Tính đến hết năm 2018, cả nước đã có 161/713 đơn vị hành chính cấp huyện trên phạm vi 45 tỉnh, thành phố đang vận hành, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai. Cụ thể, có 62 đơn vị hành chính cấp huyện trên phạm vi 9 tỉnh/thành phố thuộc Dự án Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bến Tre, Vĩnh Long và Tiền Giang); 96 đơn vị hành chính cấp huyện trên phạm vi 36 tỉnh/thành phố thuộc Dự án Tổng thể về xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai. Trong đó, 3 tỉnh đại diện ba miền Bắc, Trung, Nam (Hải Dương; Quảng Bình; Kiên Giang) đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu huyện điểm cho 3 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc Dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai - Giai đoạn I.
Tại TP. Hồ Chí Minh, nhờ đẩy mạnh công tác này, đến nay, số thửa đất đăng ký trong cơ sở dữ liệu đã lên tới 1.896.699 thửa (hồ sơ); tổng số Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất quản lý trong cơ sở dữ liệu: 1.818.495 thửa (hồ sơ); tổng số hồ sơ scan (quét) liên kết trong cơ sở dữ liệu: 1.732.119 thửa (hồ sơ). Còn tại tỉnh Yên Bái, để triển khai việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh đã thực hiện thí điểm tại thị xã Nghĩa Lộ. Hiện nay, đã hoàn thành, nghiệm thu đưa vào vận hành công tác xây dựng cơ sở dữ liệu tại 7/7 xã, phường và tích hợp chung cho toàn thị xã Nghĩa Lộ, với tổng số thửa xây dựng cơ sở dữ liệu: 54.894 thửa…
Tuy vậy, trong quá trình vận hành tại hai địa phương này đều gặp một số khó khăn. Đơn cử tại TP. Hồ Chí Minh, có một số quận, huyện giao cho Phòng TN&MT, kiểm tra bản vẽ đối với các trường hợp cấp GCN lần đầu, chuyển mục đích sử dụng đất... chưa đúng theo thẩm quyền (như quận 3, 8, 12, Hóc Môn…). Đồng thời, việc cập nhật pháp lý bản đồ trên 2 hệ thống bản đồ địa chính do 2 cơ quan quản lý thực hiện dẫn đến chồng ranh lấn thửa, khó quản lý cập nhật biến động thông tin thửa đất.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số đơn vị cập nhật với mục tiêu in GCN chưa quan tâm đến chất lượng dữ liệu (hệ thống số hồ sơ gốc, số vào sổ, các chỉ số biến động, liên kết hồ sơ quét số với cơ sở dữ liệu….) công tác kiểm soát thông tin trên hồ sơ giấy và hồ sơ số, (đảm bảo tất cả GCN trước khi trình lãnh đạo ký) quản lý, cập nhật, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu địa chính chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện thường xuyên trên toàn hệ thống.
Theo Sở TN&MT Yên Bái, công tác xây dựng cơ sở đất đai và duy trì vận hành cơ sở dữ liệu đất đai còn gặp rất nhiều khó khăn do trình độ tin học cán bộ của cấp huyện, xã trong việc cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai còn hạn chế, khi sử dụng các phần mềm còn lúng túng và thường xuyên phải trao đổi với Sở TN&MT tỉnh và đơn vị cung cấp phần mềm để sửa vá lỗi liên quan đến việc cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai.
Hơn nữa, sau khi hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Sở đã bàn giao cho địa phương nhưng địa phương lại không có kinh phí để duy trì hệ thống đường truyền kết nối mạng Internet giữa Phòng Đăng ký đất đai với cán bộ địa chính xã, phường. Vì vậy, hệ thống này chạy không ổn định và không được cập nhật thường xuyên. Ngoài ra, việc chỉnh lý biến động đất đai gặp khó khăn do sự phát sinh biến động trong cơ sở dữ liệu đất đai rất lớn…
Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, năm 2019, Tổng cục sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt việc xây dựng, vận hành và khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai.
Hiện nay, các địa phương trên cả nước sử dụng các phần mềm ứng dụng trong hệ thống thông tin đất đai như:: Phần mềm ViLIS (Tổng cục Quản lý đất đai, có 45 tỉnh sử dụng); phần mềm ELIS (Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường, có 13 tỉnh sử dụng); phần mềm TMV.LIS (Tổng Công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, có 4 tỉnh sử dụng); phần mềm phần mềm SouthLIS (Công ty TNMT miền Nam, chạy thử nghiệm tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng); phần mềm quản lý đất đai tỉnh Đồng Nai (DongNai.LIS). Ngoài ra, hiện nay, thử nghiệm phần mềm VietLIS tại thị xã Từ Sơn - tỉnh Bắc Ninh và quận Hải Châu - TP. Đà Nẵng (kết quả của Dự án Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng mô hình hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu VietLIS). |