Hẹn với Cham Chu

Lê Thu (Tuyên Quang)| 02/11/2021 10:59

(TN&MT) - Ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, rừng đặc dụng Cham Chu có diện tích khoảng 15.000ha, là khu bảo tồn thiên nhiên rộng lớn nằm trên hai huyện Hàm Yên và Chiêm Hóa, đây là một trong ba khu rừng đặc dụng của tỉnh Tuyên Quang. Những cánh rừng nguyên sinh đại ngàn với hệ động, thực vật vô cùng phong phú, nhiều loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam.

Từ thị trấn Hàm Yên đi vào Cao Đường (thôn Cao Đường, xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên) chừng bốn mươi cây số, con đường bê tông nhỏ chỉ vừa chiếc xe du lịch, vượt qua nhiều khúc cua ngoằn ngoèo và dốc đứng, có lúc phải nghển cổ lên để nhìn đường. Bên trái là vách đá taluy dựng đứng, thấp thoáng những bông hoa chuối rừng rực lên màu đỏ trong nền xanh của lá. Bên phải là vực sâu hun hút, sát bên đường thỉnh thoảng có vài ngôi nhà sàn của người Dao, chắc cũng đã sinh sống ở đây mấy đời rồi.

 

Chiếc xe nặng nhọc bò theo triền dốc, có lúc khựng lại giữa chừng vì máy xe nóng quá. Leo đến đỉnh đèo rồi từ từ đi xuống con dốc hẹp, cánh đồng bằng phẳng hiện ra trước mặt. Trên độ cao gần một ngàn mét so với mực nước biển, khí hậu trở nên rất dễ chịu. Dù quãng đường xuống dốc không xa nhưng lại cho một cảm giác lâng lâng vì thay đổi trạng thái. Ra khỏi xe là gặp những cơn gió nhẹ chợt ào đến rồi lại lặng yên. Ở đây không khí bị loãng ra, cơ thể như phồng lên, nhịp thở cũng dần chậm lại, một cảm giác thật nhẹ nhàng và sảng khoái đang lan tỏa khắp cơ thể. Cánh đồng lúa rộng lớn nằm gọn trong thung lũng, xung quanh mịt mùng là rừng, những cây rừng mọc trên những núi đá cao ngất…

Trải qua hàng ngàn đời, mảnh đất này đã được thiên nhiên bồi tụ, những đám ruộng nằm ở dưới thấp cũng khá bằng phẳng và màu mỡ, dưới gốc rạ là lớp bùn dày quánh và đen kịt. Phía trên là những đám ruộng bậc thang trải dần, ruộng trên ruộng dưới gối sát nhau. Lúa ở đây hạt nào cũng no tròn, đều và chắc như những hạt ngọc trời. Những hạt thóc nhờ hút được bồi tích của rừng từ trên cao trôi về trong mùa mưa lũ và nguồn nước mát từ những lạch nhỏ trong lòng núi chảy ra, lúa chín tỏa ra mùi hương thơm thảo, như tấm lòng của người dân nơi đây.

Hệ thực vật ở Cham Chu có các loài nghiến, trai, kháo, sồi, phay, kẹn, đinh, xoan mộc, dâu đất, cà lồ, muồng, sấu, nhội, chò chỉ, chò nâu, xoan đào, giẻ, re xanh, re gừng, vàng tâm... Cây làm thuốc có các họ cúc, ngũ gia bì, bạc hà, bách bộ, thổ phục linh...

Giờ đang là mùa thu hoạch, cả cánh đồng rực lên màu vàng của lúa chín, những nhánh những bông oằn mình trĩu xuống vì nặng, những chiếc lá như những ngọn giáo đang tua tủa chĩa lên trời như để bảo vệ thành quả cuối mùa, trước khi trở thành hạt gạo. Những đám lúa trên các thửa ruộng bậc thang cũng đang dần chín. Khi còn nhỏ, tôi được nghe người già kể về những cây lúa cao lút đầu người, chỉ mọc ở miền núi cao, thấy như mơ, như thực. Bây giờ được đứng trong đám ruộng này, nhìn thân cây lúa nếp mập mạp như cây cỏ lau, cao gần đến đầu người, bỗng thấy mình như người tí hon trong câu truyện cổ tích năm xưa.

Nhiều loài lá cây dại là nguồn thức ăn

Ngôi làng nhỏ có chừng vài chục nóc nhà, những ngôi nhà sàn lợp lá cọ của đồng bào Dao, Tày, Nùng sinh sống từ nhiều đời, nay vẫn còn nguyên vẹn. Vài ngôi nhà của đồng bào Mông nằm sát dưới chân vách đá, ngôi nhà nhỏ xíu lặng im dưới tán cây của cánh rừng đại ngàn. Đã mấy thế hệ rồi, đồng bào các dân tộc vẫn bình yên sinh sống dưới chân núi đá hùng vĩ này.

Vào dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội Cầu làng, lễ Cấp sắc của người Dao áo dài… những điệu hát Ru, hát Giao duyên cùng với trò chơi đánh quay của đồng bào Mông, quyện với điệu hát Lượn, hát Cọi của dân tộc Tày, Nùng cùng với bức tranh mùa đã làm nên nét văn hóa đặc sắc của Cao Đường.

