Môi trường

Tuyên Quang: Chung tay bảo vệ môi trường

Lê Tí 27/11/2024 - 15:00

Hưởng ứng Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đã lựa chọn 9 xã, phường, thị trấn thuộc 3 huyện: Yên Sơn, Chiêm Hóa và TP. Tuyên Quang để triển khai, với mục đích chung tay bảo vệ môi trường.

Mục tiêu của dự án là tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, nông dân tại địa phương về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững; xây dựng và nhân rộng các mô hình về chuyển đổi chất thải thành nguồn thức ăn dinh dưỡng phục vụ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người nông dân.

Bà Nguyễn Thị Vĩnh An, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Sau hơn 2 năm triển khai, Hội đã phối hợp tổ chức 2 khóa đào tạo giảng viên nguồn cho cán bộ, hội viên nông dân nòng cốt thuộc các địa phương tham gia Dự án; tập huấn gần 2.000 hội viên nông dân; tổ chức 4 chuyến tham quan, học tập mô hình nuôi sâu canxi, trùn quế trong và ngoài tỉnh. Đồng thời hỗ trợ xây dựng được gần 300 mô hình áp dụng các kỹ thuật xử lý rác thải thân thiện với môi trường, như kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi, nuôi sâu canxi, trùn quế, kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học với hàng nghìn hộ dân tham gia.

anh-1-tq.jpg
Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang tổ chức cho các hội viên, cán bộ Dự án tham quan mô hình nuôi giun quế - (Ảnh baotuyenquang.com.vn).

Việc triển khai Dự án đã giúp người nông dân trên địa bàn tỉnh biết cách phân loại, xử lý rác thải, giảm tình trạng đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau thu hoạch, từng bước giải quyết tình trạng lãng phí thức ăn dư thừa, chất thải chăn nuôi; tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm phân bón hóa học, giảm nhân công lao động và nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Huyền, phường Tân Hà, TP Tuyên Quang, được tham gia lớp tập huấn về phương pháp xử lý rác thải thân thiện với môi trường chia sẻ: Trước đây, gia đình chị nuôi gà theo cách truyền thống, mặc dù có rải trấu, dọn vệ sinh hàng tuần, nhưng chuồng trại vẫn có mùi hôi. Từ khi được Dự án cho đi tham quan, tập huấn chị đã chuyển sang nuôi gà trên đệm lót sinh học, đồng thời vẫn sử dụng các phụ phẩm như rơm, trấu nhưng kết hợp với phun dung dịch men vi sinh giúp phân giải phân, tiêu diệt sự phát triển của các vi sinh vật có hại. Nhờ đó, chuồng trại không mùi hôi. Sau 6 tháng, người chăn nuôi mới phải dọn chuồng, công việc chăn nuôi đỡ vất vả hơn.

Đến nay, 100% các huyện, thành phố thực hiện mô hình “Đồng ruộng sạch, sản xuất sạch” nội dung trọng tâm là không đốt rơm rạ, xử lý gốc rạ tại ruộng bằng chế phẩm sinh học. Đặc biệt, 4 xã, trong đó có 2 xã ngoài dự án đăng ký đến năm 2028 xây dựng mô hình “Toàn diện về bảo vệ môi trường” trên cơ sở áp dụng 5 kỹ thuật xử lý phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp của dự án và xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại nguồn.

Bà Nguyễn Thị Việt Hà – Phó Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án, cho biết: Tỉnh Tuyên Quang là một trong những địa phương thực hiện rất nghiêm túc về Dự án và đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Mục đích cuối cùng của Dự án là: Biến rác thải hữu cơ thành nguồn tài nguyên quý, tăng thu nhập cho nông dân từ tài nguyên tác hữu cơ; Giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp và do thức ăn thừa; Bảo vệ môi trường; Cải thiện sức khỏe đất và tăng cường sức khỏe vật nuôi; Nâng cao sức khỏe cộng đồng. Dự án kéo dài 4 năm, từ 2021 đến hết năm 2024 sẽ tổng kết và có kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.

anh-2-tq.jpg
Hội thảo sơ kết Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế”.

Bà Hà chia sẻ thêm: Đến nay, Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức 30 khóa tập huấn giảng viên nguồn (TOT) về xử lý rác thải thân thiện với môi trường cho 470 cán bộ Hội, cán bộ khuyến nông, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại 15 tỉnh, thành phố; tổ chức 530 lớp tập huấn cho hơn 14.500 lượt hội viên nông dân về xử lý rác thải thân thiện với môi trường. 100% nông dân tự nguyện cam kết áp dụng các kỹ thuật đã được học.

Đặc biệt, thực hiện Dự án, các cấp Hội Nông dân đã xây dựng được hơn 8.000 mô hình xử lý rác thải thân thiện với môi trường. Trong đó, gần 2.000 mô hình lên men phụ phẩm làm cây trồng thức ăn chăn nuôi; hơn 2.000 mô hình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm cây trồng tại ruộng và xử lý gốc rạ bằng Trichoderma; gần 1.400 mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học dày; hơn 1.300 mô hình nuôi sâu canxi; hơn 1.300 mô hình nuôi sâu trùn quế.

Thành công của Dự án chính là thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp từ truyền thống sang phương pháp chăn nuôi, canh tác mới, thân thiện với môi trường, thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới một nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyên Quang: Chung tay bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO