗ khoan kiểm chứng với khối lượng chiều sâu khoan 180m dọc theo khu vực xảy ra sụt lún tại bản Nong Sơn, Cao Sơn, xã Chiềng Sung.
Qua đó, xác định: Khu vực bản Nong Sơn và lân cận có 7 điểm đã xảy ra sụt lún, 15 điểm có nguy cơ sụt lún với các dấu hiệu rạn, nứt tường, lún nền nhà dân, 13 điểm chưa xác định được các dấu hiệu tai biến địa chất. Các vị trí đã xảy ra và có nguy cơ sụt lún phân bố dọc theo phương phát triển Tây Bắc - Đông Nam của thung lũng, nơi mật độ dân cư sinh sống tương đối cao.
Đặc biệt, kết quả điều tra hiện trạng cũng cho thấy hiện tượng nứt nẻ, lún nền đang có xu hướng lan rộng dọc theo thung lũng về hướng Tây Bắc trên địa bàn bản Cao Sơn và theo chiều rộng đã lên tới gần đường nhựa liên xã, cho thấy mức độ phát triển phức tạp, khó dự đoán của hiện tượng sập sụt, sụt lún trên vùng karst.
Khoanh định 4 vùng nguy cơ
Từ kết quả điều tra, khảo sát, nhóm nghiên cứu đã khoanh định, lập Sơ đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ sụt lún đất và các tai biến địa chất liên quan (tỷ lệ 1:5.000 và 1:2.000) cho khu vực bản Nong Sơn và lân cận của xã Chiềng Sung. Toàn bộ diện tích điều tra chi tiết 4,5km2 đã được khoanh định thành 4 vùng.
Trong đó, vùng nguy cơ sụt lún rất cao có diện tích 0,25km2, tập trung chủ yếu ở khu vực mật độ dân cư, giao thông cao của thung lũng Nong Sơn, Cao Sơn, một số khu vực trên cánh đồng phía Tây Bắc bản Nong Sơn, giáp bản Nong Chạy (Mường Chùm) và Đông Nam bản Nong Sơn.
Vùng có nguy cơ cao, diện tích 3,07km2, bao trùm phần lớn khu vực bản Nong Sơn và lân cận trên các khu vực phân bố đá vôi, vôi sét silic. Vùng nguy cơ trung bình 1,06km2, chủ yếu trên đất nông nghiệp của các bản Nong Sơn, Cao Sơn, Nong Chạy. Vùng nguy cơ thấp 0,12km2, nằm chủ yếu ở phía nam thuộc bản Nà Chạy.
Nguyên nhân chính gây ra hiện tượng sụt lún là do địa hình khu vực bản Nong Sơn và lân cận là dạng trũng giữa núi trên vùng karst. Hệ thống hang karst ngầm, đới xung yếu/dập vỡ chứa nước trong khu vực này phát triển đến độ sâu 70m, trong đó, tầng hang karst lấp đầy vật liệu sét, bột gắn kết kém ở độ sâu 2,4 - 15m là nhân tố nền chủ đạo gây nên hiện tượng sụt lún.
Cùng với đó, quá trình biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp trên toàn cầu, phần nào làm suy giảm các nguồn nước, hạ thấp mực nước dưới đất trong hang, dẫn đến sự mất cân bằng trọng lực, dần dần gây phá hủy trần hang, xói mòn tầng phủ... gây hiện tượng sụt lún, nứt đất trên khu vực bản Nong Sơn và lân cận.
Ngoài ra, hiện trạng khoan giếng khai thác nước của người dân địa phương tăng mạnh trong những năm gần đây với chiều sâu khai thác ngày một tăng, cùng việc bơm hút nước lặp đi lặp lại hàng ngày đã gây nên một số thay đổi đáng kể về chế độ thủy động lực, gây mất nước thường xuyên trong lớp phủ ở độ sâu 15m trở lên, đẩy nhanh quá trình di chuyển của nước ngầm, làm giảm khả năng chịu tải của lớp đất phủ; đẩy nhanh quá trình hòa tan đá cacbonat làm mở rộng các hệ thống hang hốc, khe nứt, giảm khả năng chịu tải của trần hang và có thể gây sập cục bộ các hang karst.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh, hiện tượng sụt lún, sập sụt này là một dạng tai biến địa chất rất khác so với các loại tai biến địa chất thông thường, do hệ thống hang karst ngầm phát triển không theo quy luật, khó xác định, cùng đặc điểm địa chất thủy văn phức tạp. Hiện nay, tỉnh Sơn La và huyện Mai Sơn đã triển khai một số giải pháp tạm thời để đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản.
Tuy nhiên, dựa trên kết quả phân vùng nguy cơ sụt lún, về lâu dài, nhóm nghiên cứu đề xuất địa phương có giải pháp di dời các hộ dân ra khỏi khu vực bị sụt lún và khu vực có nguy cơ sụt lún rất cao. Với khu vực nguy cơ cao vẫn có thể sinh sống, song cần triển khai các biện pháp khắc phục như gia cố nền móng, nâng cao nhận thức người dân về nguyên nhân, nguy cơ, dấu hiệu hiện tượng sụt lún để chủ động ứng phó kịp thời...