Ra khỏi cánh đồng, người cán bộ Kiểm lâm hào hứng dẫn chúng tôi đi thưởng ngoạn vẻ đẹp kỳ vĩ của cánh rừng nguyên sinh. Men theo con đường mòn đến những cây gỗ lớn sát mép rừng, dưới tán của những cây hoàng đàn, đinh, lim, trai, nghiến… đã gần ngàn năm tuổi, bóng của mỗi cây xoè ra như những chiếc ô khổng lồ làm xanh thẫm cả phần đất dưới gốc, ánh sáng của mặt trời xuyên xuống đất những vệt dài như ánh đèn pha. Chưa bao giờ người và rừng lại được gần nhau, tựa vào nhau sát thế. Giữa bãi trống này có hai cây chò chỉ to lớn, thân cây cao chừng bảy, tám mươi mét hiên ngang vươn lên bầu trời, ôm vào cành là những cây tầm gửi cuộn tròn trông như những quả xanh của cây rừng. Giá như có người khổng lồ giúp mình treo ngôi nhà gỗ lên giữa hai cái cây này nhỉ, hay mang theo cái lều của người dân du mục, ngồi đây chỉ có mình, với cây, với rừng, chắc đây sẽ là những phút giây thi vị nhất trong cuộc sống này. Thần rừng của Cham Chu hẳn là linh thiêng lắm mới gìn giữ được nơi này vẹn nguyên cho đến tận ngày nay.

Bông chuối rừng như ngọn đuốc

Chiều xuống, cả bọn rủ nhau ra suối Khau Làng tắm, nước chỉ ngang đến bụng, trong đến nhìn rõ cả những ngón chân. Có hàng ngàn những viên đá nhỏ với màu sắc, hình dạng khác nhau, tuyệt không thấy viên nào vuông vắn. Thế thôi, nhưng dù là tròn, dẹt hay ngắn, hay dài, những viên đá con này hầu như được tách ra từ khối đá mẹ trên đầu nguồn, ban đầu cũng xù xì, thô ráp và góc cạnh, khi bị thời gian và dòng chảy cuốn trôi, đi qua từng tầng nước, xô đập với các tảng đá lớn, lăn theo những viên đá nhỏ, rồi cứ mòn dần và trở nên nhẵn nhụi. Cuối dòng, tất cả cũng trôi về bãi đợi này.

Bữa cơm chiều do anh em Kiểm lâm chiêu đãi, ở đây chưa có hàng quán gì, nếu ai bị lỡ bữa thì vào bất kỳ gia đình nào cũng được giúp đỡ. Biết nhà có khách, cô gái người Dao mang lên biếu anh em vài con cá, đĩa rau cải ngồng ngọt mát, cùng bát canh rau rừng đắng ngọt đậm tình của người dân bản địa. Bát cơm nếp nương thơm thoảng mùi rạ ủ. Coóng rượu men lá vẫn còn nóng hổi được cất bằng chõ gỗ, mùi thơm của men rượu thấm đẫm hương rừng Cham Chu và vị đất Cao Đường. Hạt trưởng Kiểm lâm phân trần: “Biết khách đến thăm nhưng cũng không chuẩn bị chu đáo được, ở đây chỉ có như vậy thôi các bạn ạ”.

Bữa cơm dừng lại nửa chừng vì có khách, tưởng ai hóa ra Phó Chủ tịch huyện đi thăm cơ sở, vô tình ghé qua. Phó Chủ tịch còn khá trẻ. Cuộc gặp dù đơn sơ, mộc mạc nhưng chủ nhà và khách như những người bạn tri kỷ, những câu chuyện về rừng, về lúa, về những người dân lành hiền, chất phác cứ ào ào tuôn chảy. Tôi đọc thấy nét ưu tư của người cán bộ trẻ ẩn dưới cặp kính trắng và thầm nghĩ, những khát khao, dự định đang được vẽ ra trong đầu người cán bộ về vùng đất thơ mộng này sẽ sớm thức dậy, du lịch và nông nghiệp sẽ là những nét đặc trưng, riêng có ở nơi đây.

Rồi lại nghĩ, có lẽ những người quanh tôi đây phải yêu nơi này lắm mới hiểu và gìn giữ được nguyên sơ tròn vẹn thế này.

Rồi không biết vì chén rượu, hay vì nét xa xăm trên gương mặt xinh xinh của thiếu nữ Dao mà thấy mình chếnh choáng chả muốn chia tay. Nhưng đành vậy. Chia tay rồi tôi vẫn nhớ ánh mắt của những người gác rừng như nhắn gửi.

Cham Chu nhé! Nhất định rồi chúng tôi trở lại…

Những vạt rêu xanh ẩm ướt

Hệ động vật, khu hệ thú có 42 loài thuộc 20 họ, 8 bộ, trong đó có 11 loài thuộc quý hiếm như voọc mũi hếch, gấu ngựa, khỉ mặt đỏ, voọc đen má trắng, sói đỏ, beo lửa, báo gấm,cầy vằn, sóc bay lớn, tê tê. Khu hệ chim ghi nhận 127 loài chim. Cũng đã ghi nhận 38 loài bò sát như nhiều loại rắn, rùa núi vàng, ba ba trơn, rùa hộp và 15 loài lưỡng cư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hẹn với Cham Chu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